Ngân hàng Nhà nước nói về xác thực khuôn mặt khi chuyển từ 10 triệu đồng

(PLO)- Tính đến hết tháng 4 vừa qua, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 14,15% về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái, điều này thể hiện rõ xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang không dùng tiền mặt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Số liệu trên vừa được ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại họp báo "Ngày không tiền mặt" 2024 với chủ đề "Thúc đẩy phát triển thanh toán không tiền mặt an toàn" diễn ra vào chiều nay, 28-5. Sự kiện do báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước tổ chức.

thanh toán không dùng tiền mặt
Cần xác thực khuôn mặt khi chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên. Ảnh:T.L

Ông Lê Anh Dũng cho biết thêm, đến hết 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán.

Về mở tài khoản qua phương thức e-KYC, đến nay có 40 ngân hàng đã triển khai chính thức với gần 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng e-KYC đang hoạt động… Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã nghiên cứu và ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Mới nhất là Quyết định 2345 để đảm bảo an toàn trong giao dịch trực tuyến. Theo quyết định này, kể từ ngày 1-7 tới đây, tất cả các giao dịch chuyển tiền từ 10 triệu đồng/lần trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền.

Ông Lê Anh Dũng khẳng định: “Quy định này cho phép các ngân hàng thương mại xác định được chủ tài khoản cũng là người đang thực hiện giao dịch chuyển tiền... Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng".

Cơ sở để đưa ra mức 10 triệu đồng/lần và trên 20 triệu đồng/ngày cần phải thực hiện xác thực sinh trắc học là khi xây dựng Quyết định 2345, Ngân hàng Nhà nước đã khảo sát, đánh giá tác động dựa trên số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân.

Qua đó, NHNN nhận thấy có tới 70% số lượng giao dịch chuyển khoản có giá trị dưới 10 triệu đồng, giao dịch trên 10 triệu đồng/lần chiếm tỉ trọng không cao.

Do đó, việc quy định ngưỡng phải xác thực khuôn mặt đối với những mức chuyển tiền như trên sẽ không ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng. Mục đích sau cùng của quy định này là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ tài khoản thanh toán.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết: "Về tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại ACB nhằm đáp ứng quy định xác thực sinh trắc hoặc theo Quyết định 2345, hiện nay chúng tôi đang thực hiện đầu tư ở giai đoạn cuối cùng và dự kiến trong tháng 6 sẽ bắt đầu thông báo cho các khách hàng đăng ký xác thực sinh trắc học.

Bên cạnh đó, tôi khẳng định một lần nữa là việc thực hiện xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển khoản từ 10 triệu đồng/lần và trên 20 triệu đồng/ngày thì trải nghiệm của khách hàng không hề bị ảnh hưởng".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm