Mức đóng BHXH, BHYT thay đổi khi lương cơ sở tăng

(PLO)- Từ ngày 1-7, mức lương cơ sở tăng thì mức đóng BHXH, BHYT của người dân cũng tăng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục nhận được một số câu hỏi của bạn đọc thắc mắc khi mức lương cơ sở tăng thì các mức đóng vào quỹ BHXH, BHYT có tăng theo?

Để giải đáp những thắc mắc trên, PV đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Mỹ Dung,Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, xoay quanh vấn đề trên.

Mức đóng vào quỹ BHXH tăng

. Phóng viên: Thưa bà, theo Nghị định 24/2023 thì đối tượng nào sẽ được tăng mức lương cơ sở từ ngày 1-7 tới?

+ Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung: Theo Điều 2 Nghị định 24/2023, có chín đối tượng được tăng mức lương cơ sở từ ngày 1-7-2023, gồm:

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM.

Thứ nhất, cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).

Thứ hai, cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).

Thứ ba, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).

Thứ tư, người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định 111/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định 204/2004.

Thứ năm, người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định 45/2010 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 33/2012).

Thứ sáu, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thứ bảy, sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.

Thứ tám, người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

Thứ chín, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Người dân đến cơ quan BHXH TP.HCM thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Người dân đến cơ quan BHXH TP.HCM thực hiện các thủ tục liên quan đến BHXH, BHYT.
Ảnh: NGUYỄN HIỀN

. Bên cạnh việc tăng mức lương cơ sở thì mức đóng vào quỹ hưu trí sẽ thay đổi ra sao, thưa bà?

+ Mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1-7 thì mức đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng lên đối với người lao động (NLĐ) là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương theo thang bảng lương nhà nước.

Theo quy định thì mức đóng = 8% x tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Riêng đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn: Mức đóng = 8% x mức lương cơ sở.

Như vậy, từ ngày 1-7, mức đóng các quỹ BHXH của NLĐ, cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương theo thang bảng lương nhà nước cũng sẽ tăng khi mức lương cơ sở tăng.

Mức đóng BHXH, BHYT tự nguyện có thay đổi?

. Mức đóng BHYT hộ gia đình sẽ thay đổi như thế nào khi mức lương cơ sở tăng, thưa bà?

+ Theo quy định, mức đóng BHYT hộ gia đình sẽ được tính như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Như vậy, khi mức lương cơ sở tăng thì mức đóng BHYT theo hộ gia đình cũng tăng.

. Theo quy định, khi người tham gia BHXH tự nguyện với mức thấp nhất thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng. Như vậy, khi lương cơ sở tăng thì phần hỗ trợ này có tăng không, thưa bà?

+ Theo quy định, mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.

Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Bên cạnh đó, khi tham gia BHXH tự nguyện, người dân còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; hỗ trợ 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ 10% đối với các đối tượng khác.

Như vậy, mức lương cơ sở tăng không ảnh hưởng đến mức tiền Nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Bởi Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại Nghị định 134/2015.

. Xin cảm ơn bà.

Mức đóng BHYT hộ gia đình từ ngày 1-7

Từ ngày 1-7, mức đóng BHYT hộ gia đình sẽ được tính như sau:

Người thứ nhất: 1.800.000 đ/tháng x 4,5% = 81.000 đồng/tháng (972.000 đồng/năm).

Người thứ hai đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất = 56.700 đồng/tháng (680.400 đồng/năm).

Người thứ ba đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất = 48.600 đồng/tháng (583.200 đồng/năm).

Người thứ tư đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất = 40.500 đồng/tháng (486.000 đồng/năm).

Người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất = 32.400 đồng/tháng (388.800 đồng/năm).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm