Người hùng trên biển Cần Giờ

Ngôi nhà ngói ba gian của gia đình anh Hiệp nằm thu mình dưới chân núi Thạch Long (Thạch Thành, Thanh Hóa) giờ đây đã trở nên tĩnh mịch, lắng đọng. Nhưng chứa đựng niềm tự hào của gia đình xen lẫn cùng với nỗi đau, mất mát đến nghẹt thở khi nhắc về anh. 

Anh Trần Hữu Hiệp được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân huy chương…cao quý.

Ông Lê Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Long tự hào khi kể về anh Hiệp: “Sinh ra trong một gia đình đông con nghèo khó, từ ấu thơ đã nuôi dưỡng Hiệp sớm tự lập, hiền lành, luôn giúp đỡ người khác. Và trước khi có hành động dũng cảm cứu người trong vụ đắm tàu ở Cần Giờ vào ngày 2-8-2013, anh Hiệp đã từng cứu nhiều học sinh lớp 4 trong một lần đi học về qua cánh đồng ở quê mình cũng vào tháng Tám. Mùa nước lũ tràn về từ thượng nguồn sông Bưởi, khiến cánh đồng biến thành biển nước”.

Ký ức người mẹ

Đôi bàn tay run rẩy xoa vào nhau chai sần, ánh mắt trũng sâu giữa đôi gò má sạm đen sau bao nhiêu năm lăn lộn với ruộng đồng, nắng gió và bệnh tật. Bà Nguyễn Thị Thìn nhìn chúng tôi, nở nụ cười héo hắt rồi mời vào nhà. Căn nhà ba gian đã xuống cấp nhưng chứa đựng niềm tự hào của gia đình bà Thìn với nhiều huân chương, bằng Tổ quốc, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước… Đôi mắt thất thần khi nhìn di ảnh con trai Trần Hữu Hiệp, bà rưng rưng nghẹn lại khi nhắc đến con trai của mình.

Mẹ của liệt sĩ thường xuyên đau ốm kể từ sau khi anh Hiệp hy sinh.

Nhớ lại tuổi ấu thơ cho đến lúc liệt sĩ Hiệp về với cõi vĩnh hằng, bà Thìn bảo: “Đêm nào cũng vậy, cứ đặt lưng xuống là hình ảnh Hiệp lại ùa về, chập chờn trong giấc ngủ của tôi. Những ngày ấy bên gia đình dù rất nghèo nhưng hạnh phúc lắm! Hiệp là con thứ ba trong nhà, nhưng lúc nào cũng rất lo lắng cho bố mẹ. Em nó (Hiệp-PV), ngày ấy mới chỉ vào lớp một nhưng cứ nằng nặc đòi theo mẹ ra đồng đi làm. Thấy con mình còn nhỏ, đáng lẽ phải được ở nhà đi học và chơi với bạn cùng trang lứa. Nhưng, vì gia cảnh quá khó khăn, bản thân em nó lại biết thương mẹ vất vả, nên nhiều lúc không muốn cản con đi theo ra đồng. Cứ nghĩ đến thế thôi, tôi lại không thể nào cầm nổi nước mắt”.

Dường như bà Thìn không cầm nổi lòng mình, nên phải một lúc sau, trấn tĩnh lại, hớp một ngụm trà, bà kể tiếp: “Đến lúc em nó lớn lên, do hoàn cảnh khó khăn, anh trai cả đã phải nhường con đường học hành cho hai em, nên em nó bảo rằng, con không đi thi đại học vì tốn tiền, của và mất nhiều thời gian lắm, lại thêm vất vả cho bố, mẹ. Con xác định rồi, chỉ thi vào Trường Cao đẳng, học nghề để nhanh ra trường giúp bố mẹ. Thấy con cả quyết như vậy, vợ chồng tôi cũng tôn trọng ý kiến của con. Cái ngày em nó theo học ở trường Cao đẳng Hóa chất Phú Thọ cũng đã phải chịu cơ man vất vả. Ngày em nó ra trường, về đến nhà, thấy con chỉ vác mỗi chiếc ba lô sách vở và mặc một bộ quần áo trên người, tôi có hỏi, thì em nó bảo, đồ đoàn, quần áo… đều nhường lại cho những bạn cũng khó khăn như con mà chưa ra trường. Thấy em nó có lòng thương người như vậy, tôi đã phải bật khóc vì cảm động và thương con”. Ngồi nghe người mẹ khốn khổ này kể về những hình ảnh, kỷ niệm của con trai bà, khiến tôi cảm thấy nghèn nghẹn và cũng không thể cầm nổi lòng mình.

Ông Trần Hữu Trọng mỗi ngày đều đến thăm con trai-nơi anh Trần Hữu Hiệp yên nghỉ.

Trong câu chuyện của bà Thìn kể về liệt sĩ Hiệp cho tôi nghe, bà bảo rằng: "Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng, vì ở nhà không có tiền để xin việc, nên Hiệp quyết định vào thành phố Hồ Chí Minh để kiếm việc". Trong thời gian ấy, Hiệp đã phải đi bưng thuê, rửa bát mướn cho những quán phở. Thấy quá thương con, ông Trọng và bà Thìn đã nhiều lần viết thư, gọi điện động viên Hiệp về Bắc làm cho gần nhà, gần người thân.

“Thế nhưng cái số của em nó cứ long đong, lận đận mãi. Sau này công việc ở Hà Nội cũng bấp bênh nên em nó lại vào Đà Nẵng đi làm. Đến tháng 8-2011, em gái họ đi làm quen biết đã xin cho em nó vào làm việc cho Công ty ống Thép dầu khí Việt Nam tháng 8-2011. Những tưởng như thế là em nó có công ăn việc làm ổn định, nhưng không ngờ chỉ hai năm sau, em nó đã không còn” - bà Thìn nấc nghẹn.

Nỗi lòng của cha

Ngồi bên cạnh vợ, ông Trần Hữu Trọng thi thoảng lại quay mặt, gạt đi những giọt nước ứ đọng trong khóe mắt, ông bảo: “Kể từ ngày đi làm ở Công ty ống Thép dầu khí Việt Nam, em nó đã dành dụm tiền, tự mua cho mình một chiếc xe máy, rồi còn tích cóp để mang về sửa nhà cho bố mẹ. Vậy mà…”. 

Khi dẫn chúng tôi ra thăm mộ, thắp nhang cho liệt sĩ Trần Hữu Hiệp, người cha tội nghiệp, khắc khổ của anh không kìm được lòng mình, ông đã bật ra thành lời trước ngôi mộ của con trai. Ông bần thần, run rẩy cắm nén nhang lên mộ, rồi kể rằng; từ khi đưa Hiệp về đây, ngày nào ông cũng ghé qua mộ con, vì khu nghĩa trang ở gần nhà. Còn bà Thìn thì luôn đòi ra mộ con trai, nhưng ông Trọng và các con phải gạt đi, bởi bà thường xuyên đau yếu.

“Bà ấy mắc bệnh thoái hóa cột sống và hai đốt sống cổ, lại thêm bệnh thần kinh, chân tay run rẩy, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, nhất là từ khi em nó ra đi. Vì thế, tôi phải ngăn không cho bà ấy tự đi ra mộ con một mình rồi lại khóc thương con suốt ngày. Thôi thì cái số, mệnh của em nó chỉ ngắn ngủi vậy, nhưng đã được Đảng, Nhà nước ghi công, nên tôi tin ở dưới suối vàng, hương hồn em nó cũng thanh thản, siêu thoát chú ạ!”. Nói với chúng tôi xong, ông Trọng vội quay đi lau những giọt nước mắt đang lăn trên đôi gò má khô khốc.

Chia tay bố, mẹ liệt sĩ Hiệp, rời khỏi làng Long Khang trong chiều muộn rét căm căm, tôi thầm nghĩ, giữa sóng nước trùng khơi, lúc giành giật sự sống, thì anh Hiệp lại nhường cho người khác và nhận cái chết mười mươi về mình. Để rồi, hành động dũng cảm ấy của anh trở thành tấm gương ngời sáng cho hôm nay và cả mai sau. Trần Hữu Hiệp đã ra đi mãi mãi ở tuổi 25, nhưng lại nuôi dưỡng, làm nảy sinh thêm biết bao con người tốt đẹp như thế. Tổ quốc đã ghi công anh, mọi người đã ghi công anh- một con người đầy quả cảm và có lòng hy sinh cao cả. Và, tôi nhớ tới câu nói của người cha liệt Trần Hữu Hiệp khi đứng trước mộ anh rằng: “Tổ quốc ghi công con đấy, Hiệp ơi!”.

* Vào tối 2-8-2013, tàu H29-BP đang di chuyển đến vùng biển Cần Giờ - TP HCM đã bất ngờ gặp nạn. Vụ tai nạn khiến 9 người thiệt mạng. Trước khi hy sinh anh dũng, anh Trần Hữu Hiệp đã dũng cảm nhường áo phao cứu nhiều người thoát chết. Với nghĩa cử cao đẹp ấy anh được Tổ quốc ghi công, công nhận liệt sĩ và trở thành gương điển hình của Thanh niên Việt Nam.

Bài, ảnh ĐẶNG TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới