Đủ lĩnh vực, từ âm nhạc đến kiến trúc, từ sân khấu cho đến văn học, vân vân... Riêng lĩnh vực văn học, nói chung các giải thưởng liên quan đến sách cũng nhiều không kể xiết.
Rộng nhất, không thể không nói đến giải thưởng thường niên của Liên hiệp các Hội văn học - nghệ thuật Việt Nam với những chân rết địa phương của nó. Giải thưởng bao hàm đủ thể loại, và mang tính phong trào là chính. Cứ xem số lượng giải và người được giải cũng đủ biết. Trường hợp cụ thể, Giải thưởng Hội văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2013 có cả thảy 60 giải các loại. Trong đó văn học chiếm đến 19 giải. Giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2013, riêng khu vực phía Nam có 42 nhạc sĩ đoạt giải. Chuyên nghiệp mà đông vui thế thì chẳng kém gì phong trào.
Do đó, người thưởng ngoạn Việt Nam cuối mỗi năm luôn ngóng về loại giải được xem là “chuyên của chuyên”, để tìm ra thứ vàng ròng. Ở đó, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam hằng năm là một trong những giải được chờ đợi, do đó bị săm soi kỹ nhất. Kỹ đến nỗi ban chấp hành hội này đâm ngán. Ngán nhất là thơ! Năm 2008, có ba văn xuôi, một tác phẩm dịch được giải, thơ - không. Năm tiếp theo (2009), duy nhất một tập lý luận phê bình, văn xuôi không, và thơ càng không. Đây là năm thứ ba liên tục các nhà thơ Việt Nam (trong đất nước từng tự nhận là nước thơ) không được hân hạnh bước lên bục cao nhất để tôn vinh. Cái dớp từ năm 2007 - hai giải thơ bị từ chối - để lại quả là có gây ngán ngại. Cho dù Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam là giải duy nhất trao cho tác phẩm xuất bản từ năm trước, nghĩa là đã qua “sàng lọc” của thời gian và độc giả văn học khó tính.
Đại hội mở ra nhiệm kỳ mới, ban chấp hành thay đổi quy chế, trao ngay cho tác phẩm in trong năm. Và, như cách ăn trừ bữa, ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, bốn tập thơ được tôn vinh cùng lúc (2010: bốn tập văn xuôi, hai tập thơ; 2011: hai văn xuôi, hai tập thơ, một tập lý luận phê bình). Vừa công bố, giải thưởng bị cư dân mạng tấn công tới tấp. Chả ngán! Năm 2012, hội quyết định trao giải cho ba tập thơ và tặng bằng khen cho hai tập thơ (cùng với một tác phẩm văn xuôi và một cuốn lý luận phê bình; tặng bằng khen có hai tập văn xuôi).
Qua ba năm, đến năm thứ tư, Hội Nhà văn Việt Nam có vẻ bình tĩnh hơn. Cuối tháng 12-2013, Hội Nhà văn Việt Nam “chỉ” quyết mỗi thể loại một tác phẩm. Và không có tặng bằng khen hay giải khuyến khích như thời chưa xa ấy. Còn dư luận thế nào thì hạ hồi phân giải. Thế nào đi nữa, ban chấp hành hội cũng luôn tư thế đón nhận nó.
Giải Hội Nhà văn Việt Nam so với các giải uy tín khác là vậy. Xin miễn đề cập Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM ít được dư luận chú ý, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội mấy năm qua có vẻ được lòng độc giả và báo chí hơn. Một số báo không hà tiện lời khen tặng: “công tâm và uy tín”, “mùa vàng bội thu”, “danh giá nhất?”... mặc dù “nhất” còn ở trong dấu (?), nhưng sự thể phần nào nói lên giá trị thực của tác phẩm đoạt giải thưởng ở hội này. Có thể nói, năm nào Hội Nhà văn Hà Nội cũng tìm ra tác giả và tác phẩm để vinh danh. Năm 2012 và cả năm 2013, từ thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, dịch cho đến “Thành tựu sự nghiệp” đều được tìm thấy địa chỉ. Và khác với bên Hội Nhà văn Việt Nam, nó chưa bao giờ bị từ chối cả, nói chi đến “liên tiếp bị từ chối”!
Cạnh đó, cùng với Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh thuộc Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh có uy tín gần như tuyệt đối, là Giải thưởng Sách hay thuộc Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) với tiêu đề “Sách và Khai minh” được dư luận cho là có “giá trị đích thực”. Năm 2013, lĩnh vực “quản trị” không có sách viết, mà chỉ có sách dịch. Năm ngoái, hạng mục này cũng bỏ trống sách viết. Sự thể chứng tỏ Việt Nam chưa có truyền thống quản trị, tệ hơn - chưa có chuẩn bị cho truyền thống này có mặt.
Giải thưởng dù không là tất cả nhưng vẫn có giá trị như một ghi nhận, một khích lệ nghệ sĩ được giải nỗ lực dấn tới trên con đường chọn lựa, một địa chỉ đáng tin cậy cho người thưởng ngoạn tìm đến; do đó nó đòi hỏi khả năng chuyên môn của hội đồng, nhất là - trong sự hồ nghi mang tính phổ quát lúc này - nó cần sự công tâm. Chứ không nên là nơi chia chác hay thể hiện quyền lực các loại. Mong thay!
Theo INRASARA (Tuổi Trẻ)