Mỹ sẽ điều tên lửa hành trình mặt đất đến châu Á, châu Âu

Trang tin quân sự Defence Blog ngày 15-8 đưa tin Đặc phái viên về kiểm soát vũ khí của Tổng thống Mỹ Donald Trump - ông Marshall Billingslea vừa có chuyến thăm một cơ sở sản xuất của tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin.

Tại cơ sở này, Lockheed Martin đã cho giới thiệu một mẫu tên lửa hành trình mặt đất mới có độ di động cao khi có thể phóng từ xe bán tải hoặc bệ phóng di động chuyên dụng. 

Đặc phái viên về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea (phải) trong chuyến thăm cơ sở sản xuất vũ khí của Lockheed Martin ngày 14-8. Ảnh: TWITTER 

"Tên lửa mới sẽ giúp nâng cao năng lực tác chiến của các lực lượng Mỹ và đồng minh và bảo vệ chúng ta khỏi mọi mối đe doạ ở châu Á, châu Âu" - ông Billingslea khẳng định, đồng thời chia sẻ Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch sản xuất hàng loạt mẫu tên lửa của Lockheed Martin. 

Hiện chưa rõ thông số cụ thể của loại tên lửa nói trên. Tuy nhiên, theo tiết lộ của Đặc phái viên Marshall Billingslea thì tên lửa được cho là có tầm bắn khoảng 1.000 km.

Nếu so với tên lửa hành trình Tomahawk thì tầm bắn này nhìn chung khá hạn chế, do đó quyết định phải đặt trực tiếp các tên lửa mới ở châu Á và châu Âu là một quyết định hợp lý. 

Defence Blog cho hay trong bối cảnh cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng nhiệt, nhiều quân chủng Mỹ đã đề nghị Lầu Năm Góc phải có biện pháp tăng cường năng lực đối hạm khi đến nay chỉ có Hải quân mới có tên lửa đủ khả năng làm việc này.  

Đơn cử, Tư lệnh lực lượng Thuỷ quân Lục chiến David Berger hồi tháng 12-2019 từng nhấn mạnh rất cần được trang bị một loại tên lửa hành trình với sức mạnh tương tự Tomahawk để truy đuổi, bắn hạ các hạm đội tàu đối phương và nâng cao khả năng kiểm soát các vùng biển chiến lược.

Ngoài ra, ông Marshall Billingslea cũng cho hay Mỹ cũng đang nỗ lực nghiên cứu, chế tạo công nghệ tên lửa siêu thanh với vận tốc gấp năm lần vận tốc âm thanh. Kết hợp với tên lửa hành trình mặt đất, đây sẽ là câu trả lời của Washington cho chiến lược chống xâm nhập, chống tiếp cận của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm