Không chỉ tại Mỹ, tại Anh mà mới đây (7-11) tại Singapore, Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình nhắc lại tuyên bố rằng những hòn đảo trên biển Đông là thuộc lãnh thổ TQ kể từ thời xa xưa (?).
Trong khi chỉ trước đó một ngày, sau chuyến thăm chính thức Việt Nam (VN) của ông Tập Cận Bình, hai nước nhất trí cùng thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), thúc đẩy sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp ở biển Đông.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM, TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) tại Singapore, nhận định phát biểu của ông Tập tại Singapore là bằng chứng cho thấy chừng nào tranh chấp biển Đông chưa được giải quyết, TQ vẫn khó có thể hữu nghị một cách chân thành với VN.
TQ làm VN mất lòng tin nghiêm trọng
. Phóng viên: Việc ông Tập Cận Bình tiếp tục nhắc lại tuyên bố vô lý rằng TQ có chủ quyền với các đảo ở biển Đông từ thời xa xưa ngay sau chuyến thăm chính thức VN nói lên điều gì về mối quan hệ Việt-Trung?
+ TS Lê Hồng Hiệp: VN và TQ là hai bên tham gia chính vào tranh chấp Biển Đông, và chính vấn đề Biển Đông đã khiến quan hệ song phương căng thẳng trong thời gian qua khi Trung Quốc ngày càng trở nên xác quyết và có các hàng động mang tính đe dọa ở đây.
Việc TQ ngày càng trở nên xác quyết và có các hành động mang tính đe dọa ở biển Đông khiến lòng tin của nhân dân VN vào TQ giảm sút nghiêm trọng, buộc VN phải tăng cường đa phương hóa quan hệ để đối trọng lại sức ép từ Bắc Kinh trên biển Đông. Điều này gây bất lợi ít nhiều cho TQ.
Vì vậy cũng không có gì khó hiểu khi trong chuyến thăm VN, ông Tập thể hiện một thái độ tương đối mềm mỏng, mang tính xoa dịu. Đặc biệt, qua chuyến thăm VN vừa qua, TQ đã thể hiện mong muốn sử dụng các biện pháp kinh tế để xoa dịu, rõ nhất là hứa hẹn khoản viện trợ không hoàn lại 1 tỉ nhân dân tệ (tương đương 157,6 triệu USD).
Tuy nhiên, đó chỉ là biểu hiện bề ngoài và nhất thời bởi chừng nào tranh chấp biển Đông chưa được giải quyết thì TQ vẫn khó có thể hữu nghị một cách chân thành với VN. Phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Singapore ngay sau chuyến thăm VN là một bằng chứng cho điều đó.
Trong thời gian tới, trước mắt TQ sẽ tìm cách xoa dịu VN nhưng sau lưng vẫn sẽ tiếp tục các hành động lấn biển, lấn đảo ở biển Đông. Vì vậy, VN cần phải nhìn vào những gì TQ làm, nhất là trên biển Đông, để có những đối sách phù hợp.
Các hành động của Bắc Kinh đang khiến cảm nhận của khu vực về “mối đe dọa TQ” ngày càng trở nên sâu sắc. Ảnh: JASON QUAH/TODAY
Răn đe hàng xóm, củng cố lòng dân
. Hơn ai hết, TQ hiểu rằng những gì họ đang làm tại biển Đông trái với các quy định của UNCLOS, vi phạm các cam kết DOC. Đây là lý do khiến Bắc Kinh cố chấp dùng “cơ bắp” và phát ngôn vô lý về chủ quyền ở biển Đông?
+ Biển Đông là không gian hải dương duy nhất để TQ có thể vươn ra mà không gặp phải những thế lực đáng kể cản đường như Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Dựa vào sức mạnh của mình, TQ không ngần ngại áp đặt các quan điểm và lợi ích lên các nước khác trong khu vực. Các tuyên bố gần đây của TQ thể hiện xu hướng đó, thường đi kèm các hành động khiêu khích, mang tính đe dọa, bành trướng bất chấp các chỉ trích, lên án mạnh mẽ của các nước, yêu cầu TQ giải thích.
Ngoài ra, có hai vấn đề khác cũng khiến TQ “mạnh miệng” và “mạnh tay” hơn. Đầu tiên là vụ kiện của Philippines đối với TQ ở Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã đi đến hồi gay cấn khi PCA gần đây đã tuyên bố có thẩm quyền thụ lý vụ kiện.
Thứ hai, tình cảm dân tộc chủ nghĩa ở TQ ngày một gia tăng, nhất là kể từ khi ông Tập lên cầm quyền. Những điều này khiến TQ cần có những tuyên bố cứng rắn để vừa thể hiện “uy thế đạo đức” của mình trong vụ kiện với Philippines, vừa đáp ứng kỳ vọng của những phần tử dân tộc chủ nghĩa ở trong nước.
Lợi bất cập hại với Bắc Kinh
. Việc tránh né luật pháp quốc tế, chèn ép các nước láng giềng, lôi kéo và “mua chuộc” mà TQ thực hiện trong thời gian qua sẽ gây tác hại ra sao cho chính Bắc Kinh?
+ Với sức mạnh đang lên của mình, sẽ khó có ai cản bước được TQ trên thực địa. Ví dụ, TQ sẽ hoàn thiện và có thể sớm quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa mà không ai có thể ngăn cản được, ít nhất là trên thực tế và theo nghĩa đen.
Tuy nhiên, cần thấy rằng nếu sức mạnh được sử dụng để phục vụ các mục đích “phi nghĩa”, đi ngược lại lợi ích hòa bình và ổn định của khu vực thì sẽ khó có thể bền vững và được chấp nhận.
Vì vậy tôi không nghĩ bên ngoài thực địa TQ sẽ duy trì được ưu thế lâu dài. Ngay như việc hội nghị ADMM+ tại Malaysia vừa qua không thông qua được tuyên bố chung cho thấy TQ đã thành công trong việc lôi kéo một số nước nhưng nó cũng cho thấy TQ đang phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn và quyết liệt từ các nước khác.
Hay như việc Mỹ đã cử tàu chiến đi vào vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà TQ xây để khẳng định quyền tự do hàng hải và có hàm ý thách thức các tuyên bố chủ quyền quá trớn của Bắc Kinh ở đây. Các nước khác, đặc biệt là Nhật Bản, cũng có thể áp dụng các hành động tương tự trong tương lai.
Quan trọng hơn, các hành động của Bắc Kinh đang khiến cảm nhận của khu vực về “mối đe dọa TQ” ngày càng trở nên sâu sắc. Nhiều nước về tổng thể đang điều chỉnh lại tư thế chiến lược của mình. Tất cả những điều này khiến cho uy tín, tư thế đạo đức và sức mạnh mềm của TQ sẽ suy giảm, về lâu dài sẽ là những vật cản lớn đối với TQ trên con đường vươn lên làm siêu cường và lãnh đạo khu vực.
. VN cần có những đối sách thông minh nào trước một Bắc Kinh khó “mặc cả” tại biển Đông?
+ Nếu TQ coi biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ thì có thể nói đối với VN, biển Đông là “cốt lõi của lợi ích cốt lõi”. Chúng ta không thể để bất kỳ ai một mình khống chế biển Đông, xâm phạm các lợi ích chủ quyền lãnh thổ hợp pháp mà ông cha ta để lại. Vì vậy, dù không muốn làm quan hệ song phương căng thẳng nhưng VN vẫn phải cương quyết trước các hành động gây hấn hay các mối đe dọa từ TQ trên biển Đông.
Quan trọng nhất là VN phải nâng cao được sức mạnh nội tại, mặt khác cần tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác với các cường quốc khác cũng như các thể chế và luật pháp quốc tế để nâng cao vị thế đàm phán của mình trong ứng xử với TQ.
Việc thiết lập các “liên minh mềm” thông qua tăng cường hợp tác quân sự và an ninh với các cường quốc khác nhưng không nhất thiết phải hình thành các liên minh quân sự dựa trên các hiệp ước chính thức là một hướng đi mà VN không thể bỏ qua nhằm giúp VN đáp ứng các mục tiêu chiến lược. Thực tế, trong thời gian qua VN đang từng bước đi theo hướng này, và cần tiếp tục tăng cường trong thời gian tới.
Vừa cương quyết, vừa mềm dẻo, kiên nhẫn Do vị trí địa lý, không thể chọn được láng giềng nên hàng ngàn năm qua ông cha ta đã không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải học cách chung sống với láng giềng phương Bắc. Ngoài ra, do chênh lệch sức mạnh, VN không thể đủ sức để duy trì một mối quan hệ căng thẳng với TQ trong thời gian dài. Chính vì vậy, từ lâu ông cha ta đã một mặt cương quyết và mạnh mẽ chống lại các ý đồ xâm lược từ các triều đại phương Bắc nhưng mặt khác cũng đề cao chính sách “ngoại giao hòa bình” để giữ mối quan hệ hòa hiếu với TQ. Hiện nay, khung quan hệ song phương truyền thống đó vẫn không đổi, thể hiện qua việc VN vừa kiên quyết bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình trên biển Đông trước các hành động gây hấn của TQ vừa kiên nhẫn và hòa hiếu trong quan hệ ngoại giao với TQ, mà việc tiếp đón ông Tập vừa qua là một ví dụ. Điều kiện đặc biệt về địa lý và sự bất đối xứng sức mạnh trong quan hệ song phương đã ít nhiều hạn chế lựa chọn của VN trong ứng xử với TQ. Đó là một thử thách lâu đời mà VN luôn phải đối mặt và tìm cách vượt qua. |