Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh có những suy đoán rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ có thể chấp nhận ý tưởng đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên, dù nó đi ngược lại mục tiêu bấy lâu của Nhà Trắng là một Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
“Đây chưa phải là sự giải pháp hoàn toàn của một quá trình và cũng không phải một sự kết thúc”, tờ The Japan Times dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói hôm 9-7. “Chính quyền Mỹ không cho rằng việc đóng băng là mục đích cuối cùng, mà mới chỉ là điểm bắt đầu của quá trình”.
Các cuộc đàm phán cấp độ chính thức giữa Washington và Bình Nhưỡng đã được bắt đầu bằng cuộc gặp bất ngờ giữa ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Triều Tiên vào ngày 30-6. Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý khởi động lại quá trình đàm phán.
Bà Ortagus cho biết đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun và Ngoại trưởng Mike Pompeo, người sẽ cùng lãnh đạo phái đoàn Mỹ trong các cuộc đàm phán, đã có những bước tiến trong các cuộc đàm phán này. Bà từ chối đưa ra thông tin chi tiết hơn.
Ông Pompeo đã nói rằng các cuộc đàm phán có thể sẽ diễn ra trong tháng 7.
Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân đã bị đóng băng kể từ khi hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần hai tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận do những khác biệt về tiến trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng nhằm đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Washington.
Tuy nhiên, cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và ông Kim tại DMZ cùng cuộc nói chuyện dài hơn 50 phút hôm 30-6 dường như đã tạo ra một động lực cần thiết để tái khởi động đàm phán giữa hai nước.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đi đến chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP
Ông Biegun sẽ tới Bỉ và Đức trong tuần này để thảo luận về vấn đề hạt nhân với các quan chức châu Âu cũng như người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon. Bà Orgatus cho hay ông Biegun không có kế hoạch gặp các quan chức Triều Tiên vào dịp này.
Trong một cuộc họp ngắn với các phóng viên tuần trước, ông Biegun nói rằng chính quyền muốn “một sự đóng băng hoàn toàn” chương trình vũ khí của Triều Tiên. Nhưng đó là một yêu cầu lâu dài và ông Biegun nhấn mạnh rằng chi bấy nhiêu vẫn chưa đủ để Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.
Ông Biegun nói: “Trước khi Triều Tiên chấp nhận phi hạt nhân hóa, chúng tôi sẽ không giảm nhẹ trừng phạt nhưng có những việc khác mà chúng tôi có thể làm, đó là cung cấp viện trợ nhân đạo và nâng cấp quan hệ ngoại giao”.
Những tuyên bố dường như báo hiệu rằng so với những thành viên trong chính quyền Mỹ, ông Trump sẽ linh hoạt với Triều Tiên hơn, mặc dù ông Biegun đã khẳng định rằng Mỹ không từ bỏ mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn đối với Triều Tiên.