Ngành du lịch TP.HCM đau đầu vì thiếu nhân lực

(PLO)- Sở Du lịch TP.HCM sẽ bắt tay với các tỉnh, thành để tập trung giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực cho ngành du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nguồn nhân lực thiếu hụt, doanh nghiệp (DN) du lịch chủ yếu là vừa và nhỏ nên cạnh tranh kém, hạ tầng du lịch chưa mở rộng… Đó là những khó khăn của ngành du lịch TP.HCM được nêu ra tại Hội nghị giao ban về công tác phát triển du lịch sáu tháng đầu năm 2023 do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức ngày 13-7.

“Đỏ mắt” tìm nhân lực

Theo báo cáo của Sở Du lịch, sáu tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu ngành du lịch TP.HCM ước tính đạt 80,8 tỉ đồng, tăng 62,7% so với cùng kỳ năm 2022. TP đã đón hơn 16,4 triệu lượt khách nội địa, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách quốc tế ước tính đạt hơn 1,9 triệu lượt, tăng 306% so với cùng kỳ.

Sáu tháng đầu năm, lượng khách quốc tế ước tính đạt hơn 1,9 triệu lượt, tăng 306% so với cùng kỳ. Ảnh THU TRINH

Sáu tháng đầu năm, lượng khách quốc tế ước tính đạt hơn 1,9 triệu lượt, tăng 306% so với cùng kỳ. Ảnh THU TRINH

Sở Du lịch nhận định hoạt động du lịch đã sôi động trở lại nhưng vẫn còn không ít DN lữ hành, khách sạn chưa thể phục hồi hoàn toàn. Ngoài ra, ngành du lịch TP hiện nay vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, nguồn nhân lực du lịch vẫn chưa đáp ứng, thiếu hướng dẫn viên đối với các thị trường trọng điểm. Số lượng DN vừa và nhỏ trong ngành du lịch chiếm tỉ lệ cao nên khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường và mở rộng thương hiệu quốc tế còn hạn chế.

Vận tải khách du lịch vẫn còn nhiều khó khăn: Hạ tầng cơ sở chưa được mở rộng, thiếu điểm dừng đón trả khách tại các tuyến điểm tham quan. Sản phẩm du lịch đường sông vẫn còn thiếu bến thủy, cầu tàu... môi trường kênh rạch còn ô nhiễm nên có nhiều tuyến du lịch đường thủy nội đô bị ảnh hưởng.

Một trong những khó khăn nổi bật là việc thiếu hụt nhân lực cho ngành du lịch. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết sau dịch COVID -19, nhân sự trong ngành giảm rất lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển chung của ngành.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM quan sản phẩm du lịch trên địa bàn quận Tân Bình. Ảnh THU TRINH

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM quan sản phẩm du lịch trên địa bàn quận Tân Bình. Ảnh THU TRINH

Tại cuộc họp, PGS-TS Nguyễn Quyết Thắng, Trưởng khoa Du lịch Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng bày tỏ sự lo lắng khi bệnh dịch đã hết nhưng nhà trường vẫn chưa biết tuyển sinh như thế nào.

“Nhân sự trong ngành bỏ nghề nhiều nên rất khó để động viên các em đi học. Dự kiến năm sau du lịch Việt Nam sẽ bùng nổ nhưng chưa biết tính nguồn nhân lực ở đâu để đáp ứng, các đơn vị liên quan rất cần sự chung tay của Sở Du lịch. Tôi đề nghị giai đoạn tới tổ chức một số hội thảo kết hợp với các trường về công tác đào tạo nguồn nhân lực” - PGS-TS Thắng nói.

Trước thực trạng thiếu nhân lực, ông Nguyễn Ngọc Tấn, Giám đốc Công ty Sacotravel, góp ý: Các điểm đến du lịch cần áp dụng công nghệ thông tin bằng cách quét mã QR hoặc thuyết minh tự động. Bởi việc dẫn khách đến các điểm tham quan đang gặp khó khăn, có khách nhưng lại không có nhân sự.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho hay qua khảo sát sơ bộ tại các trường đào tạo, DN trên địa bàn TP cơ cấu về chuyên ngành quản lý, đào tạo chuyên sâu đang thiếu. Trong đó, nhiều nhất điều hành tour, tài xế, bếp, lễ tân, buồng - phòng...

“Sở sẽ triển khai thêm các hội nghị triển khai thỏa thuận giữa TP.HCM và các tỉnh, thành tập trung vào việc giải quyết nguồn nhân lực. Sở cũng phối hợp với các trường đào tạo công bố về các chương trình tài trợ, ưu đãi cho nhóm nhân sự chuyên mảng du lịch, lưu trú khi theo các khóa học dài hạn, ngắn hạn...” - bà Hoa nói.

Tour Biệt động Sài Gòn thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: THU TRINH

Tour Biệt động Sài Gòn thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: THU TRINH

TP.HCM sẽ xây dựng lại các sản phẩm du lịch

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, trong kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch TP.HCM thời gian tới, ngành du lịch sẽ tăng cường triển khai thực hiện các nghị quyết mới như Nghị quyết 98, Nghị quyết 82 của Chính phủ về đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch.

Sáu tháng đầu năm, TP đã triển khai các sản phẩm du lịch đặc trưng với tiêu chí mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng. Nhờ đó, hình ảnh của du lịch TP với du khách được ứng dụng công nghệ thông tin tăng tính tương tác, độ lan tỏa cao.

Ngoài ra, TP tổ chức các sự kiện du lịch kết nối với văn hóa như lễ hội áo dài, ngày hội du lịch thu hút sự chú ý của khách trong và ngoài nước. Đặc biệt công tác hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành có vận dụng sáng tạo theo hướng hợp tác đa phương.

Bà Hoa cho biết Sở Du lịch sẽ cùng chuyên gia, DN lựa chọn lại và xây dựng các sản phẩm dựa trên chất liệu của quận, huyện. Theo đó, TP sẽ triển khai theo hướng, tuyến như khu trung tâm TP sẽ kết nối quận 1, 3, 4, 5.

Tại khu đông có Thủ Đức nối với các tỉnh Đông Nam Bộ. Phía nam có các quận 10, Tân Bình và huyện Bình Chánh nối với các tỉnh, thành ĐBSCL. Trong khi đó, hai huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận 12 kết nối với khu vực Tây Ninh...

Giám đốc Sở Du lịch đánh giá giải pháp này sẽ giúp đa dạng sản phẩm, đường tour thu hút du khách. “Sở Du lịch mong muốn các địa phương cùng chung tay, nhất là trong khâu chủ động chọn trọng tâm, trọng điểm trong sản phẩm quận, huyện để đầu tư tôn tạo, tạo dịch vụ mới trong nhóm sản phẩm gắn với sinh kế của người dân thì du lịch mới phát triển bền vững” - bà Hoa nói.•

Năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế

Về phía Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM (FBA), ông Dương Thanh Đảo, Phó Chủ tịch FBA, cho hay hiệp hội sẽ tăng cường hoạt động quy mô hơn trong tương lai như phối hợp với quận 1 thực hiện kế hoạch F&B (dịch vụ kinh doanh ẩm thực), quận 7 tổ chức lễ hội ẩm thực chay... Hiện nay, lĩnh vực ẩm thực TP với trọng điểm phát triển gắn liền với kinh tế đêm đang được khẩn trương lên đề án.

TP.HCM đặt mục tiêu năm 2023 sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, hơn 35 triệu lượt khách nội địa, với tổng thu du lịch đạt trên 160.000 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm