Trong Triển lãm kỹ thuật quân sự Army 2018, nhà sản xuất vũ khí nổi tiếng nhất nhì nước Nga Kalashnikov Concern đã giới thiệu tới công chúng một robot chiến đấu cao gần 4 m, có khả năng di chuyển bằng hai chân và được vận hành bởi quân nhân ngồi bên trong, theo Daily Mail.
Robot Igorek của Nga. Ảnh: Military Times
Theo hình ảnh ban đầu, robot có màu vàng nâu, được gọi là Igorek, vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chế tạo. Hiện thời, Kalashnikov Concern chưa muốn tiết lộ về các tính năng của robot này cho đến khi nó hoàn thiện.
Thông số ban đầu cho biết Igorek nặng 4,5 tấn và có thể mang theo vũ khí. Một buồng lái đặt ở trung tâm robot cho phép người điều khiển có thể vận hành cỗ máy từ bên trong. Buồng lái được bọc bởi thép chống đạn, có thể ngăn ngừa các vũ khí nguy hiểm bay tới tấn công người điều khiển.
Theo nhà sản xuất, robot này được chế tạo cho mục tiêu “kỹ thuật và tác chiến”. Kalashnikov Concern là nhà sản xuất vũ khí nổi tiếng thế giới với khẩu súng AK-47 huyền thoại. Đại diện của công ty, ông Vladimir Dmitriev, cho biết robot Igorek là một trong những mẫu vũ khí được quan tâm nhất trong triển lãm quân sự lần này. Hiện thời, robot là minh họa cho định hướng mà công ty dự kiến đi theo trong tương lai.
Ngoài sản phẩm robot độc đáo, Kalashnikov Concern đồng thời giới thiệu các thiết bị di chuyển và vũ khí mới tới triển lãm lần này.
Robot BAS-01G của Tập đoàn Kalashnikov trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Nikolai Novichkov
Trong Triển lãm Army 2018, có khoảng 1.200 công ty quốc phòng và sản xuất vũ khí Nga tham gia. Họ mang tới trưng bày khoảng 26.000 khí tài và thiết bị quân sự, từ máy bay chiến đấu, trực thăng tới xe tăng và vũ khí hạng nhẹ. Kalashnikov Concern là công ty sản xuất vũ khí, súng đạn lớn nhất Nga. Họ sản xuất ra 95% vũ khí hạng nhẹ của Nga và xuất khẩu tới 27 quốc gia nước ngoài.
Nga đang ra sức theo đuổi công nghệ chiến trường tự động, vượt xa những máy bay không người lái nhan nhản trong kho vũ khí của các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới. Kalashnikov Concern đã chế tạo một xe tăng không người lái 7 tấn được biết đến với tên gọi BAS-01G Soratnik.
Được thiết kế với mục đích trinh sát, yểm trợ hỏa lực bộ binh, rà phá bom mìn cũng như thực hiện các hoạt động hậu cần và tuần tra, BAS-01G Soratnik có phạm vi hoạt động khoảng 400 km, tốc độ tối đa khoảng 40 km/giờ. Xe có thể được điều khiển cách xa 10 km so với trạm chỉ huy. BAS-01G cũng có thể được lập trình để hoạt động tự động mà không cần sự can thiệp của con người. Kalashnikov Concerns được cho rằng đang lên kế hoạch phát triển một phiên bản BAS-01G 20 tấn.
Xe tăng tự động Uran-9 của Nga. Ảnh: SPUTNIK
Xe tăng chiến đấu không người lái Uran-9 do Tập đoàn JSC 766 UPTK của Nga thiết kế cũng đã được triển khai tới các tiền tuyến. Uran-9 được huy động tới Syria, nơi lực lượng Nga đang ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad chiến đấu chống phe nổi dậy và quân khủng bố. Mặc dù hiện chưa rõ liệu Uran-9 có được huy động trong các chiến dịch tác chiến không nhưng mẫu xe này đang trong quá trình thử nghiệm, theo Newsweek.
Dẫu vậy, giới quan sát quân sự tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của mẫu xe tăng Uran-9. Trang web Defence Blog cho hay Uran-9 phải vật lộn để cơ động trên địa hình gồ ghề, trong khi hệ thống thông tin liên lạc thì lại nhiều lần bị hỏng khiến nó không cách nào liên lạc được với những người điều khiển. Hệ thống vũ khí của Uran-9 cũng không đáng tin cậy, không thể liên tục tấn công mục tiêu trong khi di chuyển.
Chó robot Spot Mini của Mỹ. Ảnh: Business Insider
Không chịu kém Nga, Mỹ cũng đang phát triển những mẫu máy bay không người lái chiến trường tự động hoặc điều khiển từ xa. Theo National Interest, Lầu Năm Góc đang phát triển các bộ dụng cụ công nghệ có thể giúp cho những phương tiện chiến đấu không người lái có phạm vi hoạt động lớn. Loạt công ty quốc phòng Mỹ đang phát triển cho riêng mình những con robot với hy vọng một ngày nào đó có thể hỗ trợ binh sĩ trên chiến trường. Một số mẫu robot được chú ý hơn cả phải kể đến chó robot bốn chân Spot Mini của Boston Dynamics. Thiết bị của Boston Dynamics có khả năng tự chạy ngoài môi trường tự nhiên và điều chỉnh hướng di chuyển một cách chủ động.