Có thể có rất ít người biết về cây Kơnia - Irvingia malayana và lại càng ít người biết về hoa trái của loài cây này. Mặc dù có nhiều ca khúc, ca từ: Buổi sáng em làm rẫy/ Thấy bóng cây Kơnia/ Bóng ngả che ngực em/ Về nhớ anh không ngủ (Thơ: Ngọc Anh - nhạc: Phan Huỳnh Điểu) viết về cây Kơnia - biểu tượng của người đàn ông Tây nguyên.
Vào mùa ra hoa, Kơnia trổ bông trắng thơm ngào ngạt. Ảnh: FBPMT
Cây Kơnia được rất nhiều văn nghệ sĩ sáng tác thành những áng thơ, câu chuyện ngôn tình về loài cây này. Và cây Kơnia không bị gục ngã bởi chất độc da cam.
Tuy nhiên cây Kơnia không chỉ có vậy, loài cây đặc trưng của các cánh rừng Tây nguyên và miền Đông Nam bộ đã là một mắt xích sinh học không thể tách rời trong hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới.
Cây Kơnia còn sót lại ở thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa (Gia Lai). Ảnh: THÁI BÁ DŨNG
Hoa cây Kơnia, loài cây đã từng được đưa vào Sách đỏ Việt Nam mang hương sắc nhẹ nhàng, không đậm đà, sặc sỡ như những loài hoa rừng khác.
Mùi hương của hoa đủ để làm say lòng những nàng ong đến lấy mật và lãng mạn cùng nàng bướm rừng thích vui đùa, đong đưa với nắng và gió cao nguyên.
Trái Kơnia. Ảnh: FBPMT
Khi Tháng 6 trời mưa, trời mưa không dứt và ai kia như muốn lạy trời mưa phong kín đường về thì cũng là lúc hàng triệu, hàng triệu quả Kơnia chín, thơm ngon rụng xuống làm thức ăn cho các loài muông thú trong rừng.
Khi đậu trái người ta thường đập hạt tách lấy ruột ăn.
Ảnh: THÁI BÁ DŨNG
Tháng 6 khi quả Kơnia chín cũng là dịp để những cô gái Tây nguyên khéo léo tách lấy phần nhân của hạt kơnia làm lễ vật cho nhà chồng. Các cô còn ép quả Kơnia lấy tinh dầu để trang điểm cho làn môi khô, chải mái tóc nám vàng.
Có nắng cùng váy áo mới, các cô gái Tây nguyên tham gia lễ hội lúa mới, lễ hội kén chồng…
Quả Kơnia. Ảnh: FBPMT
Ngày nay với các ứng dụng sinh học phân tử và sự trợ giúp của máy móc thiết bị, sau một thời gian nghiên cứu của Viện nghiên cứu ứng dụng Đại học Thủ Dầu Một, các bạn sắp được thưởng thức nước trái cây Kơnia lên men thuần khiết và dầu gội đầu, son môi từ tinh dầu hạt Kơnia.