Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: 'Drama lớn đến đâu thì 1 tháng sau cũng chẳng ai còn nhớ đến'

(PLO)- Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, với người làm nghệ thuật, cách tốt nhất để không bị cuốn vào vòng xoáy thị phi là giữ sự nhất quán trong con đường mình chọn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-6, tại TP.HCM, Báo Tiền Phong phối hợp với Trường Đại học Hoa Sen phối hợp tổ chức tọa đàm Người trẻ và văn hóa ứng xử giữa cơn bão drama.

Tọa đàm có sự góp mặt của Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam (Phó Trưởng khoa Luật - Tâm lý) và Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh (NCS) Phan Trịnh Hoàng Dạ Thi (Giám đốc Chương trình Tâm lý học) của ĐH Hoa Sen, Giảng viên, Thạc sĩ, Á hậu Phương Anh và nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.

Drama là online nhưng hậu quả pháp lý là offline

Phát biểu khai mạc chương trình, nhà báo Lý Thành Tâm, Trưởng Ban đại diện Báo Tiền Phong tại TP.HCM, cho biết Drama hiện nay xuất hiện như “cơm bữa”, được lan truyền theo từng phút, từng giây và thu hút hàng triệu lượt quan tâm, bình luận.

"Nguy hiểm hơn, trong cơn lốc drama ấy, người trẻ không chỉ là khán giả, mà còn là người góp phần lan tỏa, thổi phồng và duy trì sự tồn tại của những câu chuyện tiêu cực.

Bằng cách vô tình hay hữu ý tham gia bình luận xúc phạm, chia sẻ thông tin sai lệch, hoặc cổ súy cho văn hóa đấu tố, chúng ta đang để cảm xúc dẫn dắt hành vi, thay vì giữ được sự tỉnh táo" - nhà báo Lý Thành Tâm cho hay.

Nhà báo Lý Thành Tâm cũng hi vọng buổi tọa đàm sẽ mang đến nhiều thông tin hữu ích, góp phần xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, nhân văn và văn minh hơn cho cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

toa-dam.jpg
TS Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng khoa Luật - Tâm lý, Trường ĐH Hoa Sen. Ảnh: NGÔ TÙNG

Chia sẻ tại tọa đàm, TS Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng Khoa Luật - Tâm lý, Trường ĐH Hoa Sen, cho biết ranh giới giữa vi phạm dân sự và hình sự rất mong manh. "Drama là online nhưng hậu quả pháp lý là offline" - TS Nam nhấn mạnh.

toa-dam1.jpg
ThS. NCS Phan Trịnh Hoàng Dạ Thi, Giám đốc chương trình Tâm lý học - Trường ĐH Hoa Sen. Ảnh: NGÔ TÙNG

ThS-NCS Phan Trịnh Hoàng Dạ Thi, Giám đốc chương trình Tâm lý học - Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng khi mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu của đời sống, hiện tượng drama dường như đã trở thành "món ăn tinh thần" khó bỏ của nhiều người.

"Khi drama bùng nổ, tâm lý đám đông phát huy tác dụng thông qua nguyên tắc lây lan cảm xúc và bắt chước hành vi. Một bình luận, một cảm xúc (vui, tức giận) từ người này có thể nhanh chóng lan truyền sang người khác. Đặc biệt, ảnh hưởng từ những người có sức ảnh hưởng càng làm tăng tính ám thị và cuốn hút của drama" - ThS Thi cho biết.

3 drama lớn trong sự nghiệp của Nguyễn Văn Chung

Tham dự toạ đàm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã nhắc lại tranh luận xoay quanh việc ca sĩ thể hiện ca khúc Viết tiếp câu chuyện hoà bình hôm 30-4.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, mỗi người đều có quyền yêu thích phiên bản trình bày ca khúc trên của bất kỳ ca sĩ nào. Tuy nhiên, khi xảy ra những lùm xùm kèm theo hành vi thiếu tôn trọng với một ca sĩ, với vai trò là tác giả ca khúc buộc phải lên tiếng từ góc nhìn khách quan.

"Tôi ít lướt mạng xã hội và chỉ muốn yên ổn để sáng tác nhạc. Chúng ta nhất quán với con đường mình đi thì những luồng ý kiến thất thiệt, tiêu cực sẽ tự biến mất" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.

Nguyễn Văn Chung
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ tại tọa đàm.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết trong 20 năm làm nghề, anh đã ba lần vướng vào những drama lớn – điều mà trước đây anh từng nghĩ sẽ không xảy ra, vì bản thân là nhạc sĩ, ít xuất hiện trên sân khấu và không thuộc kiểu người thích gây chú ý.

Lần đầu vào năm 2005, liên quan đến ca khúc Vầng trăng khóc do anh sáng tác có nghi vấn đạo nhạc từ Thái Lan, dù bài này được nhạc sĩ sáng tác năm 2002.

"Khi đó, những bình luận tác động rất tiêu cực đến tâm lý của tôi và người thân. Sau đó, tôi phải nhờ trung tâm bảo vệ quyền tác giả, đội ngũ luật sư hỗ trợ và tổ chức 2 lần họp báo thì thông tin mới được cải chính” - nam nhạc sĩ kể.

Drama tiếp theo được nhạc sĩ nhắc đến là những ồn ào xoay quanh việc anh ly hôn. Tuy đây là câu chuyện riêng tư cá nhân nhưng nhiều tài khoản ảo trên mạng bịa đặt thông tin nhạc sĩ ăn chơi, nợ nần, cờ bạc… Lúc này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung dù bức xúc nhưng chọn cách im lặng để sự việc dần lắng xuống.

Drama cuối cùng về vụ tranh chấp bản quyền ca khúc Con đường mưa giữa ca sĩ Cao Thái Sơn và Nathan Lee. Lần này, nhạc sĩ bị chính những người đồng nghiệp đánh giá vì tiền mà bỏ bạn.

"Lần này, tôi chỉ lên tiếng một lần duy nhất, chỉ ra những thông tin dưới góc độ cả tình lẫn lý trên góc độ pháp luật. Sau đó, nhiều người đã quay xe ủng hộ cách làm của tôi" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói

Rút ra kinh nghiệm sau khi trải qua những drama, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng để không bị ảnh hưởng bởi drama, người làm nghệ thuật nên nhất quán với những gì mình làm về đạo đức, nghề nghiệp, lối sống.

“Drama có lớn đến đâu thì khoảng một tháng sau không ai còn nhớ đến nữa. Sống có nguyên tắc, có uy tín thì sẽ hạn chế cao nhất drama có thể xảy ra. Với người nổi tiếng, nên hạn chế phát ngôn khi cảm xúc bị đẩy lên quá cao. Nên cộng thêm sự khiêm nhường, biết ơn dưới mỗi phát ngôn của mình” – nam nhạc sĩ cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm