Người Việt chưa tin Temu, vì sao?

(PLO)- Temu vẫn chưa lấy được lòng người tiêu dùng Việt do lo ngại về độ an toàn của hàng hóa, giá cả lẫn tính pháp lý...

Chỉ hai tuần, sau khi nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Temu "đổ bộ" vào Việt Nam, sàn này đã trở thành đề tài được thảo luận sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội (MXH).

Dù vậy, kết quả đo lường từ đơn vị nghiên cứu thị trường YouNet Media chỉ ra, hiện tại những trải nghiệm đầu tiên của người tiêu dùng Việt Nam với Temu, đa phần không mấy tích cực.

Lượng thảo luận về Temu tăng vọt

Theo số liệu từ SocialHeat, nền tảng lắng nghe MXH thuộc YouNet Media, từ ngày 25-9 đến 25-10, đề tài thảo luận về nền tảng Temu đã thu hút hơn 410 ngàn lượt tương tác từ hơn 7,1 ngàn bài đăng và 36,85 ngàn thảo luận trên các nền tảng MXH Việt Nam.

Đáng chú ý, ngày 22-10, Temu tiếp tục gây chú ý khi tung ra chương trình tiếp thị liên kết (Affiliate) với chiết khấu lên tới 30% cho người tiêu dùng tại Việt Nam.

Theo đó, chỉ trong ba ngày từ ngày 22 đến ngày 24-10, số lượng thảo luận về Temu tăng vọt hơn 400%, đạt trung bình 4,5 ngàn thảo luận mỗi ngày. Cứ 10 bình luận về Temu sẽ có 2 bình luận về chủ đề Affiliate.

“Thậm chí, nhiều người dùng MXH đã xem Affiliate của Temu là một trong những làn sóng kiếm tiền mới" - YouNet Media nói.

Dù vậy, theo nền tảng này, cùng với những bàn luận sôi nổi về cách kiếm tiền từ Temu, thì cũng không ít người dùng đã lên tiếng “cảnh tỉnh” rằng cơ hội này không “dễ ăn”, vì chỉ khi người được giới thiệu phải mua hàng thì người giới thiệu mới được rút tiền.

"Các bình luận như “Temu theo kiểu đa cấp, giới thiệu người lại ăn phần trăm người sau”, “rút được tiền hay không thì Temu không hề nói” đang nhận được sự tương tác cao từ người dùng Việt" - YouNet Media chỉ ra.

Bên cạnh đó, thống kê cho thấy 15% số thảo luận của người dùng MXH về Temu đã bày tỏ quan ngại về việc Temu chưa đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, kêu gọi cơ quan chức năng kiểm tra tính hợp pháp của sàn giá rẻ Trung Quốc này.

Người Việt chưa tin Temu

Cũng theo dữ liệu từ YouNet Media, trong top 5 các chủ đề thảo luận của người dân Việt Nam về Temu, đứng đầu là chương trình Affiliate trên Temu (chiếm 20,2%), tiếp đến là tính pháp lý của Temu tại Việt Nam (chiếm 15,18%).

Top 5 chủ đề bàn luận về Temu. ẢNH: YOUNET MEDIA

Đứng thứ ba là bàn luận về việc giá trên Temu không hề rẻ (11,34%), thứ tư là chính sách đổi trả của Temu phức tạp (7,07%) và thứ 5 là chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu (5,06%).

Cụ thể, YouNet Media chỉ ra, nhiều người tiêu dùng đã trải nghiệm và thẳng thắn đăng bài nhận xét rằng giá cả trên Temu không rẻ, thậm chí còn cao hơn Shopee.

Đồng thời, chất lượng sản phẩm kinh doanh trên Temu cũng bị nhiều người Việt tỏ ý nghi ngờ, nhất là khi nền tảng này không có Shop mall (nhà bán chính hãng) như các nền tảng đang có mặt ở Việt Nam.

Tháng 4, trang AFP cho hay, cơ quan chức năng Seoul (Hàn Quốc) đã có đợt kiểm tra và phát hiện mẫu dép bán trên Temu chứa lượng chì trong đế cao hơn giới hạn cho phép 11 lần.

Trên Shein, họ phát hiện mẫu giày chứa phthalate - hóa chất được sử dụng để làm cho nhựa dẻo hơn - cao hơn giới hạn 229 lần.

Hôm 15-10 vừa qua, Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng CHOICE (Australia) cũng công bố kết quả kiểm tra 15 món đồ chơi mua ngẫu nhiên trên Temu, hầu hết đều có nguy cơ tiềm ẩn từ pin đồng xu và pin cúc áo. Ngay sau đó, các sản phẩm lập tức bị Temu gỡ bỏ khỏi sàn. CEO CHOICE Ashley de Silva bày tỏ: "Kết quả này rất đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh nền tảng này ngày càng phổ biến".

Ngoài vấn đề chất lượng, người dùng cũng phản ánh về dịch vụ vận chuyển và đổi trả của Temu, cho rằng thời gian giao hàng chậm, quy trình đổi trả phức tạp.

Chính sách không hỗ trợ thanh toán khi nhận hàng cũng là điểm trừ, khi gần 5% thảo luận bày tỏ lo ngại về rủi ro bảo mật tài khoản khi cung cấp thông tin thẻ tín dụng.

"Với những phản hồi hiện tại, chúng tôi cho rằng Temu đang đối mặt với nhiều thách thức để giành được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam. Ngay cả khi affiliate đang hấp dẫn nhiều người dùng, thì số đông người Việt vẫn lo ngại về tính minh bạch" - đại diện YouNet Media nói.

Như đã đề cập, thời gian gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thu hút sự chú ý lớn của người tiêu dùng.Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết đến nay, các sàn kể trên vẫn chưa tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.

Để tăng cường quản lý nhà nước về thương mại điện tử, trong đó có các sàn này, ngày 26-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng.

Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tham mưu cho lãnh đạo bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Cục chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp. Tất cả các nhiệm vụ trên đều phải thực hiện trong tháng 10-2024.

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thương mại, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử.

9 tháng đầu năm 2024, số liệu từ Metric.vn cho biết, thị trường TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với tổng doanh số đạt 227.7 ngàn tỉ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ 2023.

Điều này cho thấy thị trường TMĐT vẫn nhiều hấp lực cho các nhà đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới