Chiều 25/7, nằm điều trị tại khoa Phỏng - Chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), anh Sang có thể nói chuyện lưu loát. Hai bàn chân vẫn tê khó cử động nhưng anh Sang cảm nhận sức khỏe mình đã ổn định. Nhai ngấu nghiến miếng sườn ram và hộp cơm được người nhà mang vào, Sang chia sẻ chưa bao giờ ăn thấy ngon như lúc này. Trong 4 ngày gặp nạn, ngoài cái lạnh buốt thấu tim gan, cơn đói là thứ luôn luôn hành hạ anh.
Nhìn hai bàn chân bị bầm tím rồi xoay xoay cánh tay như cố gắng tập những vận động cơ bản, Sang chậm rãi kể câu chuyện mà anh cho là một cơn ác mộng.
Thời điểm xảy ra tại nạn, nam thanh niên 23 tuổi đang trong ca trực. "Tôi lái xe nâng để chất hàng đã qua chế biến lên kệ thì hàng nghiêng, đổ và đè lên người. Phản xạ trong lúc hoảng hốt, tôi chạy theo lối nhỏ sót lại để thoát ra, nhưng các kệ hàng sập quá nhanh khiến tôi bị mắc kẹt", Sang nhớ lại.
Các thùng hàng chèn cứng từ dưới chân lên đầu nên dù gắng hết sức Sang không thoát ra được. "Tôi cố nhích người và dùng tay cào cấu nhưng không xoay chuyển được tình thế. Tôi nghe tiếng người khuân các thùng hàng tìm mình, nhưng đuối sức không thể gọi được", Sang kể.
Tự lý giải việc thoát chết kỳ diệu của bản thân sau 103 giờ trong phòng lạnh -18 độ C, Sang cho biết đã quen làm việc trong môi trường lạnh, anh đồng thời cảm ơn sự cẩn thận của mình. Lúc nào làm việc anh cũng mặc đủ 2 bộ quần áo bảo hộ, cơ thể cũng được giữ ấm nhờ nón, giày, găng tay.
Một điều quan trọng khác, theo anh Sang, là do được huấn luyện về an toàn lao động rất kỹ, nên anh hiểu rõ sự sinh tồn trong môi trường lạnh. "Tôi đã cố gắng ngủ để dưỡng sức, chờ cứu hộ đến. Lúc đầu tôi gọi kêu cứu nhưng càng lúc càng đuối nên tôi không dám gọi nữa mà chỉ cố dỗ giấc ngủ. Lúc giật mình thấy đói, tôi cố hớp nước tan chảy từ lớp băng bám ngoài bao đựng cá thành phẩm", nam thanh niên hồi tưởng và cho biết anh ngủ cả ngày lẫn đêm.
Sang tỉnh táo, ngoài hai bàn chân bị tổn thương do "cáp đông", các vị trí khác trên cơ thể anh đều không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh:Thiên Chương. |
Kẹt cứng rất lâu, sức kiệt dần nhưng Sang dặn lòng không được đầu hàng. "Lúc đó trong đầu tôi luôn nghĩ về vợ và đứa con mới hơn một tháng tuổi của mình. Chính họ là nguồn động viên tinh thần quan trọng giúp tôi vượt qua hoạn nạn. Vui nhất là lúc tôi đang ngủ thì giật mình tỉnh dậy vì tiếng động, tiếng người đang đến gần. Thấy các nhân viên cứu hộ gọi, tôi biết chắc mình đã sống", Sang tâm sự.
Cùng với mẹ chăm sóc Sang tại bệnh viện, anh Trí, anh trai của bệnh nhân cho hay, biết tin Sang bị chôn vùi trong đống hàng lạnh, cả nhà không còn cách nào khác ngoài việc trông chờ vào lực lượng cứu hộ và thắp hương cầu nguyện trời Phật, tổ tiên phù hộ.
"Bốn ngày trôi qua, nhà tôi gần như không còn chút hy vọng. Đồ đạc lo hậu sự cho Sang đã được chúng tôi chuẩn bị. Không thể ngờ, trong lúc tuyệt vọng nhất thì nó lại được tìm thấy. May mắn hơn nữa là đến chiều nay sức khỏe Sang đã bình phục. Sáng giờ nó ăn được gần 3 chén cơm", người anh nói.
Trao đổi với VnExpress, thạc sĩ - bác sĩ Ngô Đức Hiệp, khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không cần thở máy, các chức năng hô hấp, tim mạch, tiêu hóa và bài tiết bình thường. Điều đáng quan tâm nhất là hai bàn chân máu chưa lưu thông, Sang chưa thể cử động được tất cả các ngón nhân. Tình trạng này cần phải theo dõi tiếp những ngày tới.
Đại diện Công ty Vạn Ý thuộc nhóm công ty Hùng Cá cho biết, ngày 19/7, Sang và nhóm đồng nghiệp đang làm việc trong kho lạnh để chuẩn bị chuyển hàng ra xe thì toàn bộ kệ hàng bị đổ theo hiệu ứng dây chuyền. Công ty đã cắt toàn bộ hệ thống lạnh, huy động hơn 500 cán bộ phối hợp cùng hơn 300 chiến sĩ cứu hộ, các đơn vị bộ đội, Công an tỉnh Đồng Tháp... tổ chức luân phiên bốc dỡ hàng hóa, di dời sản phẩm, khoan cắt khung kệ tìm kiếm công nhân gặp nạn.
Khoảng 0h ngày 24/7, sau hơn 4 ngày tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã thấy anh Sang và lập tức đưa đi cấp cứu. Công ty đã đến động viên, túc trực tại bệnh viện, hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị cho công nhân gặp nạn.
Theo Thiên Chương/VNE