“Nhiều người lên mạng mua xe máy giá rẻ mà không biết xe đó là do phạm tội mà có được. Có người biết nhưng vẫn mua vì ham đồ rẻ. Đến khi công an điều tra được, cái giá lại không hề rẻ chút nào” - trinh sát Phạm Quốc Cường, Đội Hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự, cho hay.
Vừa mất xe, mất tiền
Để mua được một chiếc xe máy làm phương tiện đi lại hiện không khó lắm. Lên các trang mạng xã hội, diễn đàn mua bán như chotot.com, muaban.net, 5giay.vn… chỉ cần vài cú click chuột đã có thể tìm thấy hàng ngàn thông tin rao bán xe với đủ hãng, màu sắc, giá cả khác nhau, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng đều có. Không ít trường hợp khẳng định “xe chính chủ, bao tranh chấp”. Nhưng thực tế, nguồn gốc xe từ đâu mà có thì chỉ có người bán mới biết.
“Xe Wave giá hãng giấy tờ đầy đủ, xe mới là 17-18 triệu đồng, xe cũ có giấy tờ khoảng 10-12 triệu đồng nhưng xe không giấy tờ thì chỉ tầm 4 triệu đồng. Mua xe không giấy tờ đa phần là do người mua vì ham đồ rẻ, nhẹ dạ cả tin. Cũng có trường hợp mua phải xe gian dù xe có giấy tờ đấy nhưng cà vẹt không chính chủ. Trường hợp này có thể chủ xe để giấy tờ trong cốp bị trộm mất cả xe và giấy tờ” - trinh sát Phạm Quốc Cường chia sẻ.
Anh Cường cho hay có một câu chuyện mà anh nhớ mãi là một trường hợp nạn nhân mua xe có giấy tờ nhưng cà vẹt không chính chủ. Người này mua xe trên trang chotot.com, là xe dòng Air Blade được rao bán 20 triệu đồng. Giá thị trường của chiếc xe này trên 40 triệu đồng, xem và giao xe ở Gò Vấp. “Xe chạy rất ổn, giá quá rẻ. Chỉ có ổ khóa xe bị hỏng, người bán giải thích là do cháu bé ở nhà đút lộn muỗng ăn vào. Nạn nhân tin tưởng mang về đi sửa, vừa mang xe ra tiệm thì bị Công an quận Tân Bình bắt lại. Xe bị tạm giữ, anh này cũng phải ở lại trụ sở công an một ngày để hỗ trợ điều tra” - trinh sát kể.
Từng mua phải xe gian, anh T. (Nghệ An) kể bên bán bảo xe mất giấy tờ, bao tranh chấp. Ai dè được mấy bữa thì công an gọi đến bảo đó là xe ăn trộm. Xe bị thu, còn anh T. phải ngồi đến tối mịt ở trụ sở công an mới được về. “Người mua phải mất xe do tang vật bị thu hồi. Nặng thì phải vào tù về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” - trinh sát Cường giải thích.
Một chiếc xe bị trộm cắp được công an phát hiện. Ảnh: Nguyễn Trà
Nguyễn Anh Duy (phải) và đồng phạm tại cơ quan điều tra.
Đến “được tù” vì tiêu thụ xe gian
Trường hợp phải vào tù do mua xe từ trộm cắp, cướp điển hình là Nguyễn Anh Duy. Duy là một mắt xích quan trọng trong đường dây “đá nóng” xe máy chuyên nhắm vào các cửa hàng thức ăn nhanh hoặc cửa hàng tiện ích 24/24 giờ trên địa bàn TP.HCM. Chuyên án được khám phá thành công sau nhiều tháng trinh sát đặc nhiệm (Đội 3, Đội Hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát hình sự) ròng rã đeo bám.
Theo đó, vào khoảng tháng 4-2018, trinh sát phát hiện đường dây trộm cắp xe máy hoạt động trên các địa bàn như Tân Bình, Gò Vấp, quận 2... Nhóm này đều nghiện ma túy đá, game bắn cá và chuyên “đá nóng” xe máy sau 0 giờ. Tất cả phương tiện do nhóm trộm đều được Nguyễn Anh Duy (ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) cùng đàn em tiêu thụ. Vừa cưới hôm trước thì hôm sau Duy bị bắt. Tuy nhiên, có một chi tiết mà sau này tổ trinh sát kể lại, thực tế lệnh bắt Duy ban đầu chính là ngày cưới của thanh niên này.
“Khi có quyết định bắt Duy, vừa xuống nhà anh em sững sờ thấy hoa rạp cưới. Mọi người nhìn nhau hỏi giờ sao. Gọi điện thoại báo về lãnh đạo được đồng ý, anh em quyết định chờ xong ngày vui của người này mới tiến hành bắt, lại thêm một ngày anh em mất ăn mất ngủ đeo bám” - trinh sát Huỳnh Quốc Vũ (Đội Hình sự đặc nhiệm) nhớ lại.
Trinh sát Phạm Quốc Cường cho hay có một số thủ đoạn mà người mua xe thường mắc phải hiện nay là mua bán qua mạng, dằn cọc 500.000 đồng, nộp xong là người bán mất tích. Trường hợp khác thì bị làm cà vẹt giả. Hoặc mua đứt bán đoạn, mua xong bỏ 2-3 triệu đồng đặt cọc làm cà vẹt nhưng người bán nhận tiền xong là bặt tăm do không làm được. Có trường hợp mua xe biển số tỉnh quảng cáo bao tranh chấp nhưng phải tự đi làm, không kiểm chứng được. Anh cho hay nên hạn chế tối đa việc mua xe không chính chủ.
“Nhiều người nghĩ quy định sang tên đổi chủ phiền phức nhưng không nghĩ tới những hệ lụy sau này như xe bị mất, tranh chấp. Những trường hợp này phải chứng minh được là xe của mình mới được nhận lại xe. Công an qua điều tra, xác minh sẽ trả lại cho chủ xe đầu tiên, nếu không có người nhận sẽ tịch thu sung công quỹ nhà nước” - anh Cường lưu ý.
Để hạn chế mua phải xe do người phạm tội mà có, trinh sát Phạm Quốc Cường khuyến cáo người mua nên nhờ thợ sửa xe quen đi cùng để kiểm tra xe. Thứ nhất, phải xem giấy tờ, số khung, số máy có còn nguyên không, có bị đục lại hay không, có bị mờ không. Thứ hai, so sánh với cà vẹt của mình xem phôi bằng có giống nhau không: Chất liệu, màu sắc… Thứ ba, khi mua bán phải công chứng tại văn phòng công chứng. |