Mỗi ô tô sẽ là 1 trung tâm dữ liệu nhỏ trong hệ thống giao thông thông minh

(PLO)- Trong thời đại giao thông thông minh, mỗi xe ô tô sẽ là trung tâm dữ liệu nhỏ để kết nối với đèn tín hiệu trên đường, phương tiện kết nối với phương tiện, người đi bộ...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng ngày 15-5, Trường Đại học Việt Đức và Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức Tọa đàm về Xu hướng giao thông thông minh, cách tiếp cận thúc đẩy giao thông bền vững.

Cơ hội và thách thức trong xu hướng giao thông thông minh

TS Hà Thúc Viên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức cho biết ở nhiều quốc gia đang phát triển, hạ tầng giao thông công cộng phát triển không kịp, gây khó khăn và bắt đầu ùn tắc giao thông, tai nạn, ô nhiễm môi trường... Đây là vấn đề quan tâm toàn cầu, có tính xu thế.

cơ hội và thách thức trong xu thế giao thông thông minh
Việt Nam sẽ đón nhận nhiều cơ hội và thách thức trong xu thế giao thông thông minh. Ảnh: ĐT

"Hiện chúng ta đang đứng trước những thách thức và cơ hội to lớn trong cuộc cách mạng 4.0, làm thay đổi toàn diện, sâu sắc trong mọi ngõ ngách ở cuộc sống. Đây là cơ hội để chúng ta cần nắm bắt và giải quyết bài toán này. Vì vậy, giao thông thông minh là công cụ để kết nối đa phương thức, các giải pháp công nghệ thông minh, phát triển giao thông bền vững.

Từ đó, đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện quy hoạch, ứng dụng khoa học công nghệ để triển khai. Đồng thời, Việt Nam cũng cần phải đào tạo ra cả một thế hệ kỹ sư mới để đáp ứng, giải quyết bài toán giao thông thông minh" - TS Viên nhận định.

Con người sẽ là trung tâm trong giao thông thông minh

PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức đánh giá: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến nhiều đổi mới, tuy nhiên nó cũng mang đến nhiều tác động đến hệ thống giao thông trên khắp thế giới và Việt Nam, đặc biệt là biến đổi khí hậu, sức khỏe con người.

phát triển giao thông thông minh ở Việt Nam
Con người sẽ là trung tâm trong giao thông thông minh.

Ông Tuấn nhấn mạnh giao thông thông minh là một cách tiếp cận thúc đẩy giao thông bền vững, đảm bảo sự kết nối liền mạch các phương thức vận tải cho con người. Lúc này, con người sẽ là trung tâm trong giao thông thông minh.

Tuy nhiên, khi xuất hiện một giải pháp, hệ thống mới cần được ứng dụng rộng rãi, được xã hội chấp nhận với các khung pháp lý, quy hoạch đô thị phù hợp và hỗ trợ giải pháp giao thông thông minh.

Lúc này, giao thông thông minh sẽ tập trung vào các giải pháp công nghệ thông tin và chuyển đổi năng lượng để thúc đẩy các hệ thống giao thông xanh, bền vững và thông minh.
Điều này đòi hỏi các công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, hạ tầng giao thông, hạ tầng liên quan phải có sự thay đổi để tạo nền tảng phát triển giao thông thông minh.

Tại Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ cam kết Việt Nam là nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để hiện thực mục tiêu trên, Việt Nam cần chuyển đổi phương tiện giao thông.

Hiện VinGroup cũng đã phát triển hệ sinh thái giao thông điện để chuẩn bị cho chiến lược từ nay tới 2050, đặc biệt nhu cầu tuyển dụng của họ cũng rất lớn với hơn 100.000 lao động trong tương lai.

Với kỳ vọng trên, dự kiến từ nay đến 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 30% lượng xe điện được bán ra và tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Các phương tiện sử dụng điện sẽ bảo vệ môi trường, giảm phát thải ra môi trường.

Phương tiện điện sẽ kết nối với hạ tầng như đèn tín hiệu trên đường, phương tiện kết nối với phương tiện, kết nối với người đi bộ... Từ đó, tối ưu hóa trong sử dụng năng lượng và mỗi xe ô tô sẽ là trung tâm dữ liệu nhỏ để cung cấp thông tin, giúp giảm ùn tắc, người đi đường cũng thoải mái hơn, tiến tới một TP thông minh.

Trước xu thế phát triển mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ để phát triển giao thông thông minh, Trường Đại học Việt Đức đã công bố chương trình cử nhân Kỹ thuật giao thông thông minh. Đây sẽ là nguồn lao động mới, thế hệ kỹ sư mới để đáp ứng, giải quyết bài toán giao thông thông minh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm