Vậy công an đã căn cứ vào quy định nào của pháp luật để đưa anh Kiều ra khỏi nhà riêng?
Đủ dấu hiệu tội bắt người trái pháp luật
Cái thời cứ nghi là triệu tập, là bắt đã qua rồi. Hiến pháp đã quy định rành rành, BLTTHS cũng chỉ cho phép bắt người mà không cần lệnh trong một vài trường hợp đặc biệt như bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang, bắt truy nã. Việc đưa anh Kiều ra khỏi nhà, còng tay dẫn giải lên trụ sở công an không phải là bắt người trái phép thì đó là hành vi gì? Phải chăng đó chỉ là bắt người “không có quy định của pháp luật” chứ không phải là trái phép?
Từ trước đến nay bao nhiêu vụ bắt người theo kiểu này nhưng chưa xử vụ nào nên người ta ngộ nhận rằng chủ thể của tội bắt người trái pháp luật chỉ dành cho người dân với người dân, còn người của nhà nước thì không phải là chủ thể của tội phạm này.
Tội bắt người trái pháp luật có chỗ nào quy định chủ thể của tội phạm chỉ đối với người dân đâu? Có lẽ cũng vì trong thực tiễn phòng, chống tội phạm, cơ quan điều tra vẫn thường sử dụng nghiệp vụ “mời lên làm việc” với người tình nghi nên có một số người cho rằng việc làm này được pháp luật cho phép. Nhưng nếu hỏi căn cứ vào điều luật nào, văn bản pháp luật nào thì họ chịu, không đưa ra được.
Hành vi bắt anh Kiều trái pháp luật của các công an TP Tuy Hòa hoàn toàn đủ dấu hiệu cấu thành tội bắt người trái pháp luật, quy định tại Điều 123 BLHS với tình tiết lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Nếu chỉ có người dân bắt người dân mới cấu thành tội phạm này thì nhà làm luật còn quy định tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để làm gì? Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, về hình thức đó chính là xuất phát từ người thi hành công vụ. Không biết phải hiểu thế nào mới chính xác khi pháp luật không cho phép mà anh vẫn gây thiệt hại cho người dân rồi lại bảo rằng chỉ vi phạm thủ tục tố tụng chứ không phải là tội phạm?
Tội giết người mới đúng
Hành vi tra tấn anh Kiều đến chết cũng không phải là hành vi làm chết người trong khi thi hành công vụ vì trong vụ việc này, năm công an là người có chức vụ, quyền hạn nhưng việc làm của họ không phải là thực hiện một công vụ hợp pháp.
Giả thiết, khi công an đưa anh Kiều về trụ sở mà anh Kiều chống lại thì hành vi của anh Kiều cũng không bị coi là hành vi chống người thi hành công vụ.
Nếu hành vi của anh Kiều xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của công an (trong trường hợp này) thì cũng không bị coi là giết người hoặc cố ý gây thương tích đối với người thi hành công vụ.
Khi không được coi là thi hành công vụ thì mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác cũng không được coi là trong khi thi hành công vụ. Chủ thể của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ phải là người đang thi hành một công vụ hợp pháp, còn nếu thi hành một công vụ không hợp pháp hoặc lợi dụng việc thi hành công vụ mà đánh chết người thì phải xử về tội giết người với tình tiết “thực hiện tội phạm một cách man rợ” và “bằng cách lợi dụng nghề nghiệp”.
Làm điều pháp luật cấm sao gọi là công vụ?
Đối với tội làm chết người trong khi thi hành công vụ thực tiễn xét xử chủ yếu áp dụng đối với người sử dụng vũ khí ngoài trường hợp pháp luật cho phép. Với trường hợp không sử dụng vũ khí mà sử dụng những công cụ cầm tay như gậy gộc hoặc chỉ dùng chân tay thì họ phải là người được giao nhiệm vụ hoặc tự nguyện tham gia cùng với người làm nhiệm vụ một cách hợp pháp mới được coi là phạm tội trong khi thi hành công vụ.
Giả thiết, anh Kiều đã bị khởi tố bị can mà bị đánh chết thì những người gây ra cái chết cho anh Kiều cũng không phải là phạm tội trong khi thi hành công vụ. Bởi vì Hiến pháp và pháp luật quy định trong mọi trường hợp người thi hành công vụ đều bị cấm dùng nhục hình. Làm một điều pháp luật cấm thì không phải là thi hành công vụ.
Khi xác định tư cách chủ thể của tội phạm này phải gắn liền hành vi xâm phạm tính mạng của người phạm tội với nhiệm vụ hợp pháp mà họ được giao. Toàn bộ hành vi phạm tội và những yếu tố khác của tội phạm này đều liên quan đến tư cách chủ thể.
Về phía nạn nhân (người bị hại), nạn nhân trong tội làm chết người trong khi thi hành công vụ là những người đang có hành vi xâm phạm đến lợi ích mà người phạm tội có nhiệm vụ bảo vệ. Hành vi xâm phạm đến các lợi ích đó phải là hành vi trái pháp luật. Anh Kiều chỉ là người bị nghi là trộm cắp nên không thể coi anh là người có hành vi trái pháp luật. Đây là dấu hiệu rất quan trọng để phân biệt hành vi phạm tội trong khi thi hành công vụ với hành vi phạm tội thông thường khác.
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao