Thông tin trạm BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 (đoạn từ cầu Sài Gòn đến ngã ba Trạm 2 cũ và từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn) bắt đầu thu phí từ ngày 1-4 đã thu hút sự quan tâm của người dân. Theo đó, nhiều ngày nay chủ phương tiện của các hộ dân dọc tuyến xa lộ Hà Nội đã tích cực tới đăng ký để được giảm giá vé khi qua trạm này.
Hỗ trợ người dân đăng ký giảm giá vé
Theo ghi nhận của PV, những ngày qua rất nhiều người dân đến gặp cán bộ địa phương để tìm hiểu về phương án giảm giá vé cho các chủ phương tiện thuộc đối tượng giảm giá khi qua trạm BOT xa lộ Hà Nội.
Chính vì vậy, khi chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) thực hiện chủ trương giảm giá vé của UBND TP, nhiều hộ dân đã tới đăng ký và dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC).
Sau 10 năm triển khai, ngày 1-4 tới, trạm BOT xa lộ Hà Nội sẽ tiến hành
thu phí. Ảnh: HOÀNG GIANG
Anh Ngô Quốc Thái ở TP Thủ Đức chia sẻ: “Chủ đầu tư đã có chính sách giảm giá cho người dân dọc tuyến đường xa lộ Hà Nội cũng là thông tin đáng mừng, đặc biệt là trong mùa dịch COVID-19. Với tần suất đi lại của gia đình, cộng với chính sách giảm giá của chủ đầu tư thì mỗi năm tôi cũng được giảm vài triệu đồng. Đầu tư và thu phí là điều hiển nhiên, bởi sớm hay muộn họ cũng phải thu phí để thu hồi vốn”.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Tổng giám đốc CII, cho biết: “Để người dân nắm được thông tin, hưởng ưu đãi, CII đã phối hợp với UBND TP Thủ Đức và UBND 11 phường ở khu vực này. Từ đó tiếp nhận, tuyên truyền vận động người dân đăng ký giảm giá vé qua trạm và dán thẻ ETC. Người dân có thể đến đăng ký trực tiếp với phường và phía chủ đầu tư là CII”.
Theo ông Thành, công ty đã điều động nhân viên chia thành hai tốp, làm việc từ sáng tới chiều tại các phường để hỗ trợ chủ phương tiện. Trường hợp người dân không chạy xe tới đăng ký được có thể làm thủ tục đăng ký trước rồi dán thẻ sau ngay tại khu vực trạm thu phí hoặc dưới các chung cư trên đường song hành xa lộ Hà Nội.
Hiện nay UBND 11 phường vẫn đang tiếp tục thống kê danh sách các đối tượng được giảm giá. Sau đó gửi dữ liệu về CII để đồng bộ trên toàn hệ thống thu phí. Bên cạnh đó, CII sẽ bắt đầu bán vé tháng, vé quý và nhận đăng ký tại văn phòng trạm thu phí, đồng thời hỗ trợ tối đa để giao thông qua trạm được thuận tiện.
Mở đường cho nhà đầu tư
Anh Nguyễn Văn Hường, tài xế taxi trên địa bàn TP Thủ Đức, cho biết nhiều năm nay xa lộ Hà Nội đã rộng mở, tình trạng kẹt xe đã giảm hẳn, tạo điều kiện đi lại cho người dân và phát triển kinh tế.
“Sau nhiều năm chủ đầu tư triển khai đầu tư và người dân cũng đang hưởng lợi từ dự án này thì việc phải trả một khoản phí cũng là tất yếu” - anh Hường nói.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho rằng khi doanh nghiệp đầu tư một dự án thì việc thu hồi vốn là một điều tất yếu. Theo đó, Nhà nước cần căn cứ vào hợp đồng để tiến hành thu phí theo kế hoạch, việc chậm thu cũng sẽ ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp và người dân. Từ đó, khuyến khích được nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các dự án khác của TP.
“Tôi thấy rằng doanh nghiệp chủ động hỗ trợ, giảm giá cho người dân và doanh nghiệp trong mùa dịch COVID-19 là rất có thành ý. Từ đó sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân” - ông Hỷ đánh giá.
Tương tự, ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cầu đường cảng TP.HCM, cho rằng dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đã được đầu tư từ rất lâu và nay mới bắt đầu thu phí. Việc thu phí này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đầu tư và thu hút các nhà đầu tư khác vào nhiều dự án ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Tất nhiên, nếu triển khai thu phí càng chậm thì người chịu thiệt cũng là người dân, bởi càng chậm thu phí thì thời gian thu phí càng kéo dài.•
10 năm thực hiện dự án Dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn có tổng chiều dài 15,7 km. Dự án được đầu tư từ năm 2010, dự kiến ngày 1-2-2018 tiến hành thu phí. Dự án sẽ thu phí đoạn xa lộ Hà Nội (từ cầu Sài Gòn đến ngã ba Trạm 2 cũ) chiều dài 11,5 km; đoạn quốc lộ 1 (từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn) chiều dài 4,2 km. Sau 10 năm thực hiện, ngày 1-4 tới, chủ đầu tư mới tiến hành thu phí. Chia sẻ về 10 năm nỗ lực hoàn thành dự án, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng giám đốc CII, cho biết từ năm 2012 toàn bộ trục chính xa lộ Hà Nội đã được đưa vào khai thác, song chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành thu phí. Nguyên nhân là do hai đường song hành chưa hoàn thành 100% vì TP chưa bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, một số đoạn bị chồng ranh với một số dự án khác như tuyến metro số 1, dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2 và dự án tuyến ống truyền dẫn nước sạch D2400… Theo đó, hai bên đường song hành đành phải tạm ngưng thi công, tránh bị đào xới nhiều lần, trùng lặp, lãng phí. “Do chậm kế hoạch thu phí nên mỗi tháng CII phải thanh toán 40 tỉ đồng cho các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, các chi phí bảo trì, duy tu toàn tuyến trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm khoảng 50 tỉ đồng. Mặc dù chậm thu phí so với kế hoạch song CII vẫn chấp nhận, cùng góp sức mình với Nhà nước để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế” - bà Trâm chia sẻ. |