Nhạc sĩ Cao Việt Bách và ca khúc 'Tiếng hát từ thành phố mang tên Người'

(PLO)- NSND Cao Việt Bách cho biết, bản thân thấy tự hào vì cho đến hôm nay, ca khúc vẫn còn được yêu thương, cất lên trong niềm hân hoan và yêu đời.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

NSND Cao Việt Bách chơi lại bài ca 'Tiếng hát từ thành phố mang tên Người' trên chiếc piano tại nhà đã theo ông suốt hơn 50 năm. Clip: Cao Ngân Hà

Bài ca “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” của NSND Cao Việt Bách lần đầu tiên được vang lên khắp mọi miền đất nước là vào giờ phút thiêng liêng, mốc lịch sử trọng đại của dân tộc - Ngày 30-4-1975.

Lần thứ hai là thời khắc khiến hàng triệu trái tim thổn thức khi ý nguyện của nhân dân miền Nam, của Tổ quốc mong đợi suốt hơn 30 năm được trọn vẹn thành hiện thực – Ngày 2/7/1976 – Thành phố Sài Gòn – Gia Định đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài ca không quên “đón đầu” lịch sử

Nhắc về NSND Cao Việt Bách, công chúng nhiều thế hệ gọi ông là người nhạc sĩ “đón đầu” và gắn liền với thời khắc lịch sử.

“Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” là một minh chứng. Bài hát được NSND Cao Việt Bách nuôi ý tưởng và hoàn thành vào tháng 3-1975.

NSND Cao Việt Bách trong buổi lễ nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2017. Ảnh: tư liệu gia đình

NSND Cao Việt Bách trong buổi lễ nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2017. Ảnh: tư liệu gia đình

Ngày 30-4-1975, ca khúc được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam như một khúc khải hoàn mừng non sông liền một dải, đất nước trọn niềm vui thống nhất.

Ngày 2-7-1976, thời khắc thành phố Sài Gòn – Gia Định được mang tên thành phố Hồ Chí Minh, “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” trở thành ca khúc chính thức được Đài Tiếng nói Việt Nam chọn phát lên khắp mọi miền Tổ quốc như một lá thư báo tin mừng.

“Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” hôm ấy mãi gắn liền với thời khắc thiêng liêng khi cả nước đã có thể tự hào gọi thành phố bằng tên Bác.

Bài ca “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” đã được vinh danh trong đêm trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2017.

Với những cống hiến cho nghệ thuật, nhạc sĩ Cao Việt Bách được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1984 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2001.

Nói về việc, phải chăng, nhạc sĩ đã có một dự cảm tốt đẹp biết trước sau ngày đất nước trọn niềm vui sẽ đặt tên Thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh, NSND Cao Việt Bách đã hơn 80, trải qua 3 lần tai biến, chậm rãi ngồi xuống chiếc dương cầm quen thuộc, lật lại ký ức, cho biết, ông không thể đoán hay biết chắc rằng sau ngày giải phóng miền Nam, một thành phố lớn, hiện đại bậc nhất cả nước sẽ được mang tên Thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ với ông, đây là sự may mắn đầy tự hào của ca khúc cũng như của riêng ông khi đặt bút sáng tác.

Lật lại bản nhạc phổ năm đó để viết ca khúc ấy, ông chia sẻ thêm, ông từng đọc trong thơ của nhà thơ Tố Hữu, trong đó có đoạn gọi Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh. Danh từ ấy không biết từ khi nào đã để lại trong ông quá nhiều ấn tượng. Có lẽ, với ông, Bác Hồ không chỉ là vị “cha già” kính yêu của dân tộc Việt Nam mà những năm tháng tuổi thơ của ông ở Nga được gặp Bác là kỷ niệm mãi mãi không thể xóa nhòa theo năm tháng đi với ông trọn một đời người.

NSND Cao Việt Bách từ Nga về làmchỉ huy dàn nhạc tại Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), chỉ huy dàn nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh: tư liệu gia đình

NSND Cao Việt Bách từ Nga về làmchỉ huy dàn nhạc tại Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), chỉ huy dàn nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh: tư liệu gia đình

“Từ bé tôi đã được nghe bố kể về những kỷ niệm thời chiến tranh, trong đó có câu chuyện về Bác Hồ. Tôi mang ký ức đó lớn lên và cũng vinh dự được gặp Bác nhiều lần. Những hồi ức cũ cùng dòng cảm xúc của bản thân trước hoàn cảnh thực tại giúp tôi có cảm xúc để viết nên nhiều ca khúc liên quan đến Bác, cách mạng, cuộc đời”, NSND Cao Việt Bách chia sẻ.

Bài ca bắt đầu bằng những ký ức tươi đẹp về Bác

NSND Cao Việt Bách và con gái, chị Cao Ngân Hà. Ảnh: Tư liệu gia đình

NSND Cao Việt Bách và con gái, chị Cao Ngân Hà. Ảnh: Tư liệu gia đình

Lý giải cho điều đó, chị Cao Ngân Hà (con gái NSND Cao Việt Bách) chia sẻ, bài ca không phải thuần túy viết về chiến thắng của dân tộc mà mọi người vẫn biết, xuất phát điểm của bài hát chính là sự gửi gắm vô vàn những ký ức, sự biết ơn, tình yêu đối với Bác Hồ từ nhạc sĩ vì vậy bên trong ca khúc chính là những lời tự sự của người con Việt Nam dành cho “vị cha già” kính yêu.

Ngoài thấy được niềm tự hào, ca khúc có một điều đặc biệt là không nói về chiến thắng, không kể những đau thương mất mát nhưng khi nghe “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người”, lòng công chúng sẽ lại đọng lại âm vang của khúc khải hoàn trong từng nét giai điệu, trong hình ảnh Bác hiện lên xuyên suốt bài hát.

Đồng thời, “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” mang nhiều giá trị về văn hóa - âm nhạc, về nghệ thuật. Cách sáng tác ca khúc mà rất ít nhạc sĩ nào có thể làm được như NSND Cao Việt Bách đó chính là vận dụng chất liệu âm nhạc cải lương Nam Bộ vào bài hát viết về một mảnh đất ở miền Nam.

Ca khúc về giọng trưởng nhưng giai điệu lại da diết, tha thiết phối hợp với các quãng nhảy xa và quãng 8 tạo nên tinh thần hào sảng, hùng tráng.

Bài ca của 47 năm Thành phố Hồ Chí Minh

Kể từ ngày 2-7-1976, “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” đã trở thành một tượng đài cho giây phút Thành phố Sài Gòn – Gia Định bước sang trang mới là Thành phố Hồ Chí Minh.

Suốt 47 năm qua, không chỉ gắn với một giai đoạn lịch sử nhất định, “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” đã trở thành bài ca xuất hiện trong nhiều chương trình, hoạt động nghệ thuật trọng điểm của Thành phố. Tháng 7 hằng năm, khi Thành phố tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày Thành phố Sài Gòn – Gia Định đổi tên Thành phố Hồ Chí Minh, bài ca ấy lại ngân vang như thời khắc năm 1976 trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sau cả một đời tận hiến, phụng sự cho Tổ Quốc, NSND Cao Việt Bách và “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” đã là một dấu son trong sự hình thành và phát triển vẻ vang của Thành phố Hồ Chí Minh.

NSND Cao Việt Bách cho biết, bản thân thấy tự hào vì cho đến hôm nay, ca khúc vẫn còn được yêu thương, cất lên trong niềm hân hoan và yêu đời.

Với, Thành phố Hồ Chí Minh thì ca khúc ấy mãi mãi ngân rung trong lòng triệu trái tim người yêu nhạc và vút cao như câu kết bài ca “Sáng mãi tên Người, Thành phố Hồ Chí Minh”....

Nhạc sĩ Cao Việt Bách sinh ngày 10-10-1940 tại tỉnh Hưng Yên trong một gia đình có truyền thống cách mạng.

13 tuổi, ông được gửi sang Trung Quốc du học ở Lư Sơn rồi đến Quế Lâm. Năm 1954, ông theo học trường thiếu nhi Việt Nam ở Matxcơva.

NSND Cao Việt Bách là hạt giống đỏ được Bác chọn sang học tại Nga. Ảnh: Tư liệu gia đình

NSND Cao Việt Bách là hạt giống đỏ được Bác chọn sang học tại Nga. Ảnh: Tư liệu gia đình

Ngoài học văn hóa, ông còn có năng khiếu về âm nhạc. Hết phổ thông năm 1959, ông vào học khoa chỉ huy hợp xướng ở Nhạc viện Gnesin của Matxcơva. Ngoài ra ông còn học nghiên cứu lý luận sáng tác.

Năm 1962, sau khi tốt nghiệp loại ưu và trở về nước, ông tham gia chỉ huy dàn nhạc tại Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Năm 1969 ông chuyển sang chỉ huy dàn nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm