Sáng 9-8, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết năm học và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục thường xuyên.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục thường xuyên – chuyên nghiệp và đại học, cho biết năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT TP đã tổ chức kỳ thi học viên giỏi giải toán trên máy tính cầm tay giáo dục thường xuyên cấp TP.
Kết quả có 165 thí sinh đạt giải, trong đó có 07 giải nhất , 44 giải nhì và 114 giải ba.
Đối với kỳ thi học viên giỏi lớp 9 và lớp 12 hệ giáo dục thường xuyên có 818 thí sinh dự thi trong đó có 396 thí sinh đạt giải gồm 12 giải nhất, 113 giải nhì và 269 giải ba.
Kết quả Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp THCS và THPT giáo dục thường xuyên cấp TP có 51 giáo viên dự thi từ 24 đơn vị, 31 giáo viên đạt giải gồm 2 giải nhất, 9 giải nhì và 20 giải ba.
Ngoài việc dạy văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên, các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) đang dần đa dạng hóa nội dung chương trình giáo dục, thu hút nhiều người tham gia học tập và đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội.
Các trung tâm này tiếp tục tổ chức các lớp học theo chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT kết hợp với trung cấp nghề theo quy định của Bộ GD&ĐT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm phân luồng học sinh sau THCS.
Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp TP có một đề tài trung tâm quận Phú Nhuận đã đạt giải ba, trung tâm quận 10 có dự án đạt giải khuyến khích cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp TP.
Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, kết quả đậu tốt nghiệp của hệ giáo dục thường xuyên khá cao, là 97,8%.
Chia sẻ thêm về vấn đề trên, bà Đặng Ngọc Thu, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX quận 6 nói: "Dư luận thường có suy nghĩ học viên đến với hệ giáo dục thường xuyên là “các sản phẩm lỗi” do có trình độ học vấn không đồng đều; nhiều em thi rớt lớp 10 mới chọn con đường trên.
Tuy nhiên với sự nỗ lực của học viên, sự giảng dạy của thầy cô, sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, trong kỳ thi vừa qua trung tâm có 418 thí sinh thi tốt nghiệp, chỉ có một thí sinh rớt, tỉ lệ tốt nghiệp 99,76%. Đây là nỗ lực không mệt mỏi vì công tác giáo dục thường xuyên còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như điều kiện hoạt động".
Tại hội nghị, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh năm học 2024-2025 là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đối với hoạt động chuyên môn, Phòng Giáo dục thường xuyên chuyên nghiệp đại học sẽ phải có những nắm bắt thông tin từ vụ giáo dục thường xuyên của Bộ GD&DT phối hợp với phòng trung học của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các quận, huyện để kịp thời trong hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, truyền tải những văn bản chỉ đạo liên quan để tổ chức ôn tập một cách tốt nhất.
Đề xuất Sở GD&ĐT trực tiếp quản lý trung tâm GDNN - GDTX
Các trung tâm GDNN - GDTX chịu sự quản lý nhà nước của UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, Sở GD&ĐT chỉ đạo hoạt động chuyên môn về GDTX, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo chuyên môn hoạt động giáo dục nghề nghiệp, chưa có sự phối hợp, đôi khi có sự chồng chéo trong công tác chỉ đạo.
Các trung tâm GDNN - GDTX còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, thiếu giáo viên chuyên môn …do đó UBND quận Bình Tân, Phú Nhuận đã có văn bản kiến nghị gửi đến UBND TP giao Sở GD&ĐT trực tiếp quản lý trung tâm GDNN - GDTX.
Tuy nhiên việc chuyển trung tâm GDNN - GDTX về Sở GD&ĐT quản lý, đang gặp vướng mắc do quy định tại khoản 1, Điều 7 và khoản 1, Điều 8 Thông tư liên tịch số 39/2015 vẫn còn hiệu lực.
Sở GD&ĐT tham mưu UBND TP.HCM kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ hướng dẫn UBND TP.HCM giải quyết vướng mắc liên quan việc chuyển giao cơ quan chuyên môn là Sở GD&ĐT trực tiếp quản lý trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn TP.HCM.