Nhầm điểm đến: VietJet hỏng quy trình

Xung quanh chuyện “VietJet bay nhầm”, dù VietJet cho biết lỗi là do nhân viên điều phái không báo thông tin thay đổi cho cơ trưởng nhưng nhiều người đặt câu hỏi khi lên máy bay, cả hành trình, tiếp viên sẽ thông báo về lịch trình bay Hà Nội-Đà Lạt tối thiểu là hai lần nhưng tại sao cơ trưởng vẫn để máy bay đáp nhầm sân bay? 

Đã là quy trình thì nhân viên hàng không quyết phải tuân thủ. Việc chủ quan có thể dẫn đến những tai hại không thể lường trước được. Ảnh: MAI PHƯƠNG

Phi công không để ý số hiệu chuyến bay?

lãnh đạo của một hãng hàng không phân tích: “Quy trình trong hàng không rất nghiêm ngặt. Thông thường nhân viên điều phái bay phải mang kế hoạch bay lên cho phi công, phi công kiểm tra trọng tải, số lượng hành khách, số hiệu chuyến bay, xăng dầu… Thế nhưng có thể phi công trong chuyến bay của VietJet lần này lại chỉ để ý đến các thông số khác mà không để ý đến thông tin số hiệu chuyến bay (?!). Nếu vậy là do con người quá chủ quan.

Liên quan đến câu hỏi tại sao cơ trưởng không nghe thấy tiếp viên thông báo lịch trình, vị này cho rằng điều đó rất khó xảy ra. Bởi lẽ trong buồng lái cơ trưởng sẽ chỉ tập trung vào lái máy bay nên không nghe thấy gì từ bên ngoài. “Tuy nhiên, qua sự cố này mới thấy đã là quy trình thì không thể xao nhãng và chủ quan như vậy được” - vị này nói.

Đồng tình, một phi công một hãng hàng không tại Việt Nam cho biết: “Phi công bận tập trung lái máy bay nên đòi hỏi phải nghe đọc thông báo của tiếp viên là rất khó. Tôi nghĩ khi để xảy ra sự cố thì ai cũng có lỗi chứ không phải lỗi một người. Lỗi là do cả một quy trình không chặt chẽ. Đến giờ, tôi thấy Cục Hàng không Việt Nam nhận xét là hoàn toàn chính xác”.

Không tôn trọng quy trình bay

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một chuyên gia hàng không cho rằng đây là câu chuyện không bình thường của ngành hàng không. Rõ ràng có những sai phạm và cần có quy trình kiểm tra trước khi máy bay cất cánh. “Đây là một vi phạm nghiêm trọng. Công tác kiểm tra không được thực hiện nên mới xảy ra sự cố” - vị chuyên gia nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện các hãng hàng không đều cho biết đã rà soát lại quy trình. Lãnh đạo một hãng hàng không nhận định thêm: “Đây là một bài học đáng để rút kinh nghiệm. Chúng tôi cũng đang yêu cầu anh em rà soát toàn bộ quy trình, tránh tình trạng thiếu thông tin dẫn đến sự cố không hay”.


Phạt hành chính người gây sự cố

Báo Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi nhanh với ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.

. Mức xử phạt đối với VietJet sẽ như thế nào, thưa ông?

+ Ở đây VietJet có khá nhiều lỗi. Vì vậy, cục sẽ xử phạt hành chính đối với những người gây ra sự cố, ví dụ như nhân viên điều phái bay, tổ bay. Nhưng còn về hãng hàng không, Cục cũng có những khuyến cáo, yêu cầu cụ thể để khắc phục. Ngoài ra, cục sẽ rà lại toàn bộ hệ thống của VietJet để kiểm tra, từ hệ thống đến con người cụ thể.

. Có ý kiến cho rằng các sai sót của hãng hàng không phải bị phạt thật nặng, thậm chí nếu ảnh hưởng an toàn bay có khi hãng còn bị rút giấy phép?

+ Cơ quan quản lý chỉ rút giấy phép khi nào năng lực của cả hệ thống không đủ để duy trì các điều kiện thực hiện giấy phép. Và nếu việc hoạt động của hãng uy hiếp an toàn bay nặng nề lắm thì mới tính đến rút giấy phép.

Vì vậy, trong trường hợp của VietJet, cục chưa nghĩ đến tình huống rút giấy phép.

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm