Những ngày gần đây, thế giới chấn động vì vụ bê bối “gian dối khí thải” của Volkswagen. Doanh nghiệp (DN) này bị phát hiện gian lận khí thải trong các cuộc kiểm tra về mức độ gây ô nhiễm tại Mỹ.
Số liệu đăng trên tờ The Guardian cho biết đã có đến 11 triệu xe hơi do hãng xe Đức sản xuất bị ảnh hưởng trong vụ bê bối. Điều đó khiến giá cổ phiếu của Volkswagen lao dốc không thắng.
Hãng xe đình đám này đã lắp đặt một phần mềm tinh vi - báo chí quốc tế gọi là “thiết bị nói dối” - vào các mẫu xe chạy bằng nhiên liệu diesel nhằm che giấu lượng phát thải thực tế.
Khi các nhà điều tra của Mỹ vào cuộc quyết liệt, mọi chuyện đổ vỡ khi các kiểm chứng cho thấy lượng khí thải của xe Volkswagen cao gấp 10-40 lần cho phép.
Án phạt “trí mạng” tại Mỹ
Nếu như tại các quốc gia kém phát triển hay đang phát triển, các chỉ tiêu trên sản phẩm về môi trường, trong đó trọng tâm là chỉ số phát thải, vẫn chưa được xem trọng thì trái lại ở châu Âu và Mỹ, các chỉ số môi trường là yếu tố “chí tử” của các hãng xe.
Tại Mỹ, Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) vận dụng các quy định liên bang về phát thải (CFR), cùng với hệ thống kiểm tra tiên tiến, kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn phát thải của ngành công nghiệp ô tô.
Các phương tiện giao thông cá nhân phải được kiểm tra phát thải định kỳ hằng năm, nếu không đạt chuẩn thì không được phép lưu thông và phải sửa chữa cho đến khi đạt chuẩn.
Chủ xe sẽ phải đóng mức phí hàng trăm USD nếu tái kiểm tra không đạt chuẩn; hoặc phải nhận án phạt hàng ngàn USD nếu xe không đạt chuẩn nhưng vẫn cố tình đưa vào lưu thông.
Với các DN mức phạt sẽ cao hơn nhiều, thậm chí bị truy tố hình sự. Như trường hợp của Volkswagen, theo trang Zalopnik, cứ mỗi phương tiện không đạt chuẩn phát thải mà Volkswagen gian lận sẽ bị phạt 37.500 USD.
Tổng thể mức phạt mà “ông lớn” ô tô Volkswagen có thể sẽ phải chịu có thể lên đến 18 tỉ USD. Đó là chưa kể EPA và Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành xem xét điều tra hình sự với vụ bê bối chấn động này.
Ngoài ra còn khoản phí hàng triệu USD mà DN bắt buộc phải chi ra để khắc phục hậu quả đã gây ra. Có DN bị phạt đến mức phải bán tài sản để trả án phạt, mất vốn và phá sản.
Các nhà báo và hãng truyền hình đang chờ đợi trước trụ sở sản xuất của Volkswagen tại Wolfsburg, Đức khi hội đồng quản trị của công ty này đang họp mặt. Ảnh: EPA
Giám đốc điều hành Volkswagen Martin Winterkorn gặp sóng gió vì vụ bê bối chấn động của một trong những hãng xe nổi tiếng nhất thế giới. Ảnh: AFP
Ba nguyên tắc “bất biến” của EU
Tại các buổi thảo luận với các đại sứ Môi trường trẻ từ 19 quốc gia tại Leverkusen (Đức) năm 2013, đại diện các cơ quan quản lý môi trường Đức cũng như tại Liên minh châu Âu (EU) chia sẻ ba nguyên tắc đối với các DN liên quan vi phạm yếu tố môi trường.
Thứ nhất, thông qua bộ quy định tiêu chuẩn phát thải ngành ô tô, ngành chức trách môi trường giám sát chặt chẽ 24/24 giờ thông qua đội ngũ chuyên gia giỏi và hệ thống kỹ thuật giám sát vô cùng hiện đại, với quy trình giám sát chặt chẽ.
Thứ hai, phạt thật nặng, mức phạt có khi lên đến hàng triệu, thậm chí là hàng tỉ euro. Nếu lượng CO2 trung bình vượt quá với tiêu chuẩn quy định, DN sẽ phải nộp phạt tương ứng với lượng khí thải dư thừa (chưa tính đến các hành vi gian dối khi đăng ký).
Theo đó, nếu phương tiện vượt mốc trong phạm vi một gam khí thải đầu tiên sẽ chịu phạt 5 euro/km. Con số này tăng lên nếu lượng khí thải vượt mốc càng cao. Cụ thể, 15 euro/km cho gam khí thải vượt mốc thứ hai; 25 euro/km cho gam khí thải vượt mốc thứ ba; và 95 euro/km với mỗi gam khí thải vượt mốc tăng thêm tiếp theo.
Từ năm 2019 trở đi, mỗi phương tiện vi phạm DN sẽ phải trả 95 euro/km cho mỗi gam khí thải vượt mốc quy định.
Cuối cùng, các nhà chức trách sẽ đưa DN vào danh sách đen về vấn đề môi trường, đẩy mạnh tấn công bằng báo chí, truyền thông.
Chỉ dấu này khiến dư luận nắm thông tin và nhanh chóng tẩy chay sản phẩm, thậm chí là thưa kiện DN vì bán hàng không thân thiện môi trường, lại lừa dối người tiêu dùng.
Sau khi nhận án phạt nếu không phá sản thì việc kinh doanh cũng đương đầu với những khó khăn vì giảm doanh thu. Ví dụ như trong vụ Volkswagen, giới quan sát đánh giá khả năng DN này phải đối diện với các vụ kiện tập thể từ khách hàng.
“Bàn tay sắt” của Nhật
Bên cạnh EU, Nhật cũng nổi tiếng với ngành công nghiệp ô tô sạch hàng đầu thế giới. Nhật là “xưởng xe” lớn thứ hai của thế giới và là thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới.
Chính vì thế, các vấn đề môi trường liên quan đến phát thải ô tô đều được Nhật thắt chặt đến mức tối đa, được quy định trong Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí (APCA), Luật Giải quyết gây ô nhiễm không khí (APDRA),...
Ngay cả với các cá nhân sở hữu ô tô theo quy mô gia đình hay kinh doanh nhỏ, nếu không tuân theo luật phát thải, xe sẽ bị cấm sử dụng, đồng thời phải chịu án phạt lên đến khoảng 500.000 yen (gần 95 triệu đồng)/lần vi phạm.
Xứ sở hoa anh đào đang sở hữu công nghệ kiểm soát ô nhiễm hàng đầu thế giới và tất cả hãng xe buộc phải đáp ứng các chuẩn phát thải tương ứng - mức chuẩn được Hội đồng Quốc tế về giao thông sạch (ICCT) đánh giá là “cứng rắn” điển hình. Theo ICCT, các quy định kiểm soát khí thải tại Nhật được đánh giá là chặt chẽ nhất châu Á và khắt khe nhất thế giới.
Năm 2005, Nhật là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành quy định về sử dụng nhiên liệu tiết kiệm và an toàn đối với các xe ô tô tải hạng nặng.
Ngoài các án phạt nặng đối với cá nhân có xe không đảm bảo tiêu chuẩn phát thải thì các DN ô tô cũng là các đối tượng bị luật điều chỉnh gay gắt.
Việc xử phạt dựa trên số lượng xe vi phạm (mức căn bản là 500.000 yen/phương tiện giao thông/lần vi phạm), cùng với các án phạt tăng thêm nếu DN vi phạm các vấn đề đạo đức kinh doanh như gian lận trong khai báo thông tin.
Tuy nhiên, cho đến nay hầu như chưa có các vụ bê bối “kiểu Volkswagen” xảy ra tại Nhật hay các hãng xe của Nhật. Một phần vì luật Nhật có tác dụng phòng ngừa nhờ quy trình giám sát và kiểm định ngay từ khi xe đang được sản xuất (thông qua kiểm định các công nghệ, hệ thống máy móc sản xuất ô tô, dán tem chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn phát thải).
Mặt khác, nhờ chính phủ Nhật khuyến khích sản xuất, sử dụng xe phát thải thấp, có lợi cho môi trường thông qua chính sách giảm thuế, lệ phí đăng ký. Quan trọng nhất, người Nhật nổi tiếng về lòng tự tôn dân tộc, thể hiện rõ ở chuẩn mực đạo đức, kỷ luật thép trong kinh doanh.
12.000 người chết mỗi năm vì khói ô tô Liên quan đến vụ bê bối gian lận khí thải của Volkswagen, The Guardian cho biết Mike Hawes, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô và thương mại (SMMT), đã lên tiếng bảo vệ ngành công nghiệp ô tô. Mike Hawes nói trên tờ Today Programme rằng châu Âu đã và đang hoàn thiện các hệ thống kiểm tra phát thải; công nghệ sẽ sớm cho phép các ngành chức năng kiểm tra phát thải ô tô ngay trên đường di chuyển chứ không phải chỉ trong phòng thí nghiệm. Như vậy, các trường hợp gian lận như Volkswagen sẽ bị ngăn chặn. Tuy nhiên, cũng theo Hawes, tuy động cơ diesel giúp giảm thải 15% so với xăng, đồng thời vấn nạn khói bụi được cải thiện đáng kể nhưng ước tính hằng năm vẫn có khoảng 12.000 người chết vì ngành công nghiệp ô tô không thể đảm bảo tối đa các yêu cầu giảm thải. Vấn đề phát thải của động cơ diesel ngày càng trở nên trầm trọng hơn cả những gì người ta từng lo lắng trước đây. |