Hải quân Nga đã điều gần 100 tàu chiến và máy bay các loại đến biển Bering (nằm giữa Nga và bang Alaska của Mỹ) tập trận, hãng tin AP cho hay.
Ngày 28-8, Đô đốc Nikolai Yevmenov, Tư lệnh Hải quân Nga, cho biết hơn 50 tàu chiến và khoảng 40 máy bay đã được điều đến tập trận ở biển Bering.
Tuy nhiên, thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga không nêu rõ thời gian diễn ra tập trận, theo AP.
Ông Yevmenov nhấn mạnh đây là cuộc tập trận lớn nhất của Nga ở khu vực này kể từ sau khi Liên Xô tan rã năm 1991.
Các tàu mặt nước và tàu ngầm Nga tham gia tập trận ở biển Bering. Ảnh: AP
Nga coi cuộc tập trận là một nỗ lực tăng cường hiện diện tại khu vực Bắc Cực để bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên thuộc sự quản lý của Moscow.
"Chúng tôi đang tăng cường lực lượng để bảo đảm sự phát triển kinh tế của khu vực. Chúng tôi đang dần quen với không gian Bắc Cực", ông Yevmenov nói.
Theo AP, các phương tiện vũ trang thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ tham gia cuộc tập trận.
Trong đó, tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân mang tên Omsk và tàu tuần dương Varyag sẽ bắn tên lửa hành trình vào mục tiêu giả định. Tên lửa chống hạm Onyx sẽ được bắn từ vịnh Anadyr, phía nam bán đảo Chukchi - phần đất liền của Nga gần Alaska nhất.
Tàu tuần dương Varyag bắn tên lửa hành trình trong cuộc tập trận ở biển Bering. Ảnh: AP
Trước đó, trong ngày 27-8, quân đội Mỹ thông báo đã phát hiện một tàu ngầm Nga xuất hiện gần Alaska.
Cựu Tham mưu trưởng Hải quân Nga, Đô đốc Viktor Kravchenko (đã về hưu) cho rằng Nga muốn truyền đi một thông điệp qua việc cho tàu ngầm xuất hiện ở trạng thái nổi gần Alaska.
"Đó là dấu hiệu rằng không phải chúng tôi đang ngủ quên và rằng chúng tôi có mặt ở bất kỳ đâu mà mình muốn", AP dẫn lại nhận định của ông Kravchenko đăng trên trang web của hãng tin RIA Novosti.
Người phát ngôn Bộ Tư lệnh phương Bắc của Mỹ, ông Bill Lewis cho biết cuộc tập trận của Nga diễn ra trên vùng biển quốc tế, nằm ngoài vùng nước của bang Alaska. Đồng thời, ông cũng cho biết lực lượng Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động của tàu ngầm Nga.
Nga và Mỹ thường xuyên cáo buộc bên còn lại điều máy bay xâm phạm không phận của mình. Hai nước nhiều lần cử máy bay ngăn chặn máy bay đối phương ở biển Bering.
Mới đây nhất, Mỹ đã điều các tiêm kích F-22 can thiệp hoạt động của nhóm hai máy bay tuần tra hàng hải Tu-142 (Nga) vì cho rằng các máy bay Nga xâm phạm không phận Alaska.