Báo Inquirer (Philippines) đưa tin ngày 10-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose thông báo với báo chí: Philippines và Trung Quốc đã nhất trí không bàn đến vấn đề tranh chấp biển Đông trong hội nghị thượng đỉnh APEC vào tuần tới.
Vương Nghị sang Philippines dàn xếp
Hội nghị APEC dự kiến sẽ diễn ra ở Manila (Philippines) từ ngày 17 đến 19-11. Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cho biết: “Chúng tôi nhất trí đó không phải là địa điểm thích hợp để thảo luận (về biển Đông)”.
Ông khẳng định Philippines quyết tâm tiếp đón khách trọng thị và bảo đảm chuyến đi đến Philippines của ông Tập sẽ “thoải mái, an toàn và hữu ích”.
Trước đó, phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông cho biết sẽ không có kế hoạch thảo luận về biển Đông trong hội nghị APEC sắp tới.
Ông cho rằng mục tiêu của APEC chỉ là thảo luận hợp tác về thương mại và tài chính ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong ngày 10-11, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến Philippines chuẩn bị cho Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự hội nghị APEC.
Ông đã hội đàm với người đồng cấp Philippines Albert Del Rosario trong một tiếng, sau đó ông đã yết kiến Tổng thống Benigno Aquino III.
Báo Phil Star (Philippines) đưa tin trước đó Tổng thống Aquino đã tuyên bố rất cởi mở cùng thảo luận với Trung Quốc về tình hình ổn định thông qua một hội nghị song phương.
Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị yết kiến Tổng thống Philippines Aquino. Ảnh: VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG PHILIPPINES
Obama sẽ tiếp tục làm gì?
Trong khi đó, trang web War on the Rocks của Mỹ ngày 9-11 (giờ địa phương) đã đăng bài phỏng vấn nghị sĩ J. Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Các lực lượng và sức mạnh trên biển (Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ).
Người phỏng vấn là GS ĐH Johns Hopkins (Mỹ) Ryan Evans*, Phó Giám đốc Trung tâm Vì lợi ích quốc gia đồng thời là người sáng lập và chủ bút trang web nêu trên.
. Thực hiện chiến dịch tự do hàng hải trên biển Đông có quá ít và quá trễ không? Tổng thống Obama sẽ phải ra lệnh cho hải quân làm gì tiếp theo?
+ Nghị sĩ J. Randy Forbes: Tôi cho rằng thà trễ còn hơn không bởi chiến dịch tự do hàng hải này phát một thông điệp quan trọng về cam kết của Mỹ đối với tự do trên biển và luật pháp quốc tế.
Từ giữa năm 2011 cho tới tháng rồi, chính quyền Mỹ không tiến hành các chiến dịch như thế là điều thất bại và như thế rõ ràng đã phát tín hiệu xấu đến Bắc Kinh cũng như các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Về chuyện sắp xảy ra, tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều việc. Đầu tiên Mỹ phải tiếp tục thực hiện thường xuyên các chiến dịch như thế để công khai bày tỏ cam kết lâu dài của chúng ta và không bị lên án leo thang (căng thẳng) trong khi chúng ta hành động phù hợp với luật pháp quốc tế.
Về điểm này, điều bắt buộc là chúng ta phải làm rõ khi vào sát các thực thể nhân tạo, chúng ta đang thực hiện tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế chứ không chỉ là quyền đi qua vô hại.
Cuối cùng, tôi nghĩ nhiều quốc gia như Úc và Nhật phải tiến hành chiến dịch riêng để chứng tỏ việc này không chỉ liên quan đến Mỹ và Trung Quốc mà đó là pháp trị và tự do của các quyền phổ quát trên thế giới.
Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào?
. Ông đánh giá thế nào về phản ứng của Trung Quốc đối với chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ? Nhún nhường hơn hay gây hấn hơn? Nếu tiếp tục chiến lược ông đề nghị thì chúng ta chờ đợi Trung Quốc phản ứng với hành động như thế nào?
+ … Các tuyên bố của Trung Quốc về chính sách nước ngoài thực sự thường dành cho người nghe trong nước nên tôi nghĩ phải xem xét phản ứng của Bắc Kinh trong bối cảnh như thế.
Quan trọng hơn, tôi nghĩ rằng hầu như các nước trong khu vực và ngay cả các quan sát viên bên ngoài như Liên minh châu Âu đều nhất trí với Mỹ. Gần như cùng lúc Tòa Trọng tài thường trực của LHQ cũng đã bác các phản đối của Trung Quốc về thẩm quyền đối với tranh chấp trên biển Đông.
Tôi cho rằng điều này đã phát thông điệp mạnh mẽ rằng hoạt động của Trung Quốc không đồng bộ với chuẩn mực quốc tế.
. Nhiều tranh chấp của Trung Quốc với các nước châu Á khác thường tập trung vào đá ngầm và đá nổi một phần. Nếu ông pha món uống gọi là “biển Nam Hải trên đá”, nó sẽ như thế nào?
+ Tôi không phải là người sành uống nhưng tôi cho rằng các thành phần cho một khu vực hòa bình và thịnh vượng đã rõ. Đó là một phần tôn trọng pháp quyền, một phần là thương mại tự do, không hạn chế và một phần là sự hiện diện của Mỹ.
Trung Quốc triển khai trái phép máy bay ra đảo Phú Lâm Tạp chí The Diplomat (Nhật) ngày 10-11 dẫn nguồn từ báo chí Trung Quốc đưa tin Trung Quốc đã triển khai trái phép máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư J-11BH/BHS ra đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Trên đảo có sân bay duy nhất đang hoạt động trên biển Đông. Chưa rõ số lượng máy bay được điều động và lộ trình điều động. Trao đổi với tạp chí Mỹ Defense News, nhà phân tích Bonnie Glaser nhận định máy bay Trung Quốc không thể hoạt động lâu dài do không khí có muối biển Đông sẽ làm hỏng máy bay nhanh chóng. Chuyên gia Alexander Huang lưu ý có thể Trung Quốc có ý đồ thử nghiệm cấu trúc, thiết bị và hệ thống chiến đấu của máy bay trong điều kiện biển Đông. J-11BH/BHS trang bị tên lửa thuộc Sư đoàn không quân số 8 của hải quân đóng ở tỉnh Hải Nam. Các máy bay mới tham gia tập trận “chiến thuật không chiến thực tế” ở biển Đông. Máy bay có một chỗ ngồi, hai động cơ, do Tập đoàn Thẩm Dương sản xuất theo mẫu của máy bay Nga Sukhoi Su-27. Tạp chí The Diplomat nhận định sự kiện Trung Quốc triển khai máy bay J-11BH/BHS sẽ tạo thêm trở ngại cho các máy bay tuần tra Mỹ hoạt động giám sát Trung Quốc ở biển Đông vì máy bay Trung Quốc ở đảo Phú Lâm có thể mở rộng phạm vi hoạt động trên biển Đông đến 360 km thay vì xuất phát từ đảo Hải Nam. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải có chọn lựa rõ ràng cho tương lai: Hoặc họ có thể trở thành một thành phần có trách nhiệm, hoặc có thể tiếp tục để cộng đồng quốc tế chống lại họ. Nghị sĩ J. RANDY FORBES |