Người thầy đáng kính ấy tên là Lê Văn Nam, 53 tuổi, ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa, Phú Yên). Bị liệt hai chân khi mới năm tuổi, 14 tuổi lại mồ côi cha, thầy bắt đầu sự nghiệp gieo chữ khi vừa bước vào tuổi 19. Vậy mà cái lớp học tình thương ấy của thầy lại tồn tại và duy trì suốt 34 năm qua…
Người thầy đầu tiên ở xóm Rớ
Xóm Rớ, một làng chài nghèo ven biển ở phường Phú Đông với nhiều ngôi nhà lụp xụp, xiêu vẹo, cuộc sống người dân phụ thuộc vào những chuyến đi biển bấp bênh. Ngư dân ai cũng muốn sinh nhiều con, đặc biệt là con trai, để có người đi biển. Gánh nặng đông con, ăn còn không đủ nên chẳng ai dám mơ đến việc cho con đi học. Vì thế, những đứa trẻ xóm Rớ đa phần đều thất học.
Vốn là người khát khao con chữ nhưng phải bỏ học nửa chừng để mưu sinh nên chàng trai trẻ tật nguyền Lê Văn Nam sớm hiểu những đứa trẻ nghèo quê mình cũng rất cần con chữ để vào đời. Sau bao lần trăn trở, đến năm 1979, khi mới 19 tuổi, Nam mở lớp dạy chữ cho những trẻ em nghèo. “Thời đó, ngư dân những làng chài ven biển miền Trung, trong đó có xóm Rớ này, ít ai quan tâm đến chuyện học hành. Bọn trẻ đầu trần chân đất, nước da đen nhẻm, tóc khét nắng, không biết lấy một chữ. Nhìn cảnh bọn nhóc suốt ngày lang thang vơ vẩn ngoài bãi, tôi rất xót xa nên quyết tâm đem cái vốn chữ ít ỏi của mình để truyền dạy cho chúng” - ông Nam kể.
Thầy giáo làng Lê Văn Nam bên lớp học tình thương đặc biệt của mình. Ảnh: BÀNG NGUYỄN
Ông Đinh Tia, Trưởng khu phố 6, phường Phú Đông, nhớ lại: “Lớp học của thầy Nam tạm bợ trong căn nhà tranh của thầy. Chiếc bảng nhỏ là tấm ván do hàng xóm cho, còn bàn ghế thì xin gỗ vụn từ những chiếc thuyền đã hỏng về làm. Giáo án thầy Nam dạy là mấy quyển sách giáo khoa mượn lại của các thầy cô ở địa phương. Lúc đầu để vận động các em tham gia lớp học, thầy phải lê chân trên đôi nạng gỗ đến từng nhà để thuyết phục từ phụ huynh cho đến các cháu. Bởi vậy lớp học khi đó trông lèo tèo, lác đác đến thương”.
Học phí ở lớp học đặc biệt này thì tùy vào lòng hảo tâm của phụ huynh nhưng đa phần đều miễn phí, bởi hầu như ai cũng nghèo. Sau mỗi chuyến đi biển, bà con ngư dân lại mang đến cho thầy con cá, bó rau, củ sắn. Vậy là đủ. Hoặc cũng có người góp công vào việc tu sửa lớp học sau mỗi trận bão…
Hoa xương rồng trên cát
Ở lớp học của mình, thầy Nam không chỉ dạy chữ mà còn tâm sự, chia sẻ với các em về vùng quê nghèo khó của mình, về cuộc sống cơ cực của ngư dân để các em chăm chỉ học hành. Nhờ vậy, các em nhỏ đều thích thú đến lớp và siêng năng học tập. Chị Đoàn Xuân Linh, một phụ huynh ở xóm Rớ, nói: “Thầy Nam dạy rất hay, con tôi mới bốn tuổi nhưng đã có thể đọc chữ và biết làm toán cộng trừ. Anh nó cũng từng học thầy Nam, khi lên lớp 1 học rất tốt, được các thầy cô ở trường tiểu học đánh giá cao”.
Cứ thế, thầy Nam miệt mài đứng lớp mấy chục năm nay, hết lớp này đến lớp khác, danh sách học trò của thầy cứ tăng theo thời gian. “Số lượng bây giờ gần 100 em, tôi phải chia ra làm hai buổi dạy sáng và chiều. Không chỉ những em ở phường Phú Đông mà còn có những em ở các phường lân cận được phụ huynh đưa đến học” - thầy Nam chia sẻ.
Hơn 30 năm âm thầm gieo những con chữ đầu đời cho trẻ nghèo làng biển, bản thân thầy giáo Nam cũng không nhớ mình đã dạy cho bao nhiêu học trò. Thầy chia sẻ: “Dù không được đào tạo sư phạm, không như một người thầy đúng nghĩa nhưng cứ đến ngày 20-11 hay lễ, tết nhiều em thường đến thăm tôi. Có những em nay đã là giám đốc, kỹ sư… Đó là niềm an ủi và khích lệ lớn trong cuộc đời gõ đầu trẻ của tôi”.
Không ít học trò của thầy Nam giờ đã thành tài nhưng cái ơn thầy Nam trong họ vẫn chưa bao giờ phai nhạt. Anh Nguyễn Công Trứ, giảng viên Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên, nói: “Có được những gì hôm nay tôi không quên ơn thầy. Không chỉ là người thầy đầu tiên, thầy Nam còn như người anh đỡ đầu giàu tình nghĩa với những đứa trẻ vùng biển chúng tôi”.
Tương tự, anh Võ Văn Tân, tốt nghiệp kỹ sư hóa ở TP.HCM, hiện là trưởng phòng Kiểm định Công ty Caphe Control (TP.HCM), nhớ lại: “Ngoài con chữ, từ nhỏ thầy đã dạy tôi nhiều điều về đạo đức, về cách sống làm người. Nhà nghèo, có những lúc tôi muốn buông xuôi, bỏ học nhưng luôn được thầy động viên, khuyên bảo, thậm chí cả đánh đòn. Thành đạt hôm nay tôi càng thấm thía lằn roi đầu đời mà thầy Nam từng dành cho tôi”.
Hiện nay, lớp học của thầy Nam đã được xây lại tương đối khang trang bằng số tiền ông tích góp bấy lâu nay và sự giúp sức của bà con. Cuộc sống gia đình thầy Nam được ổn định nhờ nguồn thu nhập từ máy ép nước mía và tiền công đan lưới của vợ thầy.
Những ngày tháng 4, vùng biển xóm Rớ đầy nắng gió, những đụn xương rồng vẫn chòi lên từ những triền cát mênh mông. Giữa cái mênh mông, khắc nghiệt của thiên nhiên ấy, thầy giáo làng Lê Văn Nam vẫn tiếp tục âm thầm viết nên câu chuyện gieo chữ cho những đứa trẻ ở làng biển nghèo. “Tôi thương các cháu bằng tình thương từ đáy lòng nên cố gắng giúp các cháu biết chữ để dễ bề tiếp nhận tri thức đặng bước vào đời” - thầy Nam nói.
Quyết tâm bám trụ trường xa Từ năm 2002 đến nay, cô Đỗ Thị Tình, giáo viên Trường Tiểu học Phước An (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), hằng ngày vượt hơn 6 km đường đất đến với phân điểm của trường tại ấp Sóc Dày (xã Phước An) để dạy chữ cho con em nghèo đồng bào S’Tiêng. Lớp học của cô nằm ở khu vực xa xôi và khó khăn nhất của xã Phước An. Số lượng học sinh vỏn vẹn chưa đầy 20 học sinh/lớp/năm. Các em chủ yếu có độ tuổi lớp 1, lớp 2 nhưng cũng có em đáng tuổi học lớp 4, lớp 5 vẫn đến lớp theo học, tìm con chữ. Nhưng suốt 10 năm qua, ngày mưa cũng như ngày nắng, trên chiếc xe máy cũ, cô Tình không quản ngại khó khăn để đến với lớp học. Một tiết học trong lớp cô Tình giảng dạy. Ảnh: ANH PHÚ Cô Tình cho hay để học sinh không bỏ học giữa chừng, ngoài việc thường xuyên đến từng gia đình vận động, một tháng vài ba lần cô còn phải mang kẹo bánh, đồ ăn vặt, quần áo… đến lớp để phát cho các em nhằm khích lệ tinh thần. “Hầu hết nhà các em đều khó khăn, gia đình không muốn cho đi học để ở nhà phụ việc kiếm sống. Nhiều em còn nhỏ chút mà đã phải phụ cha mẹ đi mót mủ cao su để kiếm tiền, không được đi học. Cũng có em đã theo học được một thời gian nhưng vì gia đình nghèo, đường đến trường lại quá xa nên bỏ học. Vì vậy mình phải nghĩ cách để các em đến lớp…” - cô Tình chia sẻ. Cô Tình kể ngoài mình ra trước đây còn có một số giáo viên trẻ khác cũng được phân công về đây dạy. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều giáo viên trẻ không chịu được cái khó, đường đến trường xa xôi, học sinh thưa thớt nên đã xin chuyển công tác, chỉ có cô Tình quyết tâm bám trụ. Nhờ sự nỗ lực của cô trong suốt nhiều năm qua, đến nay không ít học sinh của cô nay đã bắt đầu bước vào trung học phổ thông, nhiều em đã bước vào lớp học cuối cấp, chuẩn bị dự thi CĐ, ĐH. ANH PHÚ |
BÀNG NGUYỄN