Theo BS Huy, ung thư gan năm 2012 đứng thứ hai trong các loại ung thư, sau ung thư phổi. Tuy nhiên, hiện nay ung thư gan đã tăng gần bằng ung thư phổi.
Tại khoa U gan BV Chợ Rẫy từ năm 2010 đến 2015 tiếp nhận hơn 15.300 bệnh nhân ung thư gan mới, trong đó có trên 80% bệnh nhân có nhiễm siêu vi B, C. Điều đáng lưu ý trong đó có hơn 6.600 bệnh nhân ung thư gan mới phát hiện (chiếm gần 44%) vừa phát hiện đã quá khả năng điều trị.
Theo BS Huy, ở Việt Nam, tiêu chuẩn để phát hiện bệnh nhân ung thư gan bằng các chẩn đoán phối hợp bằng chẩn đoán hình ảnh với các dấu ấn sinh học mới (AFP - L3, PIVKA II) và nhiễm viêm gan B, C. Khi nào bệnh nhân không đủ các tiêu chuẩn này thì sẽ tiến hành sinh thiết. Còn trên thế giới người ta hạn chế sử dụng AFP-3 và sinh thiết vì càng ngày các phương tiện chẩn đoán hình ảnh của họ càng hiện đại, tinh tế và họ có thể phát hiện khối u bất kỳ kích thước nào, dù nhỏ.
BS Huy cũng cho biết thêm, điều trị ung thư gan có sự khác biệt so với các loại ung thư khác, đó là điều trị tổn thương có rồi và giải quyết yếu tố nguy cơ (các loại ung thư khác chỉ điều trị tổn thương có rồi). Đối với ung thư gan, bên cạnh phẫu thuật cắt, ghép gan, hóa trị, xạ trị thì còn điều trị phá hủy khối u tại chỗ, tắt tĩnh mạch cửa, điều trị đích.
“Việc điều trị kháng virus viêm gan đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa tái phát. Chương trình tầm soát quốc gia phát hiện sớm khối u, điều trị hiệu quả và ít xâm lấn, kế hoạch theo dõi cẩn thận là những yếu tố cần thiết để cải thiện tiên lượng của bệnh nhân ung thư” - BS Huy khuyến cáo.