Mong nhà Trần Văn Khê sớm thành hiện thực

Chiều 14-8, đại diện Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM), Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã nhận bàn giao ngôi nhà GS-TS Trần Văn Khê ở từ ngày ở Pháp trở về Việt Nam đến lúc qua đời (tháng 6-2015).

Đề án nhà Trần Văn Khê có từ 2003

Buổi bàn giao có sự tham dự của đại diện gia đình GS Khê là ca sĩ Bạch Yến (con dâu trưởng của GS Khê, vợ GS-TS Trần Quang Hải), ông Hồ Thủy Tinh (cháu của GS Khê). Đại diện thân hữu của GS Khê gồm: Ông Trần Bá Thùy, nghệ sĩ Kim Cương, bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM.

Tại buổi bàn giao, bà Thế Thanh chia sẻ: Năm 2006, ở tuổi 85, GS-TS Trần Văn Khê chính thức về nước với tâm nguyện được sống và làm việc những năm cuối đời tại Việt Nam. Sự trở về của ông cũng đã được bàn bạc và có nhiều buổi gặp gỡ giữa ông và các cơ quan liên quan, trong đó đáng chú ý là Đề án nhà Trần Văn Khê do Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM (nay là Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) khởi thảo vào tháng 11-2003. năm 2005, UBND TP.HCM giao cho Sở ngôi nhà tại địa chỉ 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP.HCM) để làm nơi bảo quản, trưng bày hiện vật và nơi ở cho GS Khê những năm cuối đời.

Ngày 5-2-2006, Sở đã có quyết định cùng các bên liên quan GS Khê tiếp nhận: 435 kiện sách trong đó hơn 10.000 đầu sách, tạp chí liên quan đến nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam và âm nhạc thế giới; hiện vật âm nhạc (nhạc cụ, đĩa, băng ghi âm… “Quý nhất trong đó là khoảng 200 quyển du ký gắn với cuộc đời GS Khê. Những quyển du ký này trong quá trình còn sống ông cùng cô Xuân Mai (Võ Thị Xuân Mai, nguyên Phó Trưởng phòng Thu thập Trung tâm Lưu trữ quốc gia II - PV) đã số hóa được một phần” - bà Thế Thanh chia sẻ.

Đại diện gia đình và thân hữu của GS-TS Trần Văn Khê trong buổi bàn giao ngôi nhà tại 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP.HCM vào chiều 14-8. Ảnh: QUỲNH TRANG

Địa chỉ văn hóa suốt chín năm qua

Có thể nói từ khi căn nhà được bàn giao cho GS Khê, suốt chín năm sống trong căn nhà này, GS Khê đã biến nó trở thành một địa chỉ của âm nhạc truyền thống, của văn hóa dành cho mọi người. Trước đây dễ gì người dân thường được nghe cải lương, nghe hát bội hay nghe đờn từ những ông nghệ sĩ bậc thầy như Trần Văn Khê, Nguyễn Vĩnh Bảo… Nhưng từ khi GS Khê về ở thì căn nhà tại đường Huỳnh Đình Hai luôn mở cửa miễn phí cho mọi người với những chương trình sinh hoạt văn hóa định kỳ.

Việc biến nó trở thành một địa chỉ văn hóa như chín năm qua là công sức rất lớn của GS Khê. “Nhắc đến 32 Huỳnh Đình Hai, đó không phải là nhà của GS Khê mà là địa chỉ văn hóa thật sự” - bà Thế Thanh nhấn mạnh.

Theo chia sẻ của bà Thế Thanh, với những đất nước bà từng tới như Đức hay Pháp những nơi đó có những nhà tư nhân như nhà Victor Hugo, Goethe, Oskar Schindler… Nhờ những ngôi nhà đó mà giá trị văn hóa của các thành phố, đất nước đó nâng lên. “Ngôi nhà này có thể chưa phải là Bảo tàng Trần Văn Khê hay một di tích nhưng phải là địa chỉ văn hóa. Suốt chín năm qua nhà này là nơi GS Khê ở, cùng hiện vật của GS Khê. Tôi có niềm tin là những người làm văn hóa sẽ thực hiện được điều này” - bà Thế Thanh nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vào chiều 14-8, ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, cho biết: “Ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai được quản lý theo chế độ công sản, Sở đang chờ chủ trương của UBND TP.HCM nên chưa thể có ý kiến gì ở thời điểm này”.

Sắp phát hành album nhạc của GS Khê

Theo phân công của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Trung tâm Bảo tồn di tích TP.HCM sẽ là nơi tiếp nhận ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai; phần hiện vật sẽ do Bảo tàng TP.HCM tiếp nhận.

Dự kiến trong quý 4-2015, Phương Nam Phim sẽ phát hành bộ CD đôi âm nhạc của GS-TS Trần Văn Khê. Trong đó, CD 1 có tên Chân phương hoa lá do GS Khê hát nhạc của các nhạc sĩ Phạm Duy, Lê Thương, Thẩm Oánh… và ca khúc Nàng nhạc do chính GS Khê sáng tác, phổ thơ Nguyễn Văn Cổn; CD 2 là tuyển tập những tác phẩm âm nhạc truyền thống do GS Khê đàn với tên gọi Mơ mòng khi xưa.

_________________________________

“Gia đình đang làm thủ tục xin thành lập Quỹ Trần Văn Khê. Mục đích của quỹ là hằng năm trao cho các công trình nghiên cứu âm nhạc dân tộc có giá trị, học bổng cho những học sinh, sinh viên nghiên cứu âm nhạc dân tộc” - ca sĩ Bạch Yến, đại diện gia đình GS Khê chia sẻ.

Trước đó, theo di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê, toàn bộ tiền phúng điếu tại tang lễ của ông sẽ được dành để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng mang tên ông. Bà Thế Thanh nói thêm: “Tiền phúng điếu với hơn 700 triệu đồng chỉ là nguồn ban đầu, sau này sẽ có những nguồn thu khác để góp vào Quỹ Trần Văn Khê như doanh thu từ sách, đĩa… Chúng tôi hy vọng vào tháng 6-2016 trong dịp giỗ đầu của GS Khê, giải thưởng Trần Văn Khê mùa đầu tiên sẽ được trao”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm