Nguyên do số người hưởng trợ cấp tai nạn lao động giảm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa báo cáo Bộ LĐ-TB&XH về tình hình giải quyết chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp năm 2021.

Theo đó, năm 2021, BHXH Việt Nam giải quyết hưởng trợ cấp chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng cho 2.378 người, giải quyết hưởng trợ cấp một lần đối với 4.737 người. Trung bình mỗi tháng giải quyết cho 200 người và gần 400 người hưởng trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp một lần.

Một vụ tai nạn lao động tại Hà Nội. Ảnh: V.LONG

BHXH Việt Nam đánh giá số người giải quyết hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong năm 2021 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, số người giải quyết hưởng mới trợ cấp hằng tháng giảm 11% và 17% đối với người hưởng trợ cấp một lần.

“Nguyên nhân số người hưởng các chế độ trên giảm là do tình hình dịch COVID - 19 làm giảm số người đi khám giám định tỉ lệ suy giảm khả năng lao động. Cạnh đó, số lượng các đơn vị ngừng hoạt động, cắt giảm số lượng nhân công do dịch cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến số người hưởng các chế độ này trong năm 2021…”- BHXH Việt Nam lý giải.

Cũng theo ngành bảo hiểm, những năm qua công tác chi trả các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện kịp thời, theo đúng theo quy định của pháp luật. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc chi trả qua tài khoản thẻ ATM đã giúp người hưởng hạn chế đi lại, tiếp xúc, bảo đảm được an toàn và giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng khẳng định công tác này còn gặp một số khó khăn. Chẳng hạn không có quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc thanh, kiểm tra công tác điều tra, kết luận các vụ tai nạn lao động,  bệnh nghề nghiệp. Đoàn điều tra tai nạn lao động không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm pháp lý gì khi kết luận điều tra không đúng.

“Vì vậy, cần thiết phải xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ đoàn điều tra tai nạn lao động kèm theo các chế tài nghiêm khắc. Chẳng hạn như trách nhiệm bồi thường cho đơn vị, quỹ BHXH trong trường hợp kết luận không đúng, để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này…”- BHXH nêu kiến nghị.

Ngoài ra, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động còn nhiều, phần lớn chưa được đào tạo nghề, nhất là chưa được huấn luyện, trang bị bảo hộ về an toàn, vệ sinh lao động, nguy cơ cao mất an toàn lao động. Do số lao động này lại không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nên khi xảy ra tai nạn, bệnh nghề nghiệp họ không được hưởng chế độ, dẫn đến gặp khó khăn trong chữa trị, không có nguồn thu nhập để duy trì ổn định cuộc sống.

Vì vậy, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cần quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong lập biên bản điều tra, xác nhận tai nạn lao động. Nâng cao nhận thức của người lao động và doanh nghiệp về mục tiêu, ý nghĩa của chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm