Người dân TP.HCM sắp được đi xe buýt điện

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất mở mới 5 tuyến xe buýt điện trên địa bàn TP. Đề xuất này dựa trên kết quả nghiên cứu, tham khảo quá trình triển khai mở thí điểm các tuyến xe buýt điện ở Hà Nội.

Cụ thể, sẽ có 5 tuyến xe buýt điện gồm tuyến VB01 có lộ trình từ VinHome Grand Park - Trung tâm thương mại Emart (cự ly tuyến bình quân 27 km). Tuyến VB02 có lộ trình VinHome Grand Park - Sân bay Tân Sơn Nhất (cự ly tuyến bình quân 30 km). Tuyến VB03 từ VinHome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn (cự ly tuyến bình quân 29 km).

Tuyến VB04 xuất phát từ VinHome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới (cự ly tuyến bình quân 8,5 km). Tuyến VB05 xuất phát từ Bến xe Miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc Gia (cự lỵ tuyến bình quân 10 km).

xe-buyt-dien
Dự kiến sẽ có 77 xe, phục vụ 55 tuyến xe buýt điện hoạt động ở TP.HCM từ Quý I-2022.

Các tuyến xe buýt điện nêu trên sẽ sử dụng sáu điểm đầu cuối tuyến. Trong đó có năm điểm đầu cuối tuyến hiện hữu đang phục vụ hoạt động của xe buýt, bao gồm: Bến xe buýt Sài Gòn, bãi hậu cần số 1, sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe buýt Ký túc xá B Đại học Quốc Gia, bến xe Miền Đông mới.

Đối với điểm đầu cuối tuyến trong khu dân cư VinHome Grand Park, Công ty Vinbus sẽ đầu tư xây dựng bến bãi với diện tích 2.000 m. Bao gồm 20 vị trí lưu đậu phương tiện và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ hoạt động của các tuyến xe buýt điện.
Về điểm dừng đón, trả khách: Các tuyến xe buýt điện nêu trên sẽ sử dụng các điểm dừng xe buýt hiện hữu để đón trả khách. Đồng thời, bổ sung thêm một số điểm dừng đón trả khách cho xe buýt trên các đoạn đường chưa có xe buýt phục vụ.
Ngoài các trạm dừng hiện hữu dọc theo hành trình tuyển sẽ bổ sung thêm 9 điểm dừng mới để phục vụ hoạt động của các tuyến xe buýt này.
Đoàn phương tiện hoạt động trên 5 tuyến xe buýt nêu trên đều là phương tiện sử dụng năng lượng sạch (điện năng) không phát khí thải ra môi trường và hạn chế được tiếng ồn của động cơ, phù hợp với mục tiêu phát triển TP văn minh, hiện đại.
Dự kiến số lượng đầu tư dự kiến là 77 xe, sức chứa phương tiện từ 65 đến 70 chỗ đứng và ngồi. Đối với các tuyến VB01, VB02, VB03 có giá 7.000 đồng/lượt hành khách thường và 3.000 đồng/lượt học sinh, sinh viên; 157.500 đồng/tập 30 vé.
Các tuyến VB04, VB05 có giá 5.000 đồng/lượt hành khách thường; 3.000 đồng/lượt học sinh, sinh viên; 112.500 đồng/tập 30 vé.
Tỉ lệ trợ giá chi phí trong thời gian thí điểm là 44,1% chi phí hoạt động.

Nhà đầu tư dự kiến sử dụng vé điện tử và đầu tư trung tâm điều khiển, phần mềm quản lý trực tuyến, giám sát tài xế... trên các tuyến. Dự kiến, tuyến xe buýt điện đầu tiên sẽ đi vào hoạt động thí điểm từ quý I-2022.

Đối với đề xuất này, Sở GTVT TP cho biết đa phần các sở ngành đều ủng hộ nhằm góp phần giảm ô nhiễm môi trường, đa dạng hoá phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng sạch.

Sở GTVT TP cũng yêu cầu ngoài việc đặt điểm đầu, điểm cuối nằm trong khu vực VinHome Grand Park, chi phí đầu tư xây dựng bãi đỗ trạm sạc do Công ty Vinbus thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm