Tổng thống Mỹ Obama muốn thay đổi chiến lược quan hệ với Trung Quốc (Ảnh: AFP)
Để ngăn chặn những hành động quá khích của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, Mỹ đang triển khai chiến lược quân sự mới, trong đó tăng cường hoạt động giám sát bằng máy bay ở khu vực Biển Đông, kiện toàn lại lực lượng hải quân.
Biển Đông là tuyến giao thông đường thủy cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế thế giới. Hàng năm, một lượng hàng hóa khổng lồ tương đương với 5300 tỷ USD được lưu thông tại khu vực này. Do đó, việc Mỹ trái cấu trúc lại chiến lược quân sự là một biện pháp mạnh mẽ phản ứng đối với hành vi thay đổi hiện trạng khu vực Biển Đông của Trung Quốc, ngăn chặn ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế thế giới trong đó có nền kinh tế Mỹ.
Một trong những hành động mà Mỹ đang “lao tâm khổ tứ” là làm thế nào để xung đột tại khu vực này không leo thang thành chiến tranh. Tuy nhiên, hành động của Mỹ có thể khiến cho Trung Quốc bớt “hung hăng” hay không vẫn là một câu chuyện dài.
Một quan chức chính phủ Mỹ cho rằng “thử thách” lớn nhất của Mỹ trong giai đoạn hiện nay là làm sao ngăn được những hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông.
Chính vì lẽ đó, trong các cuộc tiếp xúc, đối thoại nội bộ lẫn quốc tế, hai bên đều có thời gian đề cập tới vấn đề này. Gần đây nhất, căng thẳng trên Biển Đông cũng gây “sóng” tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/7 tại Bắc Kinh khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cứng rắn tuyên bố rằng Trung Quốc đang đơn phương gây hấn tại Biển Đông và kêu gọi Trung Quốc cần phải tôn trọng Luật quốc tế, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại hòa bình.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn cho rằng Trung Quốc chỉ thực hiện nhiệm vụ chính đáng của mình là “bảo vệ lãnh thổ” thuộc chủ quyền của nước này.
Trước những hành động và lập trường của Trung Quốc, Thượng viện Mỹ ngày 11/7 đã đưa ra Nghị quyết về Biển Đông trong đó kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương- 981 cùng các lực lượng hộ tống, trả lại nguyên trạng khu vực như trước ngày 1/5/2014.
Nghị quyết của Thượng viện Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ đối với tự do hàng hải, việc sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời tại châu Á-Thái Bình Dương, cũng như giải pháp ngoại giao, hòa bình đối với các đòi hỏi và tranh chấp biển và lãnh thổ.
Lập trường chính trị cứng rắn của Mỹ khiến Trung Quốc “vò đầu bứt tai” vừa tức giận vừa lo lắng.
Tăng cường giám sát, không muốn “xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới”
Một phần trong chiến lược quân sự mới của Mỹ là sử dụng máy bay P-8A (được coi là sát thủ săn ngầm) và tại khu vực Biển Đông mà đặc biệt tại khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.
Quan chức này cũng cho biết thêm, máy bay của Mỹ đã chụp được những hành động của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông và Mỹ có thể công bố những tấm ảnh, video clip này. Nhiều quan chức chính phủ Mỹ cho rằng nếu những hình ảnh đó được công bố thì có thể sẽ “cải tạo” được thái độ và hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đóng tại Hawaii cũng đang tái cấu trúc hệ thống thông tin Hải dương mang tính khu vực với mục đích cung cấp thông tin chính xác và tỉ mỉ hoạt động của các tàu tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Đến thời điểm hiện tại sự xuất hiện hàng loạt của các tàu Trung Quốc trên Biển Đông khiến cho các nước ở khu vực này không khỏi lo ngại.
Tháng 11/2013, Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không tại khu vực biển Hoa Đông. Để đối phó, Mỹ cũng đã cử nhiều máy bay B-52 và tàu quân sự tới khu vực này nhằm uy hiếp ý đồ của Trung Quốc.
Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ lại có những phản ứng mạnh mẽ với Trung Quốc đến như vậy. Theo các nhà phân tích thì cả khu vực Biển Đông và Hoa Đông, dù ít hay nhiều đều có liên quan tới lợi ích của Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2010 đã từng tuyên bố rằng “Mỹ cũng có lợi ích” ở khu vực Biển Đông. Như vậy có nghĩa là nếu trong trường hợp lợi ích của Mỹ bị đe dọa thì Mỹ sẽ có những hành động để bảo vệ lợi ích đó.
Ngoài ra, hiện nay Mỹ và Trung Quốc đang là nền kinh tế chiếm vị trí số 1 và số 2 thế giới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến hai nước “có mâu thuẫn ngầm”. Kể từ khi Ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc, chính sách “xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới” với Mỹ và một số nước mà Trung Quốc cho vào “tầm ngắm” được ông Tập cực kỳ quan tâm. Trong chuyến công du tới Mỹ vào năm 2013, ông cũng đã không ngần ngại đề cập và phần nào được Tổng thống Obama ủng hộ.
Tuy nhiên, trong một phát ngôn ngày 8/7 vừa qua, Tổng thống Obama nhấn mạnh nên tránh từ “nước lớn” mà chỉ nên dùng cụm từ “quan hệ kiểu mới”. Hơn thế nữa sau việc Trung Quốc đơn phương đưa Giàn khoan Hải dương 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng Trung Quốc cần tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của những nước khác.
Hiểu được vấn đề này, tờ Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc trong một xã luận đã cho rằng, trong quan hệ quốc tế cần phải “tránh chiến tranh lạnh với Mỹ”. Xã luận nhấn mạnh: “Trung Quốc và Mỹ đều nhận thức rõ về vai trò của mình trong bối cảnh thế giới đang thay đổi lớn, do đó không cần một “chiến tranh lạnh mới”. Và cụm từ này trở thành cụm từ thường được sử dụng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc gần đây.
Theo truyền thông Trung Quốc, rủi ro lớn nhất trong quan hệ hai nước đó là “sự hiều lầm lẫn nhau”. Nhưng trên thực tế, những vẫn đề phức tạp của hai nước và sự tác động của yếu tố bên ngoài trong quan hệ quốc tế khiến quan hệ hai nước khó có thể cải thiện trong một tương lai gần. Song hai nước vẫn đang mở rộng hợp tác ở lĩnh vực xúc tiến đầu tư, bảo vệ môi trường và quân sự. Điều này cho thấy hai nước vẫn có thể bắt tay hợp tác ở những lĩnh vực mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước./.