Điều ấy đòi hỏi Nhà nước luôn phải đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng nhanh nhạy, chính xác và kịp thời cho công luận.
Không thể phủ nhận rằng: Chính phủ qua nhiều nhiệm kỳ đã nỗ lực thực hiện công khai, minh bạch thông tin, dẫu cho ở một số thời điểm, không phải lúc nào nỗ lực ấy cũng được đền đáp một cách xứng đáng.
Quốc hội bằng chức năng lập pháp của mình đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin, mở đường cho một tập quán văn minh là: Người dân có quyền yêu cầu Nhà nước, chủ thể hoạt động bằng tiền thuế của dân phải cung cấp thông tin theo yêu cầu của chủ thể thực sự của quyền lực. Ở luật quan trọng này, cơ chế khiếu nại, khởi kiện được quy định khá chi tiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc từ chối cung cấp thông tin hợp pháp trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó, năm 2013, quy chế phát ngôn được ban hành đã tạo được một cơ sở pháp lý ban đầu cho việc buộc các cơ quan hành chính nhà nước phải tuân thủ nghĩa vụ cung cấp thông tin. Điều đáng mừng là quy chế đó đã tường minh chế tài đối với việc vi phạm cung cấp thông tin. Theo đó, những tổ chức, cá nhân vi phạm quy chế sẽ “tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Trong nỗ lực thể chế hóa, nâng cao hiệu quả pháp lý về vấn đề phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 09/2017 về vấn đề này. Điểm mới nhất trong nghị định này có lẽ là quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong những trường hợp đột xuất, bất thường. Điều này đặt kỳ vọng cho việc báo chí sẽ có được những thông tin chính thống trong những trường hợp khẩn thiết, khi mà công luận và bạn đọc đang rất cần được biết, thay cho những kiểu “trướng rủ màn che” như thời gian qua.
Một vấn đề khác cũng được đặt ra là trong khi những chế tài xử phạt báo chí được áp dụng một cách nghiêm minh như đã thấy thì những chế tài đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân của Nhà nước lại rất mờ nhạt. Điều ấy phải chăng đang làm mờ đi nghĩa vụ cung cấp thông tin của Nhà nước, vốn là nghĩa vụ mặc nhiên đối với nhân dân? Và khi đó thiệt hại không phải chỉ dừng lại đối với nhà báo, cơ quan báo chí mà cái lớn hơn đó chính là quyền được biết của người dân. Đó cũng chính là lợi ích của Nhà nước trong việc điều tiết dư luận với nhiệm vụ quản trị xã hội của mình.
Sự giằng co giữa xu hướng bí mật và công khai thông tin thì thể chế nào cũng có. Nhưng đối với một nhà nước của dân, do dân và vì dân thì xu hướng công khai thông tin cần phải được coi là xu hướng chủ đạo, thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.
Khi đó báo chí mới thực sự trở thành công cụ giám sát không chỉ của Nhà nước mà còn của cả xã hội.