Nhạc sĩ Doãn Nho tặng bản quyền bài hát 'Tiến bước dưới quân kỳ'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-11, tại buổi gặp gỡ báo chí do Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tổ chức, nhạc sĩ Doãn Nho đã tuyên bố tặng ca khúc Tiến bước dưới quân kỳ cho Bộ Quốc phòng.

Ông bày tỏ: Chúng tôi là văn nghệ sĩ quân đội, là những người lính sống ở chiến trường, trong số đó không ít người đã hy sinh. Thành ra những việc vi phạm bản quyền (nếu có) không chỉ chà đạp lên mồ hôi mà cả xương máu của người lính nữa. Nhân danh một nhạc sĩ quân đội lão thành, tôi đề nghị cần phải làm rõ trắng đen việc này cho đến nơi đến chốn.

Tại đây, VCPMC cũng đã đề cập đến các vấn đề liên quan đến đơn kiến nghị gửi đến VCPMC của các nhạc sĩ Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngọc Khuê và nhóm M6 về các sản phẩm âm nhạc của họ bị BH Media xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên kênh Youtube.

Buổi trao đổi của VCPMC với các nhạc sĩ và một số cơ quan báo chí. Ảnh: VT

Nói về vấn đề bản quyền hài hát Tiến quân ca, nhạc sĩ Doãn Nho cho biết việc một đơn vị nắm giữ bản quyền ghi âm trên mạng khiến ông rất bất bình.

“Từ lâu trong quân đội, Tiến quân ca luôn luôn đi cùng với Tiến bước dưới quân kỳ bài hát này là từ sự hy sinh của đồng đội khiến tôi có cảm xúc mà viết nên. Tôi viết để trả ơn Đảng, Bác Hồ, Chính phủ và đồng đội. Vì vậy, là người lính gần 50 tuổi quân tôi xin nhờ qua VCPMC chuyển giao bản quyền bài hát 'Tiến bước dưới quân kỳ' cho Bộ Quốc phòng”, ông nói.

Có mặt tại buổi trao đổi, nhạc sĩ Văn Thao- con trai cả của cố nhạc sĩ Văn Cao đã chia sẻ về ca khúc Tiến quân ca (Quốc ca). Ông cho biết: "Gia đình thực hiện theo nguyện vọng của cha tôi, cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho Nhân dân, Nhà nước Việt Nam. Như vậy, bản quyền của tác phẩm thuộc về quốc gia chứ không còn thuộc về gia đình nữa. Nhưng khi nghe từ báo chí truyền hình về việc tác phẩm bị đánh gậy bản quyền, tôi thấy hết sức vô lý và hài hước".

“Từ khi ca khúc này ra đời, bản thân nhạc sĩ Văn Cao và gia đình chúng tôi chưa nhận bất cứ một đồng nào tiền bản quyền của tác phẩm này. Khi cha tôi mất đi, ông bảo: "Các con đừng bao giờ lấy tiền bản quyền ca khúc Tiến quân ca và sau này, đến lúc nào đó, thay mặt bố, bàn giao ca khúc này cho Nhà nước và Nhân dân". Chúng tôi đã làm đúng nguyện vọng của nhạc sĩ Văn Cao”- nhạc sĩ Văn Thao nói.

Nhạc sĩ Văn Thao- con trai cả của cố nhạc sĩ Văn Cao bày tỏ bức xúc của mình. Ảnh: VT

Cũng tại sự kiện này, VCPMC đã công bố 76 album tương ứng 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư sản xuất cho các thành viên mà VCPMC cho rằng đang bị BH Media sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube. VCPMC khẳng định 100% quyền tác giả và quyền liên quan của loạt album này thuộc về các tác giả.

Trung tâm sẽ tiến hành xử lý hành vi xâm phạm này theo đúng quy định của pháp luật, cần thiết sẽ khởi kiện. “Toàn bộ kho dữ liệu của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã bị BH Media xác nhận quyền. Chúng tôi cần hành động khẩn cấp chấm dứt ngay hành vi này”- nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn Tổng giám đốc VCPMC khẳng định.

Vụ việc liên quan đến bản quyền âm nhạc gần đây gây chú ý của dư luận khi nhạc sĩ Giáng Son đã gửi đơn kiến nghị lên VCPMC để ủy quyền cho trung tâm này thay mặt nữ nhạc sĩ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chị trong vụ việc mà chị cho rằng mình bị "đánh bản quyền" với ca khúc Giấc mơ trưa.

Trong đơn, nhạc sĩ Giáng Son cho biết chị mới thành lập kênh YouTube riêng mang tên Giáng Sol Official để chia sẻ những bài hát, album cũ mới của mình với khán giả vào ngày 25-9.

Theo thông báo từ hệ thống, video do Giáng Son đăng lên có chứa một đoạn âm thanh tương tự sản phẩm Giấc mơ trưa của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh, thuộc sở hữu của BH Media và Hồ Gươm Audio.

Điều này khiến nữ nhạc sĩ bức xúc và khẳng định, bản thân không ký độc quyền tác phẩm này cho bất cứ ai hay tổ chức nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm