20 năm trước, ngay sau SEA Games 2003 tại Việt Nam (VN), nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh đã cảnh tỉnh thể thao VN nên chú trọng đầu tư trọng điểm vào các môn thi đấu Olympic thay vì đầu tư dàn trải giành HCV ở những môn thi “ao làng”. Đến nay thì lời cảnh báo đấy vẫn còn nguyên giá trị.
Nửa số HCV SEA Games không thuộc môn thi ASIAD hoặc Olympic
Trong số 136 HCV giành được tại SEA Games 32 - 2023 tại Campuchia có gần phân nửa không thuộc các môn thi ASIAD hoặc Olympic. Cũng vì lẽ đó mà truyền thông Thái Lan tuy xếp nhì toàn đoàn nhưng luôn đánh giá cao số HCV trong hệ thống Olympic của mình và khẳng định họ không thua đoàn đứng đầu VN, thậm chí còn cao hơn.
Chi tiết trên cho thấy Thái Lan đã chú trọng vào các môn trong hệ thống Olympic và không chạy theo số lượng vàng ở “ao làng”.
Chỉ vài tháng sau SEA Games 32, Thái Lan cho thấy sự vượt trội ở khu vực Đông Nam Á khi xếp thứ bảy châu Á và nhất Đông Nam Á với 10 HCV, trong khi đoàn VN đang xếp thứ 17 châu Á và thứ năm Đông Nam Á với 2 HCV bắn súng và cầu mây.
Phải nhìn nhận một thực tế rằng tại SEA Games, dù dẫn đầu khu vực nhưng số VĐV tiếp cận được thành tích châu lục mới chỉ có chân chạy Nguyễn Thị Oanh, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng và cua rơ Nguyễn Thị Thật.
Sau khi xuất sắc chinh phục 4 HCV tại SEA Games 32 vào tháng 5, thành tích của Nguyễn Thị Oanh vẫn giậm chân tại chỗ. Thậm chí trên đường chạy chung kết cự ly 1.500 m, Oanh đạt thành tích thấp nhất năm là 4’24”19. Trong khi ở cự ly 3.000 m vượt chướng ngại vật, nội dung Oanh từng đoạt HCĐ ASIAD 18, cô gái người Bắc Giang đạt thành tích 9’57”13 (cải thiện so với giải vô địch châu Á) nhưng chỉ về đích thứ 6/7 chung cuộc.
Tương tự, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng cũng không thể bảo vệ được chiếc HCB cự ly 1.500 m tự do nam nhưng bù lại Hoàng đã lập cú đúp HCĐ ở hai cự ly 400 m và 800 m tự do nam cùng một suất tham dự Olympic Paris 2024.
Môn xe đạp, dù Nguyễn Thị Thật sau chấn thương nghiêm trọng trước thềm ASIAD 19 và chỉ cán đích ở vị trí thứ tư nhưng đã cùng xạ thủ Trịnh Thu Vinh đạt chuẩn, có suất tham dự Olympic Paris 2024.
Những báo cáo về việc hụt vàng đề cập rằng chưa đánh giá đúng và đầy đủ về các đối thủ (!?).
Tụt hậu vì chưa đánh giá đúng và đủ các đối thủ…
Tính từ HCV đầu tiên của thể thao VN tại ASIAD 12 - 1994 của võ sĩ taekwondo Trần Quang Hạ, đến nay đã gần 30 năm nhưng chỉ tiêu của thể thao VN vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ 2-5 HCV và đến sáng 4-10 thì HCV của cầu mây đã nâng số HCV của VN lên 2 HCV.
Không ít môn vào chung kết nhưng cơ hội giành vàng dần trôi qua và trong bảng xếp hạng VN hiện đứng thứ năm Đông Nam Á, sau Thái Lan (10 HCV), Indonesia (6 HCV), Singapore, Malaysia (cùng 3 HCV).
Những mục tiêu vàng của thể thao VN tại ASIAD 19 dự báo rất cụ thể cho các nội dung cầu mây, bắn súng (đã đoạt HCV), xe đạp, cử tạ, karate, bắn cung, cờ tướng đều đã gãy.
Trong số 5 HCV tại ASIAD 18 cách đây năm năm ở Indonesia thì hai nội dung vàng của pencak silat bị nước chủ nhà loại ra khỏi chương trình thi đấu, nhà vô địch nhảy xa nữ Bùi Thị Thu Thảo giờ đã sang tuổi lão tướng (31 tuổi) và không thể vượt qua chính mình; tương tự, bốn cô gái đua thuyền rowing cũng chỉ giành HCĐ; chân chạy 400 m rào nữ Quách Thị Lan thì bị loại khỏi cuộc chơi do án phạt doping 18 tháng.
Những báo cáo về việc hụt vàng đề cập rằng chưa đánh giá đúng và đầy đủ về các đối thủ (!?). Điển hình, cử tạ liên tiếp đối diện với những đối thủ bí ẩn của CHDCND Triều Tiên, điền kinh gặp các VĐV nhập tịch của Bahrain, cờ tướng không lường hết sức mạnh của chủ nhà Trung Quốc… Nguyên nhân tiếp theo là VĐV đỉnh cao ở các môn quá khan hiếm nên họ phải cùng lúc luyện tập để vừa góp mặt tại ASIAD 19 vừa tham dự các giải đấu lớn quốc tế của châu Á, thế giới tranh thủ cơ hội giành vé tham dự Olympic Paris 2024...
Trong khi những môn trọng điểm của thể thao VN hiếm muộn nhân tài và thụt lùi so với chính mình thì các cường quốc châu Á không ngừng tiến bộ.•