Mỹ, Nga hay Trung Quốc mới là nước dẫn đầu cuộc đua chế tạo UAV tiên tiến nhất?

Mỹ, Nga và Trung Quốc đang trong cuộc đua trở thành siêu cường mới về máy bay không người lái (UAV) bên cạnh một số quốc gia khác như Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Những nước này đang đầu tư một khoản tiền lớn vào phát triển phương tiện không người lái, có thể là tàu chiến, xe tăng, tàu ngầm hoặc UAV.

Máy bay ném bom B-21 Raider của Mỹ. Ảnh: US Air Force

Đồng thời, Mỹ, Nga và Trung Quốc đang đối mặt với sự canh tranh gay gắt từ hai người chơi lớn khác trong công nghệ UAV, đó là Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.

Một cuốn sách mới phát hành gần đây nêu bật sự xuất hiện của một trật tự thế giới mới với sự tiến bộ của công nghệ UAV. Người ta nói rằng UAV được triển khai bầy đàn (drone swarms) trên thực tế có thể làm thay đổi diện mạo của chiến tranh trong tương lai.

Trong cuốn sách Drone Wars: Pioneers, Killing Machines, Artificial Intelligence, and the Battle for the Future, tác giả Seth J. Frantzman chỉ ra rằng năng lực UAV của các quốc gia có thể quyết định ai là bên chiếm thế thượng phong trong một cuộc xung đột.

Mỹ

Tác giả Frantzman lưu ý đến những ý tưởng rất hiện đại của Mỹ. Tháng 3-2019, UAV XQ-58A Valkyrie đã được trình làng. UAV này được cho là sẽ chọc thủng hệ thống phòng không của kẻ thù. Do Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân ở bang Ohio thiết kế, XQ-58A Valkyrie được kỳ vọng sẽ là UAV giá rẻ.

Một UAV hiện đại khác sắp cất cánh là Skyborg. Skyborg dự kiến sẵn sàng vào năm 2023 và theo ông Will Roper, người đứng đầu bộ phận mua sắm của không quân Mỹ, UAV này sẽ tự cất và hạ cánh và bay trong mọi điều kiện thời tiết.

UAV chống ngầm MQ-9B Reaper của Mỹ. Ảnh: UPI

Cục quản lý các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (Defense Advanced Research Projects Agency - DARPA) của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nảy ra một ý tưởng theo trường phái vị lai. Ý tưởng này nhằm tạo ra những UAV nhỏ được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI). Những UAV nhỏ này có tên Black Hornets, sẽ có thể bay trong 25 phút.

Trung Quốc nổi lên là một đối thủ đáng gờm của Mỹ. Để chống lại sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, Mỹ đã triển khai UAV MQ-9B hồi tháng 9-2020. Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quyết định mua 30 UAV này với chi phí ước tính 3 tỉ USD.

UAV chống ngầm MQ-9B của Mỹ có khả năng hoạt động liên tục trong 40 giờ với trần bay 12 km. Tải trọng vũ khí, bao gồm tên lửa không đối đất và bom dẫn đường bằng laser, của MQ-9B lên tới 2,5 tấn.

MQ-9B có khả năng hoàn thành các nhiệm vụ thu thập tình báo và trinh sát, có thể tiến hành tác chiến chống hạm nổi, tác chiến chống ngầm, tìm kiếm và cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, trinh sát biên giới và thực thi pháp luật.

Mỹ đã thiết lập một căn cứ quân sự thường trực ở Romania để vận hành MQ-9 Reaper, với mục đích thu thập báo cáo tình báo cho hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trung Quốc

Ông lớn công nghệ Trung Quốc SZ DJI Technology, nhà sản xuất UAV lớn nhất thế giới, đã giới thiệu UAV Phantom I năm 2013. Công ty này tiếp tục ra mắt UAV nhỏ gọn The Mavic năm 2016. Đến năm 2017, SZ DJI Technology chiếm lĩnh khoảng 72% thị trường toàn cầu về UAV thương mại.

Wing Loong II, một trong những UAV mạnh nhất thế giới là sản phẩm của Viện Thiết kế và Nghiên cứu máy bay Thành Đô (CADI), một nhánh của Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC). Wing Loong II được thiết kế để hỗ trợ khả năng giám sát và trinh sát trên không của Trung Quốc.

UAV Wing Loong II của Trung Quốc. Ảnh: MIKHAIL VOSKRESENSKIY/AP IMAGES

Theo các báo cáo, Wing Loong II dài 9,05 m, có sải cánh 14 m, cao 2,77 m. Trọng lượng cất cánh dự kiến của UAV này là 1,1 tấn, có thể mang thêm 200 kg ở khoang vũ khí bên ngoài. Pakistan, đồng minh thân cận của Trung Quốc đã mua loại UAV này.

Quân đội Trung Quốc được biết là đang sử dụng UAV tấn công GJ-2. GJ-2 dài 11 m với tải trọng vũ khí 480 kg, có thể mang tới 12 tên lửa hoặc bom. GJ-2 có vận tốc tối đa 380km/giờ, tốc độ hàng trình 200 km/giờ và trần bay 9.000 m.

Quân đội Trung Quốc còn sở hữu UAV CH-4, loại được thử nghiệm tại vùng cao nguyên Tây Tạng năm 2018, và BZK-005C – được sửa đổi đặc biệt để sử dụng tại khu vực có độ cao lớn.

Hồi tháng 4, Trung Quốc thông báo hoàn thành UAV tàng hình mới Feilong 2 (Phi Long 2), tuyên bố mẫu UAV mới này có thể sánh ngang với máy bay ném bom tàng hình B-21 của không quân Mỹ.

Feilong-2 có thể được sử dụng trong đòn đánh kiểu UAV bầy đàn nhằm thực hiện trinh sát, giám sát, thực hiện đòn tấn công hoặc đánh giá thiệt hại, theo The EurAsian Times.

Công ty Zhongtian Feilong Intelligent Technology, nhà phát triển Feilong 2 tuyên bố mẫu UAV này có tốc độ, tầm tấn công, tải trọng vũ khí và khả năng tàng hình tương tự như oanh tạc cơ B-21 Raider của Mỹ. Feilong 2 dự kiến thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 7-2022.

Trung Quốc còn tập trung vào phát triển tàu ngầm không người lái. Các chuyên gia cho biết hải quân Trung Quốc có một số tàu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong biến chế và đang chế tạo vì nước này muốn chống lại sự sự thống trị của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và nhiều nơi khác.

Nga

UAV tấn công hạng nặng Sukhoi S-70 Okhotnik (Hunter) là một trong những khí tài được đánh giá cao của quân đội Nga. Năm 2019, Okhotnik bay cùng với một tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm Su-57, trong đó chiếc UAV bay trên không ở độ cao 1.600 m, với chuyến bay kéo dài hơn 30 phút.

Theo các nguồn tin, UAV Okhotnik có thể được sử dụng để đánh lạc hướng hệ thống phòng thủ và tiến hành trinh sát để định vị, xác định và theo dõi mục tiêu cho máy bay ném bom Tu-95.

UAV trinh sát Orion-E của Nga. Ảnh: Ladislav Karpov/TASS

UAV Okhotnik nặng 20 tấn, có thể đạt tốc độ cận âm 1.000 km/giờ, mang tải trọng vũ khí bên trong.

Nga cũng cho bay thử thành công UAV do thám Zala hồi tháng 4. Zala do công ty Zala Aero sản xuất. Một số báo cáo cho hay đây là UAV duy nhất của Nga có thể bay trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Bắc Cực và Nam Cực.

Ông Nikita Khamitov, người đứng đầu các dự án đặc biệt của Zala Aero nói: “Chúng tôi có các nhà vận hành là các nhà khoa học nữ ở Nam Cực. Họ đang sử dụng UAV cỡ nhỏ Zala 421-08”.

Zala 421-08 nhỏ gọn, phóng bằng tay và có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, chẳng hạn trinh sát tiền tuyến, giám sát mặt đất và trên biển. UAV này còn được lực lượng đặc biệt sử dụng để xác định vị trí của đối phương, từ đó tránh bị mai phục.

Trước đó, Nga công bố video cho thấy UAV Orion thả vũ khí trong một cuộc thử nghiệm thực địa ở Syria.

Orion có thiết kế khí động học ấn tượng. Do Kronstadt Group phát triển, UAV Orion có trọng lượng cất cánh tối đa 1 tấn, tải trọng tối đa 200 kg. Với tải trọng tiêu chuẩn, Orion có thể bay với tốc độ 200 km/giờ.

Orion nắm giữ một vị trí quan trọng trong các kế hoạch của Nga để cạnh tranh với các quốc gia sản xuất UAV tiên tiến khác như Mỹ, Anh, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.

Một tiến bộ đáng kể khác mà Nga đạt được là trong lĩnh vực phương tiện robot không người lái. Xe tăng Udar mới nhất của Nga sẽ có khả năng di chuyển tự động trên chiến trường và tương tác với UAV. Xe tăng Udar có một tháp pháo được điều khiển từ xa DUBM-30 Epoch, được trang bị pháo tự động 2A42, súng máy PKMT cỡ nòng 7.62mm và tên lửa Kornet-M ATGM.

Israel

Tháng 7-2020, Ấn Độ bố trí UAV chiến đấu Heron của Israel trên biên giới với Trung Quốc, trong cuộc tranh chấp biên giới tại vùng Ladakh.

UAV Heron 1 của Israel. Ảnh: REUTERS

Heron dài 8,5 m, có thể mang tải trọng vũ khí 250 kg. Heron có khả năng hoạt động trong khoảng thời gian 52 giờ, có thể bay ở độ cao tối đa 10 km.

Một loại UAV nguy hiểm khác của Israel là UAV chống bức xạ Harop. Harop có thể diệt radar của quân đối địch.

Kế đến là UAV tự sát Rotem-L. Rotem-L mang theo đầu đạn nổ 1 kg cho các cuộc tấn công chính xác. UAV này có thể hoạt động 30 phút -45 phút với tầm hoạt động tối đa 10 km.

Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ đạt được tiến bộ lớn trong lĩnh vực UAV, là một trong sáu quốc gia trên thế giới có thể sản xuất UAV cho riêng nước mình.

Tháng 3-2021, có thông tin cho rằng nhà sản xuất UAV Baykar Defence của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu làm việc về thiết kế ý tưởng của một loại UAV chiến đấu ứng dụng AI.

UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Wikipedia

UAV này dự kiến sẽ có khả năng bay ở độ cao 12 km với tốc độ 980 km/giờ. UAV có khả năng mang tải trọng tối đa 1 tấn và có thể thực hiện các nhiệm vụ liên quan hỗ trợ trên không, tấn công chiến lược, tấn công hệ thống phòng không và các nhiệm vụ tấn công tên lửa.

Một UAV được chứng minh có hiệu quả chiến đấu khác của Thổ Nhĩ Kỳ là Bayraktar TB2. Bayraktar TB2 là hệ thống UAV chiến thuật tầm xa, hoạt động ở độ cao trung bình, do Kale-Baykar (liên doanh giữa công ty Baykar Makina và Kale Group) phát triển.

Khi ngày càng nhiều quốc gia trang bị máy bay không người lái và khai tác công nghệ để tăng khả năng chiến đấu của chúng, giới phê bình đã nêu ra những lo ngại về thiệt hại không mong muốn mà các UAV chiến đấu và máy bay quân sự có xu hướng gây ra tại những khu vực xung đột.

Mỹ đặc biệt vấp phải sự chỉ trích gay gắt liên quan tới những cái chết của dân thường trong các cuộc tấn công bằng UAV do nước này tiến hành tại Trung Đông.

Tuy vậy, các nhà phân tích quốc phòng như Daniel L. Byman – chuyên gia cao cấp tại viện Brookings (Mỹ), tin rằng UAV rất quan trọng đối với các hoạt động chống khủng bố vì chúng cung cấp phương thức tấn công tương đối ít rủi ro tại những khu vực xung đột trong khi giảm thiểu thiệt hại không mong muốn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới