Mường Thanh sai phạm: Nơi dùng dằng, nơi quyết liệt

Ngày 9-9, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo về những sai phạm liên quan đến việc Tập đoàn Mường Thanh xây khách sạn Mường Thanh Mũi Né (Phan Thiết) vượt tầng trái phép.

Tại cuộc họp này, ông Phương đã nghiêm khắc phê bình địa phương và các ngành chức năng đã quá chậm trễ trong việc xử lý khiến vụ việc phức tạp thêm. Đối với đề xuất của Sở Xây dựng về việc xử phạt dự án xây sai phép này 1 tỉ đồng và cho tồn tại công trình, ông Phương giao Sở Tư pháp rà soát các quy định của pháp luật và có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh. “Theo tôi, sai đến đâu phải xử đến đó nhưng phải chặt chẽ trong quyết định xử lý cuối cùng” - ông Phương nhấn mạnh.

Được biết theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh cấp ngày 4-11-2009 cho Công ty Đồng Ngân (đơn vị đã sang nhượng dự án cho Tập đoàn Mường Thanh) thì việc xây dựng công trình khách sạn là phù hợp với mục tiêu đầu tư. Viện lý do này, nhiều ý kiến trong cuộc họp cho rằng căn cứ giấy phép đầu tư thì công trình không bị khống chế chiều cao bởi đến tháng 10-2012, UBND tỉnh Bình Thuận mới ban hành quy định đến quản lý xây dựng các dự án đầu tư khu du lịch ven biển. Do đó việc “cắt ngọn” công trình cần phải được xem xét thấu đáo, hợp lý hợp tình, tránh quy kết, nếu không sẽ bị khởi kiện.

Công trình khách sạn Mường Thanh Mũi Né xây sai phép. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Lãnh đạo TP Cần Thơ đã đến thị sát công trình khách sạn Mường Thanh Cần Thơ vào chiều 6-9. Ảnh: CTV

Đáng nói là công trình này đến nay vẫn chưa được Sở TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định, vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường. Đại diện Tập đoàn Mường Thanh cho biết họ vừa triển khai xây dựng vừa xin giấy phép để đưa khách sạn vào kinh doanh trước 1-1-2015 đúng theo cam kết. Nếu không, họ chấp nhận mất trắng 2 tỉ đồng ký quỹ và bị thu hồi dự án mà không khiếu nại.

Trong ngày 9-9, theo ghi nhận của PV, tại công trình tổ hợp khách sạn Mường Thanh Cần Thơ (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) xây dựng không phép (Pháp Luật TP.HCMngày 9-9 đã thông tin), các công nhân vẫn tiếp tục thi công bình thường. Hỏi vì sao phường không lập biên bản ngừng thi công, ông Trần Quốc Thành, Chủ tịch UBND phường Cái Khế, cho biết: “Khi tiến hành khởi công, chủ đầu tư có thông báo với phường về việc được phép thi công. Riêng việc xây dựng phần thân hai khối nhà mà không có giấy phép xây dựng, phường hoàn toàn không biết vì công trình do Sở Xây dựng cấp phép và việc kiểm tra thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở”.

PHƯƠNG NAM - GIA TUỆ

Sẽ bỏ quy định cho nộp tiền để tồn tại công trình vi phạm

Đó là lưu ý của một lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng với Pháp Luật TP.HCM vào chiều 9-9 trước thắc mắc của nhiều người “Có thể cho Mường Thanh nộp tiền “chuộc” để tồn tại công trình vi phạm?”. Vị này nêu: Theo Nghị định 121/2013 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ 30-11-2013) thì một số trường hợp vi phạm xây dựng mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì có thể được cho tồn tại với điều kiện phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với trường hợp khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì hành vi này đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ấy thế mà nhiều người vẫn hiểu nhầm là theo Nghị định 121 thì vẫn có thể vi phạm rồi nộp tiền là xong chuyện.

Từ phản ánh của dư luận về bất cập của Nghị định 121, Thủ tướng đã chỉ đạo “cần phải sửa nghị định này”. Hiện Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến các bộ, ngành và các địa phương để sửa đổi Nghị định 121 theo hướng đối với những công trình đã xảy ra sai phạm từ lâu, trước khi Nghị định 121 có hiệu lực thì chủ công trình phải nộp tiền rồi cho tồn tại. Với những công trình sau này có sai phạm thì không áp dụng quy định này để xử lý. Nếu không được áp dụng biện pháp “xử phạt cho tồn tại” thì các trường hợp xây dựng sai phép, không phép sẽ bị cưỡng chế phá dỡ theo Nghị định số 180/2007.

HOÀNG VÂN

Quá trình vi phạm

Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Coco Mũi Né (Hàm Tiến, TP Phan Thiết) do Công ty TNHH Đồng Ngân làm chủ đầu tư, sau đó công ty này đã sang lại cho Tập đoàn khách sạn Mường Thanh. Theo hồ sơ, dự án được cấp giấy phép xây dựng bốn tầng (15,5 m) nhưng Tập đoàn Mường Thanh đã xây cao tới bảy tầng (21,5 m).

- Ngày 8-7, khi phát hiện công trình này xây vượt tầng, UBND phường Hàm Tiến (Phan Thiết) đã có quyết định đình chỉ thi công.

- Ngày 11-7, Thanh tra Sở Xây dựng đã xử phạt 50 triệu đồng và yêu cầu tạm dừng thi công.

- Ngày 23-7, doanh nghiệp có văn bản cam kết giữ nguyên hiện trạng phần xây dựng vượt phép và xin được xây dựng hoàn thiện các hạng mục cho phép ở phía dưới. Thế nhưng trên thực tế thì chủ đầu tư đã tiếp tục thi công hoàn thiện phần xây dựng vượt phép.

- Ngày 14-8, đoàn kiểm tra gồm Thanh tra Sở Xây dựng, địa chính phường Hàm Tiến đã tiến hành kiểm tra đột xuất việc chấp hành quyết định tạm đình chỉ thi công đối với công trình trên và phát hiện đơn vị này vẫn tiếp tục thi công. Các công nhân vẫn tiến hành thi công bình thường tại các tầng vượt phép (5, 6, 7). Nếu như trước đây chỉ mới là khung trụ đúc thì hiện tại các vách tường, ngăn phòng đã được xây dựng. Đã vậy, trên tầng bảy có thêm một hạng mục nữa được tiếp tục xây dựng mà theo phía đơn vị thi công giải thích là bể chứa nước của khách sạn.

- Ngày 21-8, Thanh tra Sở Xây dựng tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính, đề xuất mức phạt 1 tỉ đồng về hành vi tái phạm nhiều lần, không chấp hành đình chỉ thi công xây dựng. Sau đó giám đốc Sở Xây dựng đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận xử phạt 1 tỉ đồng và đề xuất cho công trình tồn tại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm