Một đời giữ kháo Thu Lao

Đó là tâm sự của nghệ nhân Vàng Sín Phìn, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai), người đã bao năm qua cùng các cán bộ văn hóa sưu tầm và dịch hàng trăm bài kháo Thu Lao ra chữ quốc ngữ để in thành sách.

Nghệ nhân Vàng Sín Phìn bên cây đàn ản tắng.

    Vật truyền đời

    Từ trụ sở UBND xã Nàn Sán tôi đi bộ xuôi theo con dốc nhỏ gập ghềnh giữa hai hàng tre già tìm vào nhà nghệ nhân Vàng Sín Phìn. Thôn đội 2, xã Nàn Sán là nơi đồng bào dân tộc Thu Lao sinh sống qua nhiều đời hôm nay vẫn còn giữ được những nét nguyên sơ ở từng nếp nhà sàn. Sự có mặt đường đột không hẹn trước của tôi, một nhà báo, khiến nghệ nhân có phần ngạc nhiên. Mặc dù thỉnh thoảng vẫn có mấy cô cán bộ văn hóa từ huyện và cả ở tỉnh về, thậm chí cả ở Hà Nội lên tìm gặp ông để nhờ ông sưu tầm và dịch hộ những bài dân ca Thu Lao.

    Nghệ nhân Vàng Sín Phìn sinh ra và lớn lên tại xã Nàn Sán. Niềm say mê dân ca, âm thanh của các nhạc cụ dân tộc đã ngấm vào máu ông từ thuở lọt lòng. Năm 18 tuổi chàng trai Thu Lao đã biết chơi hầu hết các nhạc cụ của dân tộc mình và thuộc nhiều bài dân ca cổ. Qua mỗi năm, ông lại tích lũy cho mình vốn dân ca thêm dày dặn. Nghệ nhân Vàng Sín Phìn chia sẻ: Người Thu Lao gọi hát là kháo. Dân ca Thu Lao có nhiều bài kháo làm quen rất hay như: “Cổ táy đẳng mai hỏa” (bài hát làm quen khi sang làng khác hát), “kháo khíu tẻo soỏng” (bài hát khi có khách đến làng), “kháo khíu” (bộ 3 bài hát khi con gái làng khác tới chơi). 

    Có những bài kháo lại thể hiện nỗi niềm của người dân nghèo miền núi: “Kháo khà rèng” (nhà nghèo phải đi làm thuê), “kháo tẩu dừn” (bài hát muốn lập gia đình cho con trai nhưng nghèo quá), “lặc nứ lặc khầm” (tiếng hát nhà nghèo). Cũng có những bài hát tình yêu với giai điệu ngọt ngào, thể hiện cảm xúc tinh tế: “Kháo khoàn dư ản lảng” (bài hát ngày chợ thứ hai), “kháo ní, xá khao ní” (bài hát đối đáp giao duyên), “kháo đằng quải” (hát về kỷ niệm tình yêu)... Đặc biệt, dân ca Thu Lao còn có nhiều bài hát ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ như: “Pù Chỉ Mìn” (Hồ Chí Minh), “tang rèn” (hát về Đảng) thể hiện lòng biết ơn của người Thu Lao đối với Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu. Thêm vào đó, có những bài hát về vẻ đẹp quê hương, đất nước, gắn kết nghĩa tình làng bản thêm bền chặt…

    Nghệ nhân Vàng Sín Phìn lặng nhìn lên góc bên phải bàn thờ, nơi treo những nhạc cụ dân tộc của người Thu Lao mà bao năm qua ông sưu tầm, gìn giữ. Đây là chiếc đàn ẳng dìn 1 dây khi kéo có âm thanh nỉ non. Đây là chiếc đàn tắng gàn chỉ có 3 dây thâm niên đã gần 40 năm rồi. Đây là cây tiêu, cây sáo ông lặn lội lên rừng, tìm được cây trúc đẹp nhất về làm. Đặc biệt là hai cây đàn ản tắng 4 dây của riêng dân tộc Thu Lao ông sưu tầm được đã theo ông gần nửa đời người. Hộp đàn tròn như mặt trăng hôm rằm, có các lỗ cộng hưởng âm thanh và hoa văn hình núi non, hoa lá. 

    Tôi để ý đến bộ khóa dây bằng gỗ của chiếc đàn lớn không biết làm bằng thứ gỗ gì mà qua thời gian đã lên nước bóng loáng như màu đồng đỏ. Trong hai chiếc đàn thì một chiếc qua mấy chục năm đã bị hỏng mất bộ khóa nhưng nghệ nhân vẫn giữ như báu vật, ai trả giá đắt mấy cũng không bán. Ông bảo với tôi: “Hai loại nhạc cụ của dân tộc Thu Lao là đàn ản tắng và đàn tắng gàn bây giờ hiếm lắm, khắp huyện Si Ma Cai và Mường Khương cũng chỉ còn lại vài chiếc, nó vừa là vật truyền đời, vừa mang hồn dân tộc Thu Lao, cần phải nâng niu, giữ gìn...” .

    Nặng lòng với dân ca

    Hôm ấy ở xã Nàn Sán, tôi hỏi nghệ nhân Vàng Sín Phìn: Vậy bây giờ ở xã mình còn nhiều người biết đàn, biết hát dân ca nữa không? Khói thuốc lào dần tan để lộ nét đăm chiêu buồn buồn trong ánh mắt nghệ nhân: Hát được một đêm, hai đêm, ba đêm cả xã chỉ còn chưa đến hai chục người thôi. Các bà Dì Mìn Dín, Hồ Chản Séng, Séo Sào Vín, Thèn Mây Sỉu, Cheng Thén Dùng, Ly Sào Pháng thời con gái hát đối đáp giao duyên làm say đắm bao người, giờ thuộc nhiều bài hát nhưng đều đã lên bà nội, bà ngoại cả… Người biết chơi nhạc cụ dân tộc Thu Lao, ngoài các ông: Ly Vạn Lần, Ly Vạn Sần, Vàng Tờ Sín, Vàng Tảo Dìn thì cũng không còn ai nữa… Cụ Vàng Sào Lèng, một người đánh đàn, thổi sáo giỏi nổi tiếng khắp vùng vì tuổi cao, sức yếu cũng đã qua đời cách đây hơn chục năm rồi… Lớp trẻ Thu Lao bây giờ không mấy tha thiết với dân ca của cha ông. Sau này, không biết kháo của người Thu Lao sẽ về đâu? Còn ai hát dân ca Thu Lao nữa hay không?...

    Nặng lòng với dân ca, suốt những năm qua, nghệ nhân Vàng Sín Phìn đã lặn lội vào tận những thôn bản xa xôi nơi có người Thu Lao sinh sống để sưu tầm những nhạc cụ dân tộc và các bài dân ca xưa cũ. Ông đã giúp các cán bộ văn hóa của tỉnh, của trung ương sưu tầm và dịch ra tiếng Kinh trên 130 bài dân ca Thu Lao ở huyện Si Ma Cai và Mường Khương. Trong đó, có nhiều bài tưởng đã bị thất truyền, phải dày công lắm mới sưu tầm được. Có lần, ông bỏ việc ruộng nương hàng tháng trời đi hơn 100 cây số xuống thành phố Lào Cai cùng các cán bộ của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch ngày đêm miệt mài dịch lời dân ca tiếng Thu Lao để in thành sách cho mọi người cùng đọc. 

    Làm Trưởng thôn đội 2, xã Nàn Sán hơn 5 năm nay, ông luôn vận động bà con dân tộc Thu Lao và các dân tộc khác đoàn kết một lòng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để truyền lại cho thế hệ sau. Hỏi vì sao ông làm như vậy mà chẳng đòi hỏi công lao, ông nói: “Dân ca Thu Lao có bài kháo dài “Pù Chỉ Mìn” (Hồ Chí Minh) nói về công lao to lớn của Bác Hồ với dân tộc Việt Nam, nhắc nhở mỗi người có cuộc sống tốt đẹp hôm nay phải luôn biết ơn thế hệ cha ông, cố gắng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác để xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Bác từng dạy chúng ta làm được những gì có ích cho nhân dân, cho xã hội thì khó khăn mấy cũng phải cố gắng làm. 

    Tôi muốn dịch hết những bài dân ca Thu Lao ra chữ “Bác Hồ” cho mọi người khắp nơi cùng đọc để hiểu về vẻ đẹp tâm hồn, bản sắc văn hóa của người Thu Lao, để cùng trân trọng, giữ gìn. Mảnh đất này nuôi tôi khôn lớn, tôi chỉ làm được một việc nhỏ bé cho quê hương, có gì đâu mà phải kể công…”. Đêm muộn, dưới bóng điện mờ ảo, không gian lặng thinh, nghệ nhân Vàng Sín Phìn ôm cây đàn ản tắng cùng “dàn nhạc” của xã Nàn Sán tấu lên bản giao hưởng núi rừng. Giai điệu bản nhạc lúc trầm, lúc bổng, khi rộn ràng, lúc nỉ non… Cả người đàn, cả người hát, cả người nghe đều đắm chìm trong một không gian dân ca vừa thiêng liêng, vừa gần gũi. Những tiếng hát cất lên từ đáy lòng, có bài hát vui, có bài hát buồn, nhưng bài nào cũng tha thiết một niềm tin của con người vào cuộc sống và tương lai phía trước…

    Lúc chia tay tôi, nghệ nhân Vàng Sín Phìn chắc giọng: “Thế hệ chúng tôi vẫn còn, những người yêu dân ca Thu Lao vẫn còn, thì dù có khó mấy, cũng phải giữ được kháo của người Thu Lao, dịch thật nhiều bài ra chữ “Bác Hồ”. Phải dạy cho thế hệ biết trân trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, biết đàn, biết hát dân ca, dù đi đâu về đâu, cũng không được quên tiếng nói, bài hát của dân tộc mình…”.

    Theo TUẤN NGỌC (Lao Động)

    Đừng bỏ lỡ

    Video đang xem nhiều

    Đọc thêm