Ngày 3-8, tại Cần Thơ, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam phối hợp với Hiệp hội xi măng Việt Nam tổ chức hội thảo Bảo vệ môi trường trong sản xuất xi măng.
Xi măng là một ngành kinh tế công nghiệp quan trọng, là bánh mì của ngành xây dựng, cho đến nay chưa có vật liệu nào thay thế được. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất xi măng cũng là một công nghệ phát thải chủ yếu là dạng rắn và khí ảnh hưởng đến môi trường. Phát thải bụi diễn ra ở hầu hết các công đoạn trong dây chuyền sản xuất xi măng và nơi tập kết kho bãi, công trường thi công xây dựng.
Theo TS Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam, lượng CO2 thải ra môi trường khi nung 1 tấn clinker khoảng gần 800 kg, bao gồm CO2 từ phân hủy đá vôi và từ đốt nhiên liệu than. Khối lượng bụi thải ra cũng rất lớn nếu không có hệ thống lọc bụi chất lượng cao.
Việt Nam là nước đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng xi măng. Ở Việt Nam công suất các nhà máy xi măng cũng đạt đến 100 triệu tấn/năm và chắc chắn làm một trong những ngành tác động đến ô nhiễm môi trường. Nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu thì với hơn 4 tỉ tấn xi măng sản xuất một năm trên toàn thế giới thì lượng phát thải gây độc hại của ngành xi măng là rất lớn.
Quang cảnh hội nghị
Do đó ngành xi măng mang trong mình trách nhiệm xử lý môi trường và sứ mệnh bảo vệ môi trường. Tuy nhiên giải pháp đưa ra phải vừa giải quyết được môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Hiện nay lượng nhiệt khí thải đã được nhiều nhà sản xuất gom, lọc sạch và sử dụng để phát điện. Lượng điện tái sinh này có thể cung cấp một công suất điện năng với giá rẻ đến 30% tổng lượng điện cần tiêu thụ của dây chuyền sản xuất. Ngành xi măng đang từng bước hoàn thiện công nghệ xử lý rác thải, rác thải độc hại, rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng, các loại phế thải của các ngành công nghiệp khác để làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế cải thiện môi trường.
Một khối lượng lớn tro, xỉ nhiệt điện, xỉ luyện kim đã được sử dụng làm nguyên liệu thay thế phụ gia chế tạo bê tông. “Khối lượng rác thải lớn này đang được ngành xi măng giải cứu làm cải thiện môi trường và tiết kiệm diện tích bãi chứa, chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường. Ở các nước khác người ta sử dụng vật liệu thay thế rất hiệu quả vừa bảo vệ môi trường vừa hiệu quả kinh tế cao. Về vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất xi măng thì chúng ta còn thua cả Thái Lan. Trong các loại nguyên liệu thay thế thì nguyên liệu xỉ lò cao hoạt hóa mang lại hiệu quả chất lượng rất cao, nguyên liệu này tạo ra loại xi măng bền trong môi trường sông nước, biển. Ở Nhật Bản, hơn 90% xi măng được tạo ra từ nguyên liệu này” - ông Cung thông tin.