Người đàn bà cá trích

Và bây giờ quán cá trích của chị được coi là “điểm phải đến” cho tất cả những ai ghé qua chốn Kiên Giang…

Quán Ngọc Hòa nằm ở cuối đường Lâm Quang Ky, thuộc dạng hơi ngoại thành của Rạch Giá - Kiên Giang. Quán mở cửa từ 3 giờ chiều nhưng đến 5 giờ thì không còn chỗ hoặc phải kiên nhẫn đứng chờ.

Kiên Giang đệ nhất cá trích

Quán - nói theo cách của bà chủ của nó - là “hơi tiêu điều” nhưng thực sự rất phồn hoa tấp nập. 60 cái bàn thấp lè tè, kiểu bàn con cóc, bàn nào cũng có món gỏi cá trích. Đó là một dĩa to gồm cá trích tươi đã lấy hết xương, dừa khô nạo, hành trắng, hành tím, ngò gai, đậu phộng. Vắt mấy miếng chanh lên cho tái con cá, trộn lẫn với mớ nước mắm ngon sau khi chan lên một muỗng mỡ tỏi. Bánh tráng cuộn rau sống, chấm một phát nước mắm pha theo kiểu người Khmer, sẽ thấy “đời rất đẹp”!

Một tay bà chủ chăm lo cho món ăn từ khởi đầu cho đến khi khách thưởng thức. Ảnh: Tr.N

Hỏi ra mới hay con cá trích ăn sống này vừa cập bến cảng lúc 10 giờ sáng sau một đêm dân câu đi dong thuyền ngoài biển. 10 giờ sáng, bà chủ chạy xe máy ra cảng, chở một giỏ cần xé cá tươi theo đúng yêu cầu của mình về. Chị lại tạt ngang chành xe, chở thêm một thùng hải sản của Hà Tiên do chồng gửi vô. Rồi cả quán lụi hụi làm cá, rửa ốc, sửa soạn tới đúng 3 giờ thì mở cửa đón khách. Quán 60 cái bàn, có tới 30 nhân viên nhưng món nào cũng phải qua tay bà chủ để “chắc ăn là ngon”, vì “ở đây khách mà chê thì tui không tính tiền nguyên cái bàn luôn” - chị chủ cười, nói.

Tại lễ hội ẩm thực dân gian ĐBSCL do cuộc thi Chiếc Thìa Vàng tổ chức, gỏi cá trích của quán nhà này cạnh tranh ngang hàng với bếp trưởng của những nhà hàng năm sao, những khách sạn hạng sang để mang về giải thưởng “Món ăn được yêu thích nhất”. Vừa lên nhận giải xong thì chị chủ quày quả chạy về, bảo: “Đang nóng ruột quá, khách giờ này đang đông, không có mình không biết có chuyện gì không thì tiêu”.

Bán quán một mình

Chị Ngọc Hòa ở xứ Hà Tiên, sau khi lấy chồng thì mở một quán nhỏ bán gỏi cá trích và mấy món nhậu linh tinh cho cư dân xứ biển này phụ chồng nuôi con đi học. Cho tới một ngày cậu con trai của chị cầm tờ giấy báo trúng tuyển ĐH Bách khoa TP.HCM thì chị ngất xỉu. Xỉu vì mừng, không dè con mình có cái cơ hội này. Nhưng cũng xỉu vì lo, không biết lấy gì nuôi nó đi học ở cái xứ vừa xa vừa mắc là Sài Gòn. Tính tới tính lui, chị quyết định làm liều, xách giỏ vào Rạch Giá để kiếm tiền nuôi con đi học.

“Có người quen gốc Hà Tiên cho thuê lại căn nhà trống ở Rạch Giá. Lúc đầu nói giá 3 triệu đồng, tui năn nỉ thôi 2 triệu đi, cho tui còn có đường làm ăn chút. Tới nơi thì thấy trống trải quá. Xung quanh cũng không có bao nhiêu nóc nhà, dù cách trung tâm Rạch Giá đâu có bao xa. Nhưng cũng không biết làm gì hơn nên thôi kệ, cứ cố mà làm…” - chị kể lại.

Vậy là quán gỏi cá trích ra đời. Một mình người phụ nữ này 5 giờ sáng thức dậy, chạy ra cảng kiếm coi món gì tươi ngon nhất thì mua mỗi thứ một, hai con mang về sơ chế. Xong chạy qua chợ lựa từng con ốc, con sò và mua mỗi thứ nửa ký lô. Tới 10 giờ thì lại chạy ra cảng chờ ghe cá trích về, lựa kỹ thiệt kỹ thì được 2 kg cá trích. Đánh vật với mớ bàn ghế, tự mình đóng lại cây đinh, sửa lại cái mái che… thì đến 1 giờ trưa mở cửa quán.

“Quán mới mà nên còn khách là còn mở cửa. Thường thì 3 giờ sáng là hết khách. Dọn dẹp vô xong thì tui đi lụm lại hết mớ vỏ ốc, vỏ sò, đem ngâm nước rồi ngồi rửa cho thiệt sạch. Xong để khô, lấy keo ngồi dán lại cho giống còn mới, đem trưng bày ra phía trước, để người ta thấy thì tưởng mình bán lớn, có nhiều đồ ăn tươi, chớ người ta biết mỗi ngày bán có nửa ký, một ký thì ai mà thèm ghé…” - vừa nướng con cá bã trầu cho khách chị vừa kể.

Hai năm trời, mỗi ngày chị ngủ chừng hai, ba tiếng đồng hồ gì đó trên cái ghế bố không thể xoay trở người gì hết. Nằm ngủ, tay ôm chặt cái túi tiền. Nghe mưa rớt trên mái tôn thì sợ lắm…

Khách chê là không tính tiền

Đồ ăn tươi ngon, bà chủ nhiệt tình, chẳng mấy chốc mà quán có nhiều khách. Và tất nhiên cũng có các quán khác mọc lên xung quanh. Chị Hòa nghĩ mình làm trước, không thể bị mất khách được. Vậy là chị đi “do thám” tình hình của mấy quán kia. “Thấy người ta bán rẻ hơn mình, suy nghĩ dữ lắm. Sau đó quyết định không giảm giá mà tăng thêm lượng thức ăn cho khách. Thỉnh thoảng tặng kèm mấy món độc chiêu. Rồi nhớ ra mình còn ông chồng đang làm thợ xây ngoài Hà Tiên. Vậy gọi điện thoại kêu ổng ráng dậy sớm, khoảng 4 giờ sáng chạy ra bãi, thấy con gì ngon nhất thì mua xong gửi xe vô cho mình”.

Chị kể người ta đồn về quán cũng nhiều. Khách từ Hà Nội vô ăn cũng có, khách từ Cà Mau cũng có luôn. “Có lần nguyên một bàn toàn khách nói giọng Bắc nhưng không gọi món gỏi cá trích. Mình chạy tới chào hỏi, giới thiệu để người ta thưởng thức đặc sản Rạch Giá mà người ta không chịu kêu món. Mình nghĩ cái “đạo” đãi khách phương xa vậy là không được nên tự vô trộn một dĩa thiệt là bự đem ra mời khách, không tính tiền luôn. Họ ăn thấy được, khen là mình vui. Ai có dè họ về giới thiệu dữ lắm, thành ra giờ mới có chuyện ngày nào cũng có xe du lịch đậu dài dài quanh quán, khách du lịch tới ăn cũng đông dữ lắm…” - bà chủ miệt vườn này tự áp dụng rất thành công cách thức chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, bởi chị bán hàng bằng hết cái tình của người nấu ăn…

TRẦN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm