Ngắm ba gốc đại thụ được giữ lại bên bến Bạch Đằng

Trong kế hoạch triển khai chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng, quận 1 (TP.HCM) UBND TP.HCM đã thông qua thì từ ngày mai (10-6), giai đoạn 1 của việc chỉnh trang công viên sẽ tiến hành.

Theo kế hoạch công trình chỉnh trang sẽ được triển khai thực hiện theo hai giai đoạn. Tất cả nguồn kinh phí thực hiện chỉnh trang từ xã hội hóa. 

Hệ thống cây lim xẹt trước cầu số 2 - ga tàu cao tốc Bạch Đằng sẽ được thay thế bằng giáng hương. Ảnh: QUỲNH TRANG

Giai đoạn 1 sẽ bắt đầu từ ngày 10-6 đến ngày 2-9 với việc chỉnh trang công viên Cột cờ Thủ Ngữ đến cầu số 2 (ga tàu cao tốc Bạch Đằng). Kinh phí thực hiện chỉnh trang khoảng 35 tỉ đồng cho diện tích 8.700m2.

Giai đoạn 2 hai sẽ bắt đầu từ ngày 2-9 đến 29-12 với việc chỉnh trang từ cầu tàu số 2 đến khu vực súng thần công. Kinh phí thực hiện chỉnh trang khoảng 30 tỉ đồng cho diện tích 7.300m2.

Những hàng cây lim xẹt tỏa bóng mát trên đường Tôn Đức Thắng và bến Bạch Đằng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Sở Xây dựng TP.HCM) là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức quản lý việc thi công xây dựng, tiếp nhận, quản lý duy tu công viên sau khi hoàn thành cải tạo chỉnh trang.

Hiện việc cải tạo, chỉnh trang công viên đã hoàn tất phương án tổng mặt bằng và khảo sát hệ thống cây xanh để đưa phương án cho từng cây.

Những ngày qua, khi các phần tường, rào được gỡ bỏ để trả mặt bằng cho dự án chỉnh trang, người dân nào đi ngang bến Bạch Đằng đoạn gần khu vực súng thần công đều bất ngờ với sự hiện hữu của dãy ba cổ thụ gồm hai cây si và một cây bồ đề.

Ba cây với hệ thống rễ, tán, cành… chằng chịt. Rất nhiều người dân xuýt xoa về hàng cây khi đọc trên mặt báo việc chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng sẽ bứng dưỡng và đốn hạ 178 cây xanh. Liệu số phận ba cây này có nằm trong danh sách?

Trao đổi với PLO, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ: “Ba cây si và bồ đề báo đề cập nằm trong phương án cắt tỉa cành bảo dưỡng tại chỗ.

Đây cũng là ba đại thụ duy nhất được giữ lại bến Bạch Đằng. Hệ thống cây còn lại sẽ được bứng dưỡng hoặc đốn hạ. Số liệu cây nào sẽ đốn hạ, bứng dưỡng chúng tôi đã có khảo sát kỹ càng. Những cây đáp ứng tiêu chí còn phát triển sẽ được bứng dưỡng đem về trồng tại các công viên khác như: Gia Định, Gò Vấp…

Dãy các cây bồ đề, si, điệp lâu năm dọc bến Bạch Đằng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Những cây không phù hợp với thiết kế, cảnh quan công trình; cây già cỗi mới được thay thế. Việc chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng ưu tiên hướng tạo nhiều mảng xanh. Đơn cử như việc đốn hạ 24 cây lim xẹt (tên gọi khác: lim sét, điệp vàng, phượng vàng), long não dọc trục đường Tôn Đức Thắng bởi hàng cây này hình thái không đẹp, chất lượng cây không tốt và đã bước sang giai đoạn cây phát triển kém. Hệ thống cây mới sẽ thay thế 24 cây lim xẹt, long não này sẽ là 45 cây giáng hương”.

Theo ghi nhận của PLO, trong hệ thống 178 cây xanh dọc bến Bạch Đằng hiện có các loại cây: Si, bồ đề, phượng đỏ, điệp vàng, tùng, liễu…

Cùng PLO nhìn ngắm ba gốc đại thụ si và bồ đề dọc bến Bạch Đằng trước khi công trình chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng thi công vào ngày mai.

Cây si với hệ rễ, thân, cành... toả rộng ở bến Bạch Đằng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Một trong hai cây si lâu năm còn lại ở bến Bạch Đằng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Tán, cành cây si tỏa rộng bên sông Sài Gòn. Ảnh: QUỲNH TRANG

Cây bồ đề xanh bốn mùa ở bến Bạch Đằng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm