Nhà quay phim Nguyễn Văn Nhiêm.
Cách đây hơn 40 năm, sau khi đã học hai năm quay phim (1968-1970) tại trường điện ảnh, chàng sinh viên Nguyễn Văn Nhiêm cùng khoảng 300 sinh viên được tăng cường cho chiến trường miền Nam, hầu hết đều vào pháo binh. Lúc ấy là tháng 8-1970.
Nghệ sĩ khoác áo lính
Lứa sinh viên ngày ấy ra đi với khí thế hừng hực tuổi trẻ. Nguyễn Văn Nhiêm được điều động về một tiểu đoàn pháo binh với 12 khẩu pháo, vừa hành quân vừa chiến đấu. Ròng rã gần một năm rưỡi, đến đầu năm 1972, tiểu đoàn mới vào tới Lộc Ninh, lúc này còn lại năm khẩu. Năm 1973 Xưởng phim Quân giải phóng từ Lộc Ninh xuống đơn vị và phát hiện ra Nguyễn Văn Nhiêm từng học quay phim, ngay sau đó điều động anh sang làm chuyên môn.
“Trong đời quay phim chiến trường, ấn tượng nhất đối với tôi là những trận đánh Bù Đăng, Bù Đốp, Bình Long. Tôi còn nhớ có một lần xách máy quay chạy theo lính xung kích phá hàng rào lô cốt. Tôi xách máy chạy được chục mét thì bắt gặp một chiến sĩ bộ đội báo cáo với trung đội trưởng để xin lệnh ném thủ pháo, vì gọi địch đầu hàng nhưng không nghe động tĩnh gì từ đối phương đáp lại. Chợt tôi nghe tiếng trẻ con khóc ré, tôi vội quay phắt lại, cản ngăn trung đội trưởng. Vừa lúc ấy, gần chục đàn bà và trẻ con chạy ra. Suýt chút nữa thì dân đã bỏ mạng…” - anh Nhiêm nhớ lại rồi nói thêm - “Mình may còn sống qua khỏi chiến tranh là phúc ông bà để lại. Chính người trong cuộc cũng không hình dung hết sự ác liệt của chiến tranh, huống chi người ngoài cuộc”.
Tháng 4-1975, bộ đội chiếm lĩnh Sài Gòn. Háo hức trước khí thế chiến thắng, Nguyễn Văn Nhiêm một mình một xe Honda từ Biên Hòa chạy vào Sài Gòn, lách hết ngõ này sang hẻm khác. “Có một hình ảnh mà tôi không bao giờ quên được, lúc bấy giờ khuôn mặt tôi và bộ đồ mặc ngoài đều bám đất đỏ và bụi đường suốt mấy ngày hành quân từ Lộc Ninh xuống Sài Gòn. Tôi tìm chỗ rửa mặt, màu nước đỏ cứ tong tong nhỏ xuống rồi loang ra. Tôi sững người nhìn giọt nước loang ra rất đẹp, tâm trạng khi ấy khó nói vô cùng… Lúc tôi ngẩng mặt lên, bầu trời của ngày hôm ấy cực xanh và mây trắng cực đẹp” - nhà quay phim Nguyễn Văn Nhiêm kể.
Nhà quay phim Nguyễn Văn Nhiêm sinh năm 1951 tại Hà Nội. Năm 1984 làm việc tại Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương. Năm 1999: Phó Giám đốc Hãng phim truyện 1. Năm 2007: Giám đốc trường quay Cổ Loa. Một số phim đã quay: Vào Nam ra Bắc (phim truyện nhựa, 1999, đạo diễn Phi Tiến Sơn, Hãng phim Quân Đội) nhận giải Bông sen bạc; Vành trăng khuyết (phim truyện nhựa, đạo diễn Trần Phương, Hãng phim truyện 1) nhận giải thưởng Bộ Quốc phòng; Mảnh đời của Huệ (1997, đạo diễn Phi Tiến Sơn, Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam)… Hiện nay làm tổng giám đốc Công ty Phim Studios A VIETNAM, chuyên về xuất nhập phim điện ảnh và truyền hình. Từ tháng 10-2012, tập trung nhập phim ở các nước Đông Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ, đáp ứng thị hiếu của khán giả đồng thời mang tính nhân văn và dấu ấn nghệ thuật nhất định. |
Món nợ lịch sử
Điện ảnh cũng như truyền hình Việt Nam, thỉnh thoảng xuất hiện một vài bộ phim lịch sử nhưng không mang dấu ấn nghệ thuật cao, trái lại còn làm tốn tiền tỉ ngân sách nhà nước. Nhà quay phim Nguyễn Văn Nhiêm tâm sự: “Tôi luôn ấp ủ khát vọng về dòng phim lịch sử, bởi tôi nhận thấy rằng bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đều đầu tư vào dòng phim này vì tính giáo dục, tính truyền thống, đem lại tri thức và vô vàn bài học cho thế hệ đương đại. Phim lịch sử nếu được đầu tư đúng mức thì đấy sẽ là một dòng phim thu hút khán giả. Tôi cùng một số đồng nghiệp muốn châm ngòi ngọn lửa phim lịch sử bùng lên nhưng tầm cỡ cá nhân thì không đủ, để làm phim lịch sử đòi hỏi phải mang tầm cỡ quốc gia, chiến lược quốc gia”.
Bối cảnh từng được dựng cho phim Thái sư Trần Thủ Độ tại trường quay Cổ Loa đã rệu rã rất nhanh sau đó.
Sách vở trong giáo dục lịch sử dân tộc hiện nay còn nhiều bất cập. Anh Nhiêm đưa ra nhận xét: “Theo tôi, thời đọc sách vở như thế hệ chúng tôi đã qua rồi, bây giờ phải sử dụng phim ảnh thì mới đi vào lòng giới trẻ. Nếu không đầu tư, tạo nên hẳn hòi một dòng phim lịch sử thì chỉ khoảng 10 năm nữa thế hệ trẻ sẽ nguội lạnh với lịch sử”.
Nhiều người trong giới làm phim cho rằng sở dĩ dòng phim lịch sử không được xuyên suốt, liên tục là do kinh phí đầu tư lớn. “Không có phim trường quy mô lớn về ngoại cảnh lẫn nội cảnh thì rất khó xây dựng phim lịch sử” - anh Nhiêm nói - “Nhà nước phải đầu tư về hạ tầng cơ sở. Nếu làm một phim thì rất đắt nhưng từ năm phim trở lên thì thảnh thơi rồi, mọi việc đã có sẵn. Như chúng ta đều biết một số phim chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội như Thái sư Trần Thủ Độ bị dư luận phản ứng bởi không thể lấy phim trường bên Trung quốc làm phim Việt Nam được (chú thích của người viết: Bộ phim sử dụng một số bối cảnh tại trường quay Hoành Điếm, tỉnh Chiết Giang, Trung quốc, đồng thời dựng một số bối cảnh tại trường quay Cổ Loa). Không thể một ông vua Việt Nam ngồi trên ngai vàng của Trung Quốc mà gọi là phim Việt Nam, “chết dở” là ở chỗ đó! Ở Huế hầu như còn nguyên vẹn cung đền điện ngọc của nhà Nguyễn nhưng không thể quay những đại cảnh vì bảo vệ di tích theo Luật Di sản”.
Phim Vào Nam ra Bắc, do Nguyễn Văn Nhiệm quay phim.
Nhà quay phim Nguyễn Văn Nhiêm có một thời gian từng làm giám đốc trường quay Cổ Loa. Nhưng giờ đây anh Nhiêm thốt lên: “Xin đừng để nó… tàn lụi theo năm tháng”. Anh Nhiêm mong muốn Nhà nước phục dựng trường quay quốc gia, bảo đảm tiêu chuẩn công nghệ hiện đại. Diện tích 10-15 ha của trường quay Cổ Loa nên mở rộng lên 50 ha, phục vụ cho cả điện ảnh và truyền hình, nếu tách bạch giữa điện ảnh và truyền hình là tự kìm hãm sự phát triển chung.
Đẩy mạnh dòng phim lịch sử, với trường quay tiên tiến, sẽ kéo theo những lợi ích kinh tế khác, đặc biệt về du lịch. Đó là bài học rất thành công, chẳng hạn Hàn Quốc khi sản xuất bộ phim Nàng Dae Jang Geum, du khách đổ xô đến tham quan những bối cảnh hiện diện trong phim. Ở Việt Nam, bối cảnh hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ… có thể sử dụng để khuyếch trương du lịch, quảng bá hình ảnh về lịch sử dân tộc Việt Nam cho du khách nước ngoài, rất tuyệt vời.