Nghĩa địa voi ở hồ Lắk?

Việt Nam có Bản Đôn (Đắk Lắk) là nơi có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Nổi tiếng trong làng voi nhà ở Đắk Lắk có voi Y Truk. Voi đực Y Truk mang cái tên giống như chàng trai Ê Đê. Do được chủ voi Y B’Hem và nài voi Y Bai ở Buôn Yang Cang, huyện Krông Bông chăm sóc tốt, dạy dỗ chu đáo nên Y Truk chẳng những có vóc dáng đồ sộ mà còn rất khôn ngoan, thuần thục và hiền lành...

Y B’Hem tự hào: “Y Truk được mua từ Lắk về lúc nó còn khá trẻ và tràn đầy sức lực. Tuy lúc đầu còn ương ngạnh, hung dữ nhưng được ông nội anh thuần dưỡng, chăm sóc chu đáo nên Y Truk đã trở thành chú voi thông minh, thuần thục. Y Truk sống gắn bó và lãnh nhận nhiều việc khó giúp dân làng: hỗ trợ gia đình sức kéo trong sản xuất, chuyên chở, đi rừng...

Y Truk cũng rất “đa tài”, vừa khôn ngoan vừa biết được lắm trò biểu diễn, thi thố. Vì thế, chẳng phải ngẫu nhiên mà mỗi lần lễ hội ở tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh thành khác, Y Truk thường đại diện cho voi nhà của buôn làng mình tả xung hữu đột trên các đấu trường.

Nghĩa địa voi ở hồ Lắk? ảnh 1

Vua voi Ama Kông vỗ về voi Y Truk - Ảnh: Ngọc Bích

Năm 2007, trong một chuyến chở khách tham quan du lịch hồ Lắk, voi Y Truk bỗng ngã gục và chết ngay sau đó. Y Truk được mai táng ở nghĩa trang gần Buôn Yun. Theo phong tục của mình, khi voi nhà chết, người M’Nông phải chôn cất tử tế và phải làm lễ tang cho voi.

Người ta mai táng voi bằng cách chặt cây chôn dựng đứng khít sát vào nhau xung quanh xác con voi, phía trên phủ kín bằng cây gỗ và lá cây. Làm như vậy để các loại chim, thú không ăn thịt voi được, chó, lợn, nhím, hổ... không tha xương voi được. Voi chết, dân làng kiêng cữ như người chết. Tất cả dụng cụ từng dùng cho con voi này khi còn sống đều đem bỏ vào mồ voi. Đồng bào còn lấy các loại cây voi thường hay ăn mỗi thứ một ít bỏ vào mồ để cúng hồn voi.

Hiện nay, một số chủ voi có ý định cải táng Y Truk và một số voi nhà bị chết tập trung ở một nơi thành một nghĩa địa voi riêng biệt gần khu du lịch hồ Lắk để du khách mỗi lần đến đây có thể tìm hiểu thêm về tập tục của người M’Nông liên quan đến loài động vật hữu ích này.

Ở miền biển, ngư dân có tục thờ cúng, chôn cất cá ông, có nghĩa địa cá ông được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh (xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Con voi ở Tây nguyên - một loài vật khôn ngoan, linh thiêng nhất - cũng cần có một nơi tưởng nhớ theo phong tục truyền thống. Đó là cách ứng xử có hậu với loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng ở Tây nguyên.

Theo TẤN VỊNH (TTCT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm