Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2021 nhằm đánh giá tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh doanh năm 2021 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022.
Ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết: “Năm 2021, hoạt động mua bán, xử lý nợ theo giá trị thị trường của VAMC đã chịu tác động nghiêm trọng nhất của đại dịch COVID-19. Trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 10 hoạt động này gần như đình trệ hoàn toàn”.
Đại diện Công ty Quản lý tài sản Chi nhánh Tp.HCM cho biết thêm: Trong khoảng thời gian này chi nhánh gặp khó khăn khi tiếp cận khách hàng, đối tác mua nợ và các tổ chức tín dụng. Do vậy việc tìm kiếm hồ sơ mua nợ mới rất hạn chế. Một số khoản nợ liên quan đến dự án bất động sản đã triển khai dở dang (đang xây dựng hoặc đã chuyển nhượng một phần cho khách hàng mua hoặc nhận góp vốn...) gặp khó khăn trong quá trình thu thập, đánh giá hồ sơ đàm phán và xác minh thông tin.
Các nhà đầu tư, khách hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tài chính, dẫn đến việc phối hợp cùng chi nhánh giải quyết, mua các khoản nợ theo kế hoạch bị ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đề ra. Ngay cả các ngân hàng cho vay đối với những nhà đầu tư mua nợ cũng hạn chế cấp tín dụng trong giai đoạn này nên tiến độ đầu tư cũng chậm trễ.
Thế nhưng trong 2 tháng cuối năm khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động của xã hội đã cơ bản trở lại bình thường. VAMC đã khẩn trương triển khai các giao dịch và mua nợ theo giá trị thị trường được 194 tỉ đồng. Qua đó, đưa tổng giá trị mua nợ theo giá trị thị trường năm 2021 đạt 2.116 tỉ đồng, hoàn thành hơn 88% kế hoạch được giao và tăng hơn 40% so với năm 2020.
“Năm 2021, VAMC đã mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt với giá mua đạt 20.999 tỉ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 1.000 tỉ đồng so với kế hoạch được phê duyệt từ đầu năm, góp phần tích cực cùng các TCTD xử lý và giảm thiểu áp lực về nợ xấu trong bối cảnh tình hình nợ xấu có dấu hiệu gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay” - ông Đông nói.
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42, Phó Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Kim Anh cho rằng: “Trong thời gian tới, VAMC tới cần tập trung phát triển VAMC thực sự trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua, bán nợ, định giá, đấu giá tài sản…
Đẩy mạnh hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, quy định của pháp luật và phương án được duyệt, triển khai ngay các giải pháp phù hợp để xử lý, thu hồi nợ gắn với áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động mua, bán nợ theo cơ chế thị trường. Mục tiêu đến năm 2025 là vận hành sàn giao dịch nợ, xây dựng trung tâm dữ liệu về khoản nợ, tài sản tại VAMC. Cạnh đó tăng cường xử lý nợ xấu theo giá trị thị trường, tiếp tục xử lý số nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt của các tổ chức tín dụng yếu kém”.
Lãnh đạo NHNN cho rằng việc xử lý nợ xấu tốt khối nợ sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho hệ thống, góp phần khơi thông và thúc đẩy mở rộng tín dụng cho nền kinh tế an toàn, hiệu quả.