Nên sửa khái niệm 'thương nhân' trong Luật Thương mại?

Sáng 18-11, Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) tổ chức Hội thảo khoa học "Luật Thương mại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập".

TS Dương Kim Thế Nguyên, Trưởng Khoa Luật (Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước) nhận định sau hơn 25 năm hình thành và phát triển, Luật Thương mại Việt Nam đã dần chiếm được vị thế quan trọng trong hệ thống luật tư.

Nó trở thành đạo luật quan trọng cho nhánh luật chuyên biệt điều chỉnh về hoạt động thương mại và các hành vi thương mại. Nó cũng trở thành mắt xích nối kết quan trọng giữa các luật điều chỉnh các hoạt động thương mại chuyên ngành với Bộ luật Dân sự (BLDS).

“Tuy vậy, một số nội dung thuộc phần chung của Luật Thương mại 2005 cần tiếp tục được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ thương mại của thương nhân với thương nhân và thương nhân với các bên có liên quan” – ông Nguyên nói.

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, ĐH Fulbright Việt Nam và TS Dương Kim Thế Nguyên cùng điều hành phiên thảo luận tại hội thảo (trực tuyến). Ảnh chụp màn hình/ MC

Tại hội thảo, ThS Nguyễn Công Phú (nguyên thẩm phán, phó chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM) đã chỉ ra một số bất cập của pháp luật về hợp đồng và chế tài trong thương mại.

Ông Phú dẫn chứng trong khi BLDS không quy định giới hạn mức phạt vi phạm hợp đồng thì một số luật chuyên ngành như Luật Thương mại lại quy định mức phạt tối đa (8% theo Điều 301 Luật Thương mại).

Việc mỗi luật lại quy định khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất mà không có một cơ sở nào giải thích một cách thuyết phục cho sự khác biệt đó, mặc dù vẫn biết mỗi luật có phạm vi điều chỉnh khác nhau.

Thực tế, đã có trường hợp cãi nhau về việc áp dụng luật vì việc này ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Cũng theo ông Phú, một khái niệm rất quan trọng trong quan hệ thương mại là khái niệm “thương nhân”.

Khái niệm này quan trọng vì đó chính là đối tượng áp dụng chủ yếu của Luật Thương mại (Điều 2). Tuy nhiên, Luật Thương mại lại định nghĩa về thương nhân rất mâu thuẫn, không nhất quán.

Cụ thể, Điều 6 quy định: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”.

Tiếp đó, Điều 7 lại quy định: “Thương nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đăng ký kinh doanh, thương nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật.”

“Lẽ ra, chỉ cần quy định thương nhân là tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại thường xuyên là đủ còn nghĩa vụ đăng ký kinh doanh của thương nhân thì đã có Luật Doanh nghiệp và Nghị định của Chính phủ quy định. Luật Thương mại không cần đề cập đến vấn đề này vì bản chất của Luật Thương mại chính là luật về hợp đồng trong thương mại, không phải là luật doanh nghiệp hay pháp luật về đăng ký kinh doanh” – ông Phú nêu quan điểm.

TS Thế Nguyên thông tin hội thảo đã nhận được rất nhiều câu hỏi cũng như các tham luận gửi về.

Ông Nguyên hy vọng hội thảo lần này sẽ làm sáng tỏ các quy định pháp luật, chỉ ra những bất cập. Từ đó đưa ra một số kiến nghị cần thiết để tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định của Luật Thương mại...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm