Có thể nói từ Chỉ thị 20 này đã mang lại một cơ hội lớn cho các ngân hàng trong việc phát triển dịch vụ của mình. Chỉ chưa đầy sáu tháng sau đó, NHNN công bố có khoảng 8,3 triệu thẻ thanh toán được phát hành trên cả nước.
Thực tế cho thấy lợi ích của việc chi trả lương qua tài khoản đã tiết kiệm được nhân lực, chi phí cho đơn vị chi trả lương… và góp phần hạn chế và ngăn chặn tình trạng tham nhũng thông qua việc kiểm soát được nguồn thu thông qua tài khoản.
Đối với ngân hàng, những lợi ích thu về không nhỏ. Lúc này thị trường bán lẻ trở thành một miếng bánh thơm cho các ngân hàng sau khi Chỉ thị 20 ra đời. Hơn nữa khi trả lương qua thẻ ATM, không phải khách hàng nào cũng rút hết ra để chi tiêu. Tiền khách hàng gửi lại ngân hàng chỉ phải trả lãi suất không kỳ hạn nhưng ngân hàng có thể sử dụng số tiền gửi đó để cho vay, gửi lãi suất qua đêm, đầu tư kinh doanh kiếm lời.
Tuy nhiên, điều đó không quan trọng bằng việc ngân hàng mong muốn lượng lớn sử dụng dịch vụ bán lẻ khác như các dịch vụ thanh toán thu tiền hộ… Và từ đây khách hàng cũng đến ngân hàng sử dụng các dịch vụ khác.
Tại thời điểm này ngân hàng nào cũng tranh nhau phát hành thẻ với nhiều ưu đãi. Miễn phí rút tiền, miễn phí truy vấn số dư, miễn phí phát hành thẻ… Thậm chí, nhiều ngân hàng sẵn sàng đến các cơ quan tư vấn làm thẻ ATM cho khách hàng. Tại nhiều khu trung tâm triển lãm, siêu thị… cũng liên tục có các chương trình ưu đãi cho khách hàng làm thẻ nhằm giữ đất phát triển dịch vụ bán lẻ. Chính vì thế thời điểm những năm sau đó, hầu như các nhân viên văn phòng trong ví đã có vài cái thẻ của các ngân hàng.
Đặc biệt, trong thời kỳ này hầu hết các ngân hàng đều miễn phí từ phát hành thẻ đến rút tiền... Khoảng đầu năm 2008, đại diện Vietcombank cũng từng thừa nhận việc phát hành thẻ không có lợi nhuận trực tiếp. Trước mắt là chuyện tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi dư trong các tài khoản. Vietcombank có 3.000 doanh nghiệp đang ủy thác trả lương qua tài khoản, số thẻ Connect 24 cũng hơn 2 triệu thẻ. Chỉ cần mỗi tài khoản có số dư trung bình 1 triệu đồng cũng là một nguồn tiền đáng kể.
Không chỉ dừng lại ở các cơ quan nhà nước, nhiều thành phố đã lên tiếng khuyến khích các cơ quan, tổ chức khác, đặc biệt là khối doanh nghiệp thực hiện trả lương qua tài khoản theo hình thức tự nguyện nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả hơn nữa chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Phải nói dư địa phát triển các dịch vụ bán lẻ cá nhân thông qua khách hàng dùng ATM rất lớn. Các ngân hàng đua nhau tiếp thị, khuyến mãi, gom được càng nhiều khách hàng càng tốt.
Sau sáu năm thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng, gần như hầu hết các cơ quan cũng đều trả lương qua thẻ ATM. Theo Hiệp hội Thẻ Việt Nam, đến cuối tháng 6, toàn hệ thống có khoảng 37,7 triệu tài khoản thanh toán cá nhân bằng thẻ ATM. Điều đó cho thấy số lượng tài khoản ATM tại ngân hàng đã tăng chóng mặt chỉ trong vài năm. Đến lúc này ngân hàng bắt đầu được thu phí. Theo Thông tư 35, từ ngày 1-3 của NHNN đã cho phép thu phí nội mạng. Mặc dù số đông các ngân hàng tiếp tục miễn phí rút tiền ATM. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra là chưa biết lúc nào ngân hàng thu phí lại.
NGA SƠN