Ngày mai, xét xử chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các cựu quan chức Đồng Nai

(PLO)- Tòa án sẽ xét xử vắng mặt chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bảy bị can đang bỏ trốn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày mai, 21-12, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, phiên tòa kéo dài 20 ngày kể cả thứ Bảy, Chủ nhật.

HĐXX gồm năm thành viên, do thẩm phán Mai Văn Quang ngồi ghế chủ tọa. Năm kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.

Ba bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái (từ trái qua)

Ba bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái (từ trái qua)

Vụ án này, 36 bị cáo bị truy tố về năm tội danh khác nhau. Trong đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch Công ty AIC, hiện đang bỏ trốn và bị truy nã) bị xét xử về hai tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ.

Hai bị cáo Trần Đình Thành (cựu bí thư Đồng Nai) và Đinh Quốc Thái (cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) cùng bị truy tố tội nhận hối lộ.

Bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai) bị truy tố hai tội nhận hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại phiên tòa ngày mai, 33 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn có một luật sư, cựu bí thư Trần Đình Thành có hai luật sư, cựu chủ tịch Đinh Quốc Thái có một luật sư.

Để phục vụ xét xử, tòa án cũng triệu tập 12 pháp nhân và cá nhân với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong số này có Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC, vợ cựu bí thư và vợ cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai…

Ngoài ra, tòa còn triệu tập 69 pháp nhân và cá nhân với tư cách người tham gia tố tụng, như Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai, hội đồng định giá tài sản trong tố tụng tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai…

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC. Quá trình điều hành, bà Nhàn yêu cầu lãnh đạo và nhân viên công ty thực hiện các hành vi thông thầu và gian lận, trái quy định của pháp luật.

Cụ thể, ngay từ năm 2003, bà Nhàn đã có mối quan hệ quen biết với ông Trần Đình Thành khi ông này đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.

Năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn gặp và nhờ ông Thành giới thiệu AIC tới lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, nhằm tạo điều kiện cho công ty tham gia các dự án của tỉnh, trong đó có dự án xây dựng bệnh viện.

Từ sự giới thiệu của ông Thành, bà Nhàn lần lượt gặp, quen biết và đặt vấn đề với chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, giám đốc Sở KH&ĐT Bồ Thị Thu, giám đốc BV đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ… Các bị cáo sau đó thực hiện hàng loạt ưu ái cho Công ty AIC khi triển khai các gói thầu.

Về phía Công ty AIC, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh báo cáo tài chính nhằm cung cấp thông tin gian dối về năng lực công ty; thông đồng với chủ đầu tư, công ty tư vấn khi xây dựng hồ sơ thầu; thiết lập “quân xanh”…

Bằng các chiêu trò này, cộng với “bật đèn xanh” từ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC cùng một số công ty do AIC chỉ định đã liên tiếp trúng 16 gói thầu với tổng giá trị hơn 665 tỉ đồng, qua đó gây thiệt hại ngân sách khoảng 150 tỉ đồng.

Không chỉ vi phạm đấu thầu, cơ quan công an còn xác định bà Nhàn nhiều lần chi hối lộ cho các ông Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái và Phan Huy Anh Vũ với tổng số tiền 43,8 tỉ đồng. Trong đó, hai cựu bí thư và chủ tịch mỗi người nhận 14,5 tỉ đồng, cựu giám đốc bệnh viện nhận 14,8 tỉ đồng…

Đến nay, trong số 36 bị cáo bị truy tố, bà Nhàn cùng bảy người khác bỏ trốn nên bị cơ quan công an phát lệnh truy nã.

Tại cuộc họp báo của Bộ Công an được tổ chức hôm qua, 19-12, báo chí đặt câu hỏi liên quan đến vụ án xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty AIC.

Theo đó, dù bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch AIC) và bảy người khác đang bỏ trốn nhưng cơ quan tố tụng vẫn đề nghị truy tố, truy tố và quyết định đưa vụ án ra xét xử. Việc không thu thập được lời khai của nhóm bị can này liệu có ảnh hưởng gì tới kết quả điều tra, xét xử?

Trả lời vấn đề trên, đại diện Cục C03 Bộ Công an cho hay, hiện cơ quan chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp truy bắt đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn và nhóm bị can bỏ trốn.

Mới đây, cơ quan điều tra Bộ Công an ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKS đề nghị truy tố, trong đó tám người bỏ trốn. “Việc này đảm bảo theo quy định pháp luật và cũng cho thấy chất lượng điều tra đã được nâng lên, không chỉ dựa vào lời khai của bị can mà còn thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh” – đại diện C03 cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm