Ngày 14-3, Bệnh viện (BV) Thống Nhất, TP.HCM, tổ chức họp báo kỷ niệm Ngày Thận học thế giới.
PGS-TS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu BV Thống Nhất, cho biết khoa đang theo dõi, điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc suy thận. Trong đó, bệnh nhân trong độ tuổi rất trẻ chiếm đến 20%.
Do bệnh thận là BV lão khoa nên đây là tỉ lệ tương đối lớn, ở các BV khác người trẻ chiếm khoảng 70%.
“Nhiều người trẻ lần đầu tiên phát hiện bệnh thận cũng là lúc phải đặt catheter (ống thông nhỏ, mềm) chạy thận cấp cứu tại BV. Đáng báo động, tỉ lệ này ngày càng tăng” - BS Bách cho hay.
Theo BS Bách, người trẻ mắc bệnh suy thận thường do hai nguyên nhân. Đầu tiên là bệnh lý viêm cầu thận, chủ yếu gặp ở nam giới. Người mắc viêm cầu thận không có biểu hiện cụ thể, không phù, không có bất thường trong nước tiểu, chỉ có thể phát hiện bằng cách xét nghiệm.
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là người bệnh viêm cầu thận có thể có hiện tượng huyết áp cao. Vì vậy, đa số người bệnh được chẩn đoán viêm cầu thận khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Nguyên nhân thứ hai là viêm ống kẽ thận. Người mắc bệnh này chủ yếu do sử dụng, lạm dụng thuốc và hóa chất không đúng chỉ định. Theo một số nghiên cứu, nguyên nhân này gặp nhiều hơn ở người Việt.
“Ngoài chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động, nhiều người mắc bệnh thận vì sử dụng thuốc tùy tiện, không rõ nguồn gốc, không được hướng dẫn cụ thể bởi BS. Đây cũng chính là yếu tố gây ra nguy cơ mắc bệnh thận ở nhiều người trẻ” - BS Bách nhận định.
PGS-TS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc BV Thống Nhất, cho biết nếu không may bệnh suy thận mạn diễn tiến đến giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ phải điều trị bằng các phương pháp như lọc máu, lọc màng bụng, ghép thận nếu có điều kiện.
Tuy nhiên, những phương pháp này đều có những nhược điểm riêng. Kể cả ghép thận là phương pháp tốt nhất, gần như có thể hồi sinh cuộc sống bệnh nhân nhưng rất khó kiếm được nguồn tạng hiến thích hợp. Chính người nhận thận cũng chưa chắc đảm bảo đủ sức khỏe để có thể phẫu thuật và điều trị chống thải ghép sau phẫu thuật.
BS Quế cho biết thêm, ghép thận là kiểu ghép tạng được thực hiện sớm và nhiều nhất tại Việt Nam. Tính đến nay, theo thống kê của Hội ghép tạng Việt Nam, nước ta có khoảng 7.500 trường hợp ghép tạng, trong đó ghép thận chiếm tỉ lệ cao nhất. Tuy nhiên chỉ có 150/7.500 ca ghép tạng là từ người cho chết não.
“Đây là con số rất thấp, đi ngược với trào lưu trên thế giới. Ghép thận từ người cho sống liên quan đến hai con người, phải bảo đảm sức khỏe của cả hai, nên việc chuẩn bị phải rất kỹ, tốn nhiều thời gian. Hiện Việt Nam đang cố gắng tăng nguồn tạng hiến từ người cho chết não” - BS Quế chia sẻ.
Tầm soát bệnh thận miễn phí cho 10.000 người trẻ
Dự kiến trong tháng 3-2024, BV Thống Nhất sẽ bắt đầu triển khai chương trình khám tầm soát miễn phí bệnh thận cho người trẻ tuổi ở các khu dân cư và công nhân các khu công nghiệp với quy mô lớn khoảng 10.000 người trong vòng một năm.
Quy mô này có thể tăng lên, kéo dài tùy vào ngân sách của chương trình. Việc tầm soát nhằm phát hiện sớm bệnh thận và nguy cơ mắc bệnh lý về thận để kịp thời điều trị. Ngoài ra chương trình còn giúp nâng cao nhận thức cho người trẻ về nguy cơ mắc bệnh thận.