Người dân Hà Nội thấp thỏm sống trong chung cư cũ

(PLO)- Đã hơn 20 năm từ khi Hà Nội có chủ trương cải tạo chung cư cũ nhưng đến nay việc triển khai vẫn rất chậm. Trong khi đó các khu nhà ngày một xuống cấp, gây mất an toàn cho người dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành công văn gửi các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực hiện Luật Nhà ở 2023, Nghị định 98/2024 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Trong đó, bộ đề nghị các tỉnh, TP thực hiện ngay các giải pháp để di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp, thuộc diện phải phá dỡ theo quy định. Tại Hà Nội, dù đã có chủ trương cải tạo chung cư cũ từ nhiều năm trước, song đến nay việc triển khai mới chỉ đạt 1,14%.

Nguy hiểm rình rập

Khu tập thể A2, phường Thành Công, quận Ba Đình là một trong 80 chung cư/nhà tập thể cũ trên địa bàn phường Thành Công được xây dựng vào khoảng năm 1980. Khu nhà này đã có thâm niên gần nửa thế kỷ và hiện đã xuống cấp khiến người dân sống tại đây rất bất an.

Bà Chu Thị Hà, sống tại khu tập thể A2 phường Thành Công (quận Ba Đình), cho biết tính đến nay gia đình đã sinh sống tại khu nhà tập thể này hơn 45 năm. Nhiều năm nay, khu tập thể đã xuống cấp với nhiều mảng tường bị bong tróc, thậm chí có nhiều đoạn bê tông còn hở cả lớp rỉ sét bên trong khiến bà Hà rất lo lắng, nhất là khi có mưa bão.

Biết TP có chủ trương cải tạo, xây mới lại chung cư cũ, bà Hà cũng như người dân tại khu tập thể này mong muốn nơi đây cũng sớm được cải tạo để người dân an tâm sinh sống.

Cũng trên địa bàn phường Thành Công, khu tập thể G6A có tên trong danh sách chung cư cũ xuống cấp ở mức nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp theo quyết định của TP từ năm 2018. Đa phần người dân trong nhà tập thể này đã được di dời đến nơi tạm cư để chờ nhà tập thể này được xây lại để trở về nhưng đã sáu năm nay mà vẫn chưa biết khi nào được trở về. Một số hộ dân đang ở lại do chưa thỏa thuận được các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì vẫn sống trong thấp thỏm.

Chung cư cũ
Khu nhà tập thể A Ngọc Khánh, quận Ba Đình nằm trong cấp độ nguy hiểm. Ảnh: MINH TRÚC

Trước cơn bão số 3 vừa qua, lực lượng chức năng địa phương đã phải hỗ trợ di chuyển các hộ còn sinh sống tại khu tập thể này đến khách sạn trên địa bàn để tránh bão.

Tương tự, khi cơn bão số 3 đổ bộ vào khu vực miền Bắc (tối 6-9), quận Hoàng Mai đã di dời 48 hộ dân với 160 nhân khẩu ra khỏi khu tập thể A7 (phường Tân Mai) nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Khu tập thể này được xây dựng từ năm 1984, hiện đơn vị quản lý tòa nhà đã cho lắp hệ thống giàn giáo thép nhằm gia cố, chống đỡ tạm thời nhưng nguy cơ đổ sập rất lớn, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân.

Vướng mắc lớn nhất là thiếu cơ sở pháp lý và lực lượng tư vấn lập quy hoạch hiện còn mỏng. Một số đơn vị tư vấn trình độ hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong trình tự điều chỉnh quy hoạch các khu chung cư cũ có việc lấy ý kiến của người dân. Tuy nhiên, ý kiến của người dân thường thiếu đồng thuận do khung giá bồi thường cũng như chính sách tái định cư còn chưa được rõ ràng.

Ông ĐÀO NGỌC NGHIÊM,
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Tính, sinh sống tại tập thể A7 Tân Mai đã gần 20 năm, chia sẻ mỗi ngày bà đều phải sống trong lo sợ vì dãy nhà bà đang ở có thể đổ sập bất cứ lúc nào. “Ở như vậy tôi cũng sợ lắm, nhà còn có cháu nhỏ. Chỉ hy vọng chính quyền địa phương quan tâm xây dựng cải tạo lại để người dân yên tâm sinh sống”.

Trao đổi với PV, ông Triệu Hải Vân, Bí thư Đảng ủy UBND phường Tân Mai, cho biết qua kiểm tra khu tập thể A7 Tân Mai đang thuộc nhóm nguy hiểm cấp độ C. Hiện nay, phường đã có báo cáo quận Hoàng Mai báo cáo lên Sở Xây dựng và TP để đưa vào kiểm định.

Còn rất nhiều điểm nghẽn

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng TP Hà Nội), cho biết công tác cải tạo chung cư, nhà tập thể cũ trên địa bàn thủ đô vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn.

“Nút thắt” hiện đang gặp phải ở bốn nội dung chủ yếu liên quan đến cơ sở pháp lý lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; lựa chọn chủ đầu tư; chi phí lập quy hoạch tổng mặt bằng và hệ số K bồi thường khi thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Về tiến độ lập quy hoạch chi tiết, vốn là tiền đề quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công đoạn phía sau, TP đã giao nhiệm vụ cho UBND các quận, huyện nơi có nhà chung cư cũ chủ trì lập, trình thẩm định quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng và phương án kiến trúc làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư dự án.

“Tuy nhiên, đến quý II-2024, tiến độ triển khai chậm so với kế hoạch, chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, chưa có khu, nhà chung cư nào được phê duyệt quy hoạch. Việc kiểm định các nhà chung cư đạt khoảng 47%” - ông Minh cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở QH-KT TP Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết với bốn đợt thực hiện. Sở này đã có các văn bản hướng dẫn, đôn đốc UBND các quận có nhà chung cư cũ. Tuy nhiên, hiện tại tiến độ còn khá chậm, mới chỉ có nhiệm vụ quy hoạch khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) gửi về sở lấy ý kiến trước khi trình UBND TP phê duyệt.

Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ

Theo kết quả rà soát năm 2020, trên địa bàn Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ, được xây dựng từ những năm 1960 đến 1992, tập trung tại khu vực bốn quận nội thành cũ. Trong quá trình sử dụng, các hộ dân đã tự cơi nới, sửa chữa gây mất mỹ quan đô thị.

Bên cạnh đó, do không được sửa chữa, bảo trì thường xuyên, nhiều nhà chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng. Một số nhà hư hỏng nặng, mức nguy hiểm thuộc cấp độ D, buộc phải phá dỡ để xây dựng lại như nhà C8 khu tập thể Giảng Võ, G6A khu tập thể Thành Công, nhà A khu tập thể Ngọc Khánh, khu tập thể Bộ Tư pháp...

Từ năm 1999, Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ cải tạo chung cư cũ, với mục tiêu sẽ xóa dần các khu chung cư cũ. Năm 2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành đề án thực hiện với lộ trình cụ thể từ năm 2021. Tuy vậy, theo báo cáo của Sở Xây dựng, công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đến hết năm 2023 mới chỉ đạt 1,14% kế hoạch với 19 khu được triển khai cải tạo, xây dựng lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm