Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu thông thay vì liệt kê danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay.
Đề xuất này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và nhận được ủng hộ lớn của nhiều người. Bởi sự lúng túng, thiếu thống nhất trong việc cho phép lưu thông hàng hóa thiết yếu những ngày qua đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và người dân.
Danh mục cấm đã có sẵn
Theo Bộ Công Thương, những ngày qua Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ GTVT đã liên tiếp có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương về lưu thông hàng hóa thiết yếu và yêu cầu các địa phương không được đặt ra các điều kiện cản trở việc lưu thông.
Tuy nhiên, do cách hiểu cũng như việc tổ chức thực hiện khác nhau nên một số hàng hóa là nguyên liệu đầu vào sản xuất hoặc phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân còn gặp khó khăn, thậm chí ách tắc.
Từ đó bộ này đề nghị thay vì quy định danh mục hàng hóa thiết yếu, Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Danh mục hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh và hạn chế kinh doanh đã được Bộ Công Thương ban hành từ năm 2014 khi hướng dẫn thi hành Luật Thương mại.
Theo đó, ngoại trừ các hàng hóa nằm trong danh mục 19 hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh và sáu danh mục hàng hóa bị hạn chế kinh doanh thì các loại hàng hóa khác đều được lưu thông. 25 loại hàng hóa, dịch vụ này đã được Bộ Công Thương liệt kê và ban hành vào ngày 9-5-2014 bằng Văn bản số 19 (hợp nhất Nghị định số 59/2006 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Thương mại và các nghị định sửa đổi Nghị định số 59/2006).
Một ngày sau đề xuất, ngày 28-7, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương, đang lấy ý kiến các bên liên quan và sẽ có văn bản thông báo triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ đối với xe chở hàng lưu thông qua chốt kiểm soát tại chân cầu Vĩnh Bình (TP Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG
Không chỉ đồ ăn, thức uống mới là hàng thiết yếu
Ngày 29-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), cho biết thực tế nhiều DN đang gặp khó khăn vì quy định danh mục hàng thiết yếu. Xe chở hàng của DN phải chạy qua nhiều tỉnh nhưng tỉnh này xem là hàng thiết yếu, tỉnh kia lại không nên hàng hóa bị tắc nghẽn.
Do vậy ông Tuấn hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ Công Thương. “Tôi ví dụ, ngoài đồ ăn, thức uống của con người hằng ngày là thiết yếu thì nguyên liệu thức ăn cho con heo, con bò, cá... cũng là thiết yếu nhưng không phải ai cũng nghĩ vậy. Phải có thức ăn cho vật nuôi thì mới có thịt, cá cho con người ăn, không có thức ăn thì gia súc, gia cầm, thủy sản cũng sẽ chết” - ông Tuấn minh họa.
Theo ông Tuấn, nếu bằng cách liệt kê danh sách hàng hóa thiết yếu thì rất dài và phức tạp. Vì thế nên có quy định danh sách những loại hàng hóa cấm hoặc bị hạn chế lưu thông, các loại còn lại đương nhiên được lưu thông, khi áp dụng thực tế sẽ dễ hơn.
Ông Vũ Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc phụ trách Công ty cổ phần DAP số 2 (Lào Cai), nói: “Tôi rất ủng hộ đề xuất của Bộ Công Thương vì nếu liệt kê danh sách hàng thiết yếu kiểu gì cũng phát sinh nhiều vấn đề. Lúc này mỗi địa phương sẽ có quy định khác nhau, ngay cả với người dân, nhu cầu hàng thiết yếu của mỗi người cũng khác nhau”.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng lưu ý thêm, ngoài việc bỏ danh mục hàng thiết yếu thì cần tập trung vào khâu tổ chức lưu thông hàng hóa sao cho ổn định, nhất quán. Theo ông, đây là điều rất cần thiết để đề phòng khả năng việc chống dịch còn kéo dài nhiều tháng nữa…
Danh mục 25 hàng hóa, dịch vụ bị cấm và hạn chế kinh doanh Theo đề xuất của Bộ Công Thương, những hàng hóa bị cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh là những loại theo Văn bản số 19 ngày 9-5-2014 do Bộ Công Thương ban hành (hợp nhất Nghị định số 59/2006 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Thương mại và các nghị định sửa đổi Nghị định số 59/2006). Danh mục hàng hóa cấm lưu thông do Bộ Công Thương đề xuất là 19 hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên bao gồm: Vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an, quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng. Các chất ma túy; hóa chất bảng 1 (theo Công ước quốc tế); các sản phẩm, văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục thẩm mỹ, nhân cách; các loại pháo; đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội (bao gồm cả chương trình trò chơi điện tử); Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm hoặc chưa được cấp phép sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại pháp lệnh thú y, pháp lệnh bảo vệ và kiểm tra thực vật; thực vật, động vật hoang dã thuộc danh mục điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định và các loại thực vật, động vật quý hiếm thuộc danh mục cấm khai thác và sử dụng. Thủy sản cấm khai thác, thủy sản có dư lượng chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép, thủy sản có độc tố tự nhiên gây nguy hiểm đến tính mạng con người; phân bón không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Giống cây trồng không có trong danh mục được phép sản xuất kinh doanh, giống cây trồng gây hại đến sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái; giống vật nuôi không có danh mục được phép sản xuất, kinh doanh, gây hại cho sức khỏe con người, nguồn gen, môi trường, hệ sinh thái. Khoáng sản đặc biệt, độc hại; phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường; các loại thuốc chữa bệnh cho người, các loại vaccine, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, hóa chất và chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng và y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam; các loại trang thiết bị y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thực phẩm có nguy cơ cao, thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ, thực phẩm có gen bị biến đổi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Sản phẩm, vật liệu có chứa amiăng thuộc nhóm amfibole; thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phần khác nhập lậu. Các hàng hóa, dịch vụ hạn chế lưu thông bao gồm: Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; hàng hóa có chứa chất phóng xạ, thiết bị phát bức xạ hoặc nguồn phóng xạ; hóa chất bảng 2 và 3 theo Công ước quốc tế; thực vật, động vật hoang dã quý hiếm; thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác; rượu các loại. Văn phòng Chính phủ hỏa tốc chỉ đạo về vận chuyển hàng hóa Ngày 29-7, Văn phòng Chính phủ có văn bản hỏa tốc gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Phó Thủ tướng yêu cầu không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện có QR code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước. Trường hợp phương tiện không có giấy nhận diện QR code hoặc có nhưng hết thời hạn thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-CoV-2 đối với người trên phương tiện. Phó Thủ tướng yêu cầu việc kiểm tra đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa khi ra, vào các địa điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận hàng hóa, phải đảm bảo đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch, không gây ùn tắc giao thông. Người trên phương tiện chở hàng hóa lưu thông phải thực hiện nghiêm quy định 5K và có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính trong thời hạn 72 giờ. Tại các vùng có dịch, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, TP chủ động có giải pháp phân luồng, tổ chức giao thông phù hợp, hạn chế thấp nhất phương tiện vào trung tâm đô thị nhưng phải bảo đảm hoạt động vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thông suốt qua địa bàn. Thời gian áp dụng từ 0 giờ ngày 30-7. |