Tháng 5, biển yên. Hoàng Sa - ngư trường truyền thống của ngư dân Quảng Ngãi là điểm đến của những con tàu hành nghề lưới chuồn, câu khơi, lặn bắt hải sản. Ở vùng cửa biển Cổ Lũy (TP Quảng Ngãi), hàng trăm con tàu đang chất đá cây, gạo, nước ngọt vẫn nhằm hướng Hoàng Sa thẳng tiến.
Vẫn “cắm chốt” Hoàng Sa
Vuốt mớ tóc lòa xòa trên trán lấm tấm mồ hôi, ngư dân Trần Mười ở xã Nghĩa An bộc bạch: “Bây giờ đang mùa cá chuồn, câu khơi nên ngư dân ở đây chọn vùng biển quần đảo Hoàng Sa làm điểm đến và “cắm chốt”. Trước thông tin Trung Quốc (TQ) đưa giàn khoan ra phía đảo Tri Tôn, ở Nghĩa An người thân của các ngư dân đang đánh bắt hải sản ở quần đảo Hoàng Sa cũng lo lắng. Nhiều người thông qua máy Icom hỏi thăm tình hình ngoài khơi. Đáp lại họ, những anh em bạn chài trả lời chắc nịch: Vùng biển của mình thì mình đánh bắt chứ có đưa tàu ra vùng lãnh hải của họ đánh bắt đâu mà sợ...
Vùng biển Mỹ Á, nhiều con tàu đánh bắt xa bờ cũng đều tập trung về phía quần đảo Hoàng Sa để đánh cá ngừ, cá bò. Mấy hôm trước, nhiều con tàu đi biển trở về khoang cá đầy ắp giờ lại bắt đầu lo bốc đá cây, xăng dầu chuẩn bị chuyến đi mới. Theo ngư dân Nguyễn Xết, vùng biển quần đảo Hoàng Sa là ngư trường quen thuộc của ngư dân Phổ Quang. Ở đây hải sản khá giàu và mùa này đang cao điểm đánh bắt cá ngừ, cá bò. “Dù TQ đưa giàn khoan ra vùng biển này kèm theo rất nhiều tàu hộ tống nhưng kệ họ. Tàu mình vẫn đánh bắt thôi” - ông Xết nói.
Ngư dân cùng hợp lực tiến ra Hoàng Sa. Ảnh: VÕ QUÝ
Ở huyện đảo Lý Sơn, trước thông tin TQ đưa giàn khoan đến đảo Tri Tôn, nhiều ngư dân vẫn hết sức bình thản. Không nao núng, khí phách của thế hệ con cháu những ngư dân từng tham gia Đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa vẫn được giữ vững. Ngư dân Võ Khản (xã An Hải) tin tưởng nói: “Nhiều năm rồi phía TQ đã bắt tàu đòi tiền chuộc, rồi bắn tàu, bắt người vô cớ trên vùng biển Hoàng Sa. Ngư dân Lý Sơn có bỏ biển bữa nào đâu. Tàu bị TQ bắt giữ thì ngư dân về gom góp, vay mượn đóng tàu mới rồi cũng trở lại biển khơi. Nay họ đưa giàn khoan ra biển, khoanh vùng thăm dò thì đã có tàu của cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của mình ra làm nhiệm vụ. Với bà con ngư dân, biển đảo của mình thì không vì sự ngang nhiên của họ mà làm ảnh hưởng đến mùa vụ đánh bắt. Do vậy chuyện nhằm hướng Hoàng Sa thẳng tiến là điều tất nhiên, không khác được”.
Rút ngắn khoảng cách để kịp bảo vệ nhau
Thực tế không phải bây giờ mà nhiều năm rồi ngư dân Quảng Ngãi phải đối diện với nhiều thiên tai và nhân tai trên biển. Việc phía TQ bắt người, đốt phá tàu đã xảy ra khá nhiều đối với ngư dân huyện đảo Lý Sơn và xã Bình Châu (huyện Bình Sơn). Để bảo vệ nhau, ngư dân Quảng Ngãi đã tự nguyện thành lập tổ ngư dân đoàn kết đánh bắt hải sản rồi trên cơ sở này thành lập các nghiệp đoàn nghề cá để bảo vệ quyền lợi của ngư dân, của lao động biển.
Ở xã biển Nghĩa An (nay thuộc TP Quảng Ngãi), năm 2011 đã thành lập tổ ngư dân đoàn kết bám biển và nay đã thành lập được nghiệp đoàn nghề cá với 65 tổ ngư dân đoàn kết bám biển. Những tổ ngư dân đoàn kết này được hình thành từ những nhóm ngư dân có cùng mục tiêu đánh bắt hải sản. Khi ra khơi họ tự động phân chia ngư trường. Gặp luồng cá đi thì thông báo cho nhau cùng đánh bắt. Khi gặp bão tố thì cứu nạn, hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt, khi gặp phải “nhân tai” thì tất cả hợp quần tạo nên sức mạnh trên biển để bảo vệ nhau.
Sau nhiều năm bị nạn bắt tàu, phá tàu, giờ ngư dân lại phải đối đầu với sự xua đuổi của những tàu hộ tống giàn khoan TQ. Do vậy việc phát huy vai trò của nghiệp đoàn nghề cá, tổ ngư dân đoàn kết để phòng khi xảy ra sự cố là hết sức cần thiết.
Ngư dân Trần Hùng nói: “Mấy khi nay tổ ngư dân đoàn kết của mình mỗi khi ra khơi thì tàu này đánh cách tàu kia 10 hải lý, phát hiện có luồng cá là gọi nhau. Bây giờ trước tình hình này, anh em bảo nhau rút khoảng cách giữa tàu này với tàu khác xuống còn khoảng năm hải lý để khi cần thiết những con tàu sẽ kịp quây quần lại chống đỡ”.
Ông Mai Cho, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ), cho hay: “Đã bàn với anh em trong nghiệp đoàn nắm lại số tàu thuyền đánh bắt hải sản ở vùng biển này. Đồng thời, cử người trong ban chấp hành đến từng gia đình thành viên để động viên, nhắc nhở anh em ngư dân cảnh giác hơn”. Ông Cho nói thêm, nhiều anh em thấy cờ Tổ quốc trên tàu bạc màu vì mưa nắng đã đi thay cờ mới rồi mới lo tới việc chuyển đá cây, gạo, nước ngọt… cho hành trình vươn biển tới.
Nhìn những con tàu nối đuôi nhau ra cửa biển Mỹ Á, ông Cho xúc động tâm sự: “Biển trời Tổ quốc mênh mông, ngư dân mình xem con tàu là nhà, biển khơi là đất sống đã tự đời nào. Vùng ngư trường truyền thống Hoàng Sa xưa là lối đi về thì nay vẫn thế, không có thế lực nào ngăn cản được đâu”.
VÕ QUÝ
Ngư dân phản đối hành động của Trung Quốc! Chuyện Trung Quốc (TQ) đưa giàn khoan thăm dò dầu khí ngay trong vùng biển Việt Nam và có những hành động gây hấn khi phun nước, đâm vào tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển Việt Nam đã gây bất bình và phẫn nộ đối với ngư dân Quảng Ngãi. Ngư dân Lê Văn Thành, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, nói: “Xem trên các phương tiện truyền thông thấy tàu TQ tấn công tàu Việt Nam tôi thấy rất bức xúc trước hành động ngang ngược này. Tại sao họ lại hành động đi ngược lại với luật pháp quốc tế như vậy. Bà con ngư dân chúng tôi cực lực phản đối, yêu cầu TQ phải tôn trọng chủ quyền của đất nước chúng tôi, rút ngay giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam”. Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn, quả quyết: “Hoàng Sa và Trường Sa là hai ngư trường chính bao đời nay của ngư dân Việt Nam, là vùng biển của Việt Nam. Cho nên TQ không thể đưa giàn khoan vào đây được. Nếu chúng ta không quyết liệt phản đối thì họ còn được trớn làm tới. Mấy ngày nay, bà con ngư dân ra biển qua khu vực này gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều tàu bị TQ ngăn cản, rượt đuổi và phun nước gây hư hỏng đáng kể. Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải đã kêu gọi ngư dân bình tĩnh, đoàn kết để tiếp tục tiến ra Hoàng Sa, Trường Sa khai thác bình thường”. Ngư dân Nguyễn Gia Viên, chủ tàu cá QNg-96111TS xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, trầm tĩnh nói: “Tàu của tôi và nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vẫn ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt vì đó là vùng biển của ông cha ta. Chúng tôi không sợ gì cả. Vùng biển của Tổ quốc mình thì mình cứ ra đó mà khai thác, sợ gì đâu”. Đây là mùa đánh bắt chính của ngư dân Quảng Ngãi nên những ngày này họ vẫn vươn khơi đánh bắt bình thường, bất chấp mọi phản ứng phi lý từ phía TQ. “Chúng tôi mong Nhà nước can thiệp mạnh mẽ vào chuyện này để TQ đưa giàn khoan ra khỏi lãnh hải Việt Nam, tạo điều kiện để ngư dân ra khơi đánh bắt được thuận lợi” - ngư dân Nguyên Phong, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, nói. LUẬN NGỮ |