Chiều 12-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, đại biểu (ĐB) QH cónhiều ý kiến thuận và chưa thuận về việc tăng tuổi nghỉ hưu.
Cho nghỉ sớm mấy ông “cắp ô”
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam hiện là 76 nhưng sức khỏe rất thấp. Nên chăng tuổi hưu của nữ chỉ tăng lên 58 và nam 62. Đối với cán bộ, công chức năng suất không cao “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, ĐB Hòa đề nghị cần cho nghỉ sớm để tạo điều kiện cho lao động trẻ. ĐB Hòa đề nghị trong luật không cần thiết phải quy định người đến tuổi nghỉ hưu được giữ lại. Việc này nên trao quyền cho người sử dụng lao động, cấp có thẩm quyền quyết định giữ lại hay không.
“Việc tăng tuổi hưu phải tính toán, cân nhắc thật kỹ lưỡng, tính đến nhu cầu việc làm cho giới trẻ và một bộ phận người lao động lớn tuổi không muốn tiếp tục làm việc khi đủ thời gian đóng BHXH, nhất là lao động phổ thông”.
Cùng lo lắng, ĐB Mai Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ hơn việc tăng tuổi nghỉ hưu. Vì hiện nay Chính phủ đang thực hiện tinh giản biên chế, gặp khó khăn trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường và người lao động. Bên cạnh đó, mỗi năm cả nước có một triệu người lao động thất nghiệp đã và đang để lại hậu quả lớn cho xã hội.
“Tăng tuổi nghỉ hưu là việc quan trọng, ảnh hưởng đến nhiều người dân nên cần phải lấy ý kiến của toàn dân. Tôi đề nghị ban soạn thảo cần đánh giá lực lượng lao động và cơ cấu lao động, chế độ hưu trí, quy hoạch bổ nhiệm cán bộ, thể lực và trí lực, ý chí, nguyện vọng của người lao động để làm căn cứ cho việc tăng tuổi nghỉ hưu…” - nữ ĐB Tuyên Quang nhấn mạnh.
ĐB Mai Thị Thúy (Tuyên Quang) và ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tại buổi thảo luận về Luật Lao động (sửa đổi) chiều 12-6. Ảnh: QH
Tiền hưu là của người nghỉ, lo làm gì!
Tranh luận vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết chế độ hưu trí chính thức bắt nguồn từ Nghị định 218/1961, thực hiện gần 60 năm và trong 60 năm qua không tăng tuổi nghỉ hưu trong khi tuổi thọ tăng từ 59,04 tuổi (từ năm 1960) lên 76,05 tuổi (hiện nay).
Theo ĐB Nhưỡng, tuổi thọ cao gây áp lực lên hệ thống quỹ hưu trí Việt Nam. “Tuy nhiên, trước đây quỹ hưu trí là quỹ được Nhà nước bao cấp. Bây giờ Nhà nước không bao cấp quỹ hưu trí nhưng quỹ BHXH vẫn bao cấp. Nhưng bản chất của quỹ BHXH là hình thành từ đóng góp tiền lương, tiền công và thời gian làm việc của người lao động. Như vậy, người nghỉ hưu “ăn” là “ăn” vào chính tiền lương, tiền công mà họ đã đóng vào quỹ trước đó. Cho nên các ý kiến cho rằng tăng tuổi hưu sẽ làm vỡ quỹ BHXH là không logic…” - ông Nhưỡng nói và cho rằng việc tăng tuổi hưu là cần thiết.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu là tận dụng tiềm năng trí tuệ, sức lực và được thực hiện trong giai đoạn dân số vàng chuyển sang già hóa dân số. Do đó, khi ban hành luật thì cần có ngay lộ trình hợp lý nhằm giải quyết tuyển dụng đối tượng qua đào tạo, nâng cao trách nhiệm cho lao động trẻ. “Tăng tuổi là vấn đề nhạy cảm, các nước khi tăng đều có sự phản ứng. Quan tâm giải pháp tăng tuổi nhưng không gây phản ứng, tạo cơ sở ủng hộ của người lao động khi luật ban hành” - ĐB Phương nhấn mạnh.
Tăng tuổi hưu vì lợi ích quốc gia
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, khẳng định tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu, cũng là yêu cầu thực sự cần thiết của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ, hầu như các nước đều gặp phải khó khăn trong vấn đề này.
“Việc tăng tuổi các nước đều đi đến quyết định sớm khi còn thặng dư lao động, đưa ra lộ trình tăng chậm, tăng theo nhóm. Bên cạnh đó, tăng tuổi hưu thường người dân và người lao động không đồng tình nhưng vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc thì các nước đều quyết định tăng tuổi hưu, gần đây là Nga, Anh, Pháp…” - bộ trưởng dẫn chứng.
Theo người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ phân theo nhóm: Nhóm phổ biến (làm việc trong điều kiện lao động bình thường); nhóm nghỉ sớm (lao động ngành nghề, lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, suy giảm, vùng sâu, vùng xa…); nhóm nghỉ hưu muộn hơn (sẽ có danh sách cụ thể, hiện mới chỉ áp dụng ở ba đối tượng là 17 thẩm phán TAND Tối cao, các nữ thứ trưởng và nhà khoa học).
Tăng giờ làm là vắt hết sức, cắt kiệt tình mẹ con Bàn về đề xuất tăng thời gian giờ làm thêm từ 300 giờ lên 400 giờ, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng hiện công nhân không có nhu cầu làm thêm nhưng vì lương thấp nên phải làm thêm để trang trải cuộc sống. Theo bà Tâm, nên tạo điều kiện để người lao động có thời gian tái tạo sức lao động. Điều đó vừa có lợi cho công nhân và cho cả chủ sử dụng lao động. “Đừng nghĩ rằng là vắt cho kiệt sức người lao động mới là tốt và đừng nói rằng người công nhân có nhu cầu làm thêm mà là họ cần làm thêm vì cuộc sống…” - bà Tâm nói. Bà Tâm cũng dẫn chuyện có rất nhiều công nhân cả chục năm không về thăm gia đình, con đưa về quê để cho ông bà, cha mẹ chăm nuôi. “Sợi dây tình cảm, máu mủ cha mẹ, con em bị cắt đứt suốt thời gian dài như vậy thì đau xót lắm chứ! Chưa kể điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý thế hệ sau rất lớn. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng giờ, tăng ca, tăng ngày làm việc!” - bà Tâm nói. Rút đề xuất nghỉ 27-7 Về nội dung lấy ngày 27-7 là ngày nghỉ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng trong dự thảo bộ luật nêu rõ ý nghĩa, tính nhân văn. “Tuy nhiên, qua ý kiến của ĐB, Chính phủ xin QH rút nội dung này ra khỏi dự thảo…” - ông Dung nói. |