Hải Phòng đang đẩy mạnh công nghiệp hóa nuôi biển nhằm thích ứng với quá trình đô thị hóa và yêu cầu bảo vệ cảnh quan du lịch. Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, chăn nuôi và thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hải Phòng), TP đã triển khai nhiều giải pháp như sắp xếp lại hệ thống lồng bè, hỗ trợ lãi suất vay cho ngư dân đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại.
Những bước đi này góp phần bảo tồn hệ sinh thái biển, hướng đến phát triển bền vững.

Làm giàu từ nuôi cá lồng bè trên biển
Từng lênh đênh với nghề đánh bắt xa bờ, ông Nguyễn Văn Tuyên (quần đảo Cát Bà) hiểu rõ sự bấp bênh của cuộc sống ngư dân. Bước ngoặt đến với ông vào năm 2001, khi chính quyền huyện đảo kêu gọi bà con chuyển sang nuôi trồng thủy sản, ông Tuyên mạnh dạn tham gia, đầu tư 16 ô lồng để nuôi cá song, cá giò, cá vược - những loài có giá trị kinh tế cao. Quy mô vừa phải giúp việc tiêu thụ thuận lợi, thương lái thu mua tận bè với giá 200.000 đồng/kg.

Ảnh: NGỌC SƠN
Giữa những vịnh biển xanh biếc và núi đá vôi hùng vĩ của quần đảo Cát Bà, ông Đỗ Văn Toan đã dành gần nửa đời gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè, biến vùng biển quê hương thành nơi nuôi dưỡng giấc mơ làm giàu.
Việc phát triển mô hình nuôi biển xa không chỉ giúp giảm áp lực lên môi trường mà còn mở ra hướng đi bền vững hơn cho ngành nuôi trồng thủy sản.
Bắt đầu từ năm 1995 với 170 ô lồng, ông Toan từ một ngư dân khai thác đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản, nắm bắt cơ hội khi địa phương tập trung phát triển ngành này. Những năm đầu, biển cả hào phóng, cá lớn nhanh, thương lái tìm đến tận nơi, giúp ông thu về 2-3 tỉ đồng mỗi năm. Nhờ đó, gia đình có cuộc sống sung túc, xây nhà, mua xe tải, xe con. “Hơn 30 năm gắn bó, tôi có thể nói mình là người thành đạt nhờ nghề nuôi cá lồng bè” - ông Toan chia sẻ.
Tuy nhiên, những năm gần đây, số hộ nuôi tăng mạnh, nguồn nước bị ô nhiễm, dịch bệnh nhiều hơn khiến thu nhập giảm còn vài trăm triệu mỗi năm. Dẫu vậy, so với nhiều nghề khác, đây vẫn là mức thu nhập đáng kể.

Ông ĐỖ ĐỨC THỊNH, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, chăn nuôi và thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hải Phòng):
Hướng đi chiến lược nhưng còn nhiều thách thức
TP đã ban hành Kế hoạch 11 ngày 12-1-2023 về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kế hoạch đặt mục tiêu ổn định nghề nuôi cá lồng bè tại huyện Cát Hải, đồng thời từng bước phát triển nuôi biển xa bờ theo hướng công nghiệp, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại khu vực Cát Bà - Bạch Long Vĩ.
Dù còn nhiều thách thức nhưng nuôi biển xa bờ vẫn được xem là hướng đi tất yếu, giúp đảm bảo phát triển bền vững cho ngành thủy sản Hải Phòng.
Nuôi biển xa - hướng đi tất yếu
Những năm gần đây, môi trường nuôi trồng thủy sản tại Cát Bà ngày càng chịu áp lực. Dù chính quyền địa phương đã nỗ lực xử lý rác thải, nguy cơ ô nhiễm vẫn gia tăng khi số hộ nuôi tăng nhanh, mật độ lồng bè dày đặc. Không chỉ vậy, biến đổi khí hậu khiến dịch bệnh trên cá diễn biến phức tạp; hạn hán kéo dài làm độ mặn nước biển tăng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất cá nuôi.
Trong bối cảnh đó, nhiều ngư dân đang hướng đến mô hình nuôi biển xa bờ - một giải pháp bền vững hơn cho tương lai ngành thủy sản địa phương.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè, ông Nguyễn Văn Luyện, một trong những người tiên phong tại Cát Bà, đã chứng kiến bao thăng trầm của nghề biển. Từ những ngày đầu thử nghiệm với một ô lồng nhỏ, tự tay ghép can, lưới để nuôi cá, ông dần mở rộng quy mô, tạo việc làm cho hàng chục lao động, thậm chí có thời điểm lên đến vài trăm người khi đầu tư vào nhà máy chế biến sứa.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hải Phòng:
Tiềm năng lớn trong chế biến thủy sản
Hải Phòng sở hữu nhiều lợi thế để phát triển ngành chế biến thủy sản, đặc biệt là sản xuất nước mắm với công suất đạt 7,5 triệu lít/năm. Ngoài ra, TP còn nổi tiếng với các sản phẩm đặc trưng như bột rau câu, sương sáo từ rong câu, cá thu một nắng, chả cá, chả mực, tôm, ngao, sứa, rươi…
Một số mặt hàng chế biến phục vụ xuất khẩu gồm mực sơ chế đông lạnh, bạch tuộc gia công cho Nhật Bản (nguyên liệu nhập khẩu) và các sản phẩm từ cá rô phi, ngao (nguồn nguyên liệu trong nước).

Toàn TP hiện có gần 60 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản và muối đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, trong đó 12 cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO 22000. Dù mới chỉ có hai cơ sở xuất khẩu, ngành chế biến thủy sản của Hải Phòng vẫn còn nhiều tiềm năng để mở rộng và phát triển trong tương lai.
............................
Ông HOÀNG TRUNG CƯỜNG, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Cát Hải:
Phải bảo vệ môi trường biển
Nuôi trồng thủy sản tại huyện Cát Hải, chủ yếu ở khu vực Cát Bà và xã Gia Luận, không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho ngư dân. Dự kiến năm 2025, sản lượng đạt trên 1,5 ngàn tấn, với mục tiêu duy trì ổn định hằng năm.
Để giảm thiểu ô nhiễm, huyện yêu cầu các hộ nuôi thực hiện phân loại rác tại nguồn, thu gom nước thải đạt chuẩn. Ban quản lý các vịnh Cát Bà đảm nhận việc thu gom rác thải từ các cơ sở nuôi trồng hằng ngày. Huyện cũng duy trì phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, tổ chức vệ sinh môi trường tại các vùng vịnh, góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển.
Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng bè không phải lúc nào cũng thuận lợi. Thiên tai là một trong những rủi ro lớn nhất với người nuôi cá lồng bè.
Năm 2024, bão số 3 quét qua Quảng Ninh đã phá hủy 80% lồng cá của ông Nguyễn Văn Luyện, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng. Bè vỡ, cá trôi ra biển, gần như mất trắng. Sau cú sốc này, ông quyết định không đầu tư ở Quảng Ninh nữa mà quay về tập trung phát triển tại Hải Phòng.
Không chỉ ông Luyện, nhiều hộ nuôi cá lồng bè tại Cát Bà cũng mong muốn chuyển sang mô hình nuôi biển xa, áp dụng công nghệ cao để giảm rủi ro.
Một hộ nuôi lâu năm tại đây chia sẻ: “Nếu có quy hoạch phù hợp và hỗ trợ, tôi sẵn sàng giảm nuôi trong vịnh. Trước ít người nuôi thì được nhưng giờ mật độ quá dày, môi trường không còn đảm bảo. Nuôi xa bờ, nơi sóng to gió lớn sẽ giúp cá khỏe hơn, ít bệnh hơn, đồng thời giảm ô nhiễm”.
Ông Luyện cũng khẳng định nuôi cá ngoài biển khơi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt. Ông dẫn chứng cùng một loại cá, nếu nuôi trong vịnh kín phải mất hai năm mới đạt 2 kg nhưng ngoài biển xa có thể đạt 3 kg trong cùng thời gian, trong khi lượng thức ăn không đổi.
Do đó, việc phát triển mô hình nuôi biển xa không chỉ giúp giảm áp lực lên môi trường mà còn mở ra hướng đi bền vững hơn cho ngành nuôi trồng thủy sản.
*****************************

cho ngư dân về chống khai thác IUU. Ảnh: VĂN HÀ
Hải Phòng quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU
Thời gian qua, Hải Phòng đẩy mạnh chống khai thác thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Để hiểu rõ hơn về những nỗ lực này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, chăn nuôi và thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hải Phòng).


Ông Xuân (ảnh) cho biết: TP xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thực hiện nghiêm chỉ đạo từ Trung ương.
UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị triển khai sáu giải pháp cấp bách các nhiệm vụ tuyên truyền sâu rộng về Luật Thủy sản 2017, các quy định chống khai thác IUU và chính sách hỗ trợ ngư dân; hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho ngư dân tự nguyện không tham gia khai thác bất hợp pháp hoặc tàu cá không đủ điều kiện hoạt động.

quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Ảnh: NGỌC SƠN
Địa phương cũng tích cực kiểm tra, rà soát toàn bộ tàu cá, đảm bảo đăng kiểm, giấy phép khai thác hợp lệ, hướng dẫn chủ tàu thực hiện đúng quy định; giám sát 24/7 tất cả tàu cá từ 15 m trở lên hoạt động trên biển.
Bên cạnh đó là truy xuất nguồn gốc 100% sản phẩm khai thác tại cảng cá; tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là tàu cá mất kết nối giám sát hành trình. Kiên quyết không cho tàu xuất bến nếu chưa đủ điều kiện.

Ông Nguyễn Hữu Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, chăn nuôi và thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hải Phòng)
. Phóng viên: Những thách thức lớn nhất trong công tác chống khai thác IUU của TP là gì?
+ Ông Nguyễn Hữu Xuân: Hải Phòng đang đối mặt với một số khó khăn về thói quen của ngư dân. Một số thuyền trưởng chưa quen với việc ghi chép nhật ký khai thác, dẫn đến sai sót trong báo cáo. Thiết bị giám sát hành trình đôi khi mất kết nối do sóng yếu hoặc chất lượng chưa đảm bảo, gây khó khăn trong theo dõi. Nhiều tàu cá vi phạm hoạt động ngoài địa phương, cản trở công tác xác minh, xử lý…
. Để góp phần cùng cả nước gỡ thẻ vàng trong lần thanh tra thứ năm của EC, hoạt động trọng tâm của TP sẽ là gì?
+ Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân, phổ biến Nghị quyết 04/2024 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về xử lý hình sự vi phạm IUU, công khai các trường hợp vi phạm để răn đe.
Những con số ấn tượng về chống khai thác IUU ở Hải Phòng
- 100% tàu cá đã được kẻ biển, đánh dấu.
- 100% tàu cá từ 15 m trở lên (295/295 tàu) lắp thiết bị giám sát hành trình.
- 100% tàu cá diện “ba không” đã đăng ký, cấp phép khai thác và cập nhật trên phần mềm Vnfishbase…
- Hơn 99% tàu cá có giấy phép khai thác thủy sản.
- Gần 92% tàu được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Quyết liệt thực hiện chống khai thác IUU
Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ đến Việt Nam trong thời gian tới để đánh giá kết quả chống khai thác IUU. Để chuẩn bị, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU đã ban hành Quyết định 728 ngày 18-2-2025, xây dựng kế hoạch tổng thể tiếp đón và làm việc với đoàn thanh tra lần thứ năm.
Chính quyền và ngư dân Hải Phòng cũng đang quyết liệt thực hiện chống khai thác IUU để cùng cả nước chung tay gỡ thẻ vàng, để hải sản có giá xuất khẩu tốt hơn.
Đồng thời, theo sát kế hoạch thanh tra của EC, chuẩn bị đón và làm việc hiệu quả; hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý tàu cá, truy xuất nguồn gốc điện tử; giám sát, phát hiện sớm và xử lý nghiêm tàu có dấu hiệu vi phạm IUU, đặc biệt các trường hợp lợi dụng nghề cá để buôn lậu.
Đặc biệt, địa phương chú trọng kiểm tra chặt chẽ tàu cá khi ra vào cảng, khu neo đậu; thu nhật ký, báo cáo khai thác, kiểm đếm sản lượng; thông qua giám sát 24/24 giờ trên VMS, xử lý nghiêm tàu không duy trì kết nối, hoạt động sai vùng.
. Xin cảm ơn ông.•
..................................
Ngày 30-3, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến TP Hải Phòng
Ngày 30-3, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp Luật TP.HCM sẽ đến TP Hải Phòng, cùng với chính quyền góp phần hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Hải Phòng là địa phương có biển thứ 20 mà báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chương trình này.
Chương trình có sự tham sự của lãnh đạo báo Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo TP Hải Phòng, các đại diện từ các nhà tài trợ...
Tại chương trình, Ban tổ chức sẽ thăm hỏi, động viên và trao tặng 100 phần quà cho ngư dân (mỗi phần quà trị giá hơn 4 triệu đồng), gồm: Bình ắc quy + bóng đèn LED + túi thuốc + hộp combo pin Con Ó + một cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” (do báo Pháp Luật TP.HCM chủ biên). Đồng thời, trao tặng 15 suất học bổng (mỗi suất gồm 2 triệu đồng và một bộ dụng cụ học tập) cho con em của các gia đình ngư dân hiếu học.
Trước đó, sau lễ ra mắt vào tháng 4-2023, Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã được tổ chức tại 19 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Thuận, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thái Bình, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Cà Mau, Trà Vinh với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức diễn ra tại 28 tỉnh, TP giáp biển trên cả nước với tổng kinh phí thực hiện hơn 30 tỉ đồng nhằm hỗ trợ, động viên, đồng hành cùng bà con ngư dân; sát cánh cùng Chính phủ và chính quyền địa phương tìm giải pháp tháo gỡ thẻ vàng cho ngành hải sản của Việt Nam. BAN TỔ CHỨC
Lời cảm ơn
Ban Tổ chức Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ đã đồng hành cùng chương trình:
1. Công ty Cổ phần Pin ắc quy Miền Nam (PINACO).
2. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
3. Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần.
4. Công ty Cổ phần Dược phẩm TV.Pharm.
5. Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam.